(Xây dựng) – Là một tỉnh phía Bắc có diện tích nhỏ nhất cả nước, nhưng tỉnh Bắc Ninh lại có rất nhiều lợi thế về giao thương để phát triển kinh tế - xã hội và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khổng lồ. Cụ thể, tỉnh có đến 3 tuyến đường bộ huyết mạch quốc gia chạy qua (Quốc lộ 1A, 1B, 18 và 38).
Bắc Ninh ưu tiên về phát triển hạ tầng giao thông. |
Nằm ở vị trí thuận lợi về giao thông đường bộ, Bắc Ninh có các tuyến đường huyết mạch quốc gia chạy qua là: Quốc lộ 1A, 1B, Quốc lộ 18, Quốc lộ 38, đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Quảng Ninh nối liền Bắc Ninh với các trung tâm kinh tế, văn hóa và thương mại của khu vực miền Bắc; thuận lợi cả về đường hàng không, kết nối Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và liên thông với hệ thống các trục đường quốc lộ đến với mọi miền trong cả nước.
Theo đó, Quốc lộ 1A được bắt đầu (Km 0) tại cửa khẩu Hữu Nghị trên biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, nằm tại thị trấn Đồng Đăng thuộc huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, và kết thúc tại thị trấn Năm Căn thuộc huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau với tổng chiều dài 2.482km. Đây là tuyến đường quan trọng, đi qua trung tâm của 31 tỉnh thành cả nước, nối liền 4 thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Quốc lộ 1A và 1B chạy song song với nhau kết nối từ Hà Nội lên Lạng Sơn.
Quốc lộ 18, hay còn gọi là Quốc lộ 18A là tuyến đường đi qua 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương và Quảng Ninh. Chiều dài toàn tuyến là 341km. Điểm đầu từ Hà Nội (giao cắt với đường cao tốc Bắc Thăng Long – Nội Bài); điểm cuối Mũi Ngọc, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh (Km98 – Quốc lộ 4B).
Quốc lộ 38 có một đầu tại ngã ba Ninh Xá, thành phố Bắc Ninh, giao cắt với Quốc lộ 1A. Tuyến này có hướng cơ bản là Bắc - Nam, đi qua Tiên Du - cầu Hồ (bắc qua sông Đuống) - Thuận Thành - Cẩm Giàng - Bình Giang - Ân Thi - Kim Động - thành phố Hưng Yên - cầu Yên Lệnh (bắc qua sông Hồng) - Duy Tiên - Kim Bảng. Điểm cuối là ngã ba Chợ Dầu, giao cắt với Quốc lộ 21B tại nơi giáp ranh giữa Ứng Hòa và Kim Bảng.
Quốc lộ 38 còn kết nối với Quốc lộ 5A tại ngã tư Quán Gỏi ở Bình Giang (Hải Dương), kết nối với Quốc lộ 17 tại ngã tư Đông Côi, kết nối với Quốc lộ 1 tại nút giao Bồ Sơn ở thành phố Bắc Ninh, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình tại nút giao Vực Vòng ở thị xã Duy Tiên; các Tỉnh lộ 283, 280, 376...
Bắc Ninh có nhiều lợi thế cả về đường bộ, đường hàng không và đường thuỷ. |
Với lợi thế nhờ 3 tuyến đường bộ huyết mạch quốc gia chạy qua, và minh chứng rõ nét nhất của một tỉnh nhỏ về diện tích, nhưng giàu về nội lực được thể hiện bằng hiệu quả trong thu hút đầu tư. Cụ thể, 4 tháng đầu năm 2024, số dự án đăng ký và vốn đăng ký của tỉnh Bắc Ninh tăng đột biến.
Riêng về hút FDI, 4 tháng đầu năm, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với tỉnh Bắc Ninh đang tiếp tục tăng lên. Đơn cử là có thêm 157 dự án đầu tư nước ngoài đăng ký mới tăng (tăng 80 dự án, mức tăng 103,9%) so với cùng kỳ; trong đó: Các nhà đầu tư chủ yếu đến từ Trung Quốc 97 dự án; Hồng Kông 21 dự án; Singapore 15 dự án và 550,7 triệu USD vốn đăng ký mới tăng rất nhiều (tăng 44,6 triệu USD, tức tăng 8,8%).
Mặc dù, là tỉnh nhỏ nhất cả nước, lại không có nhiều lợi thế về tài nguyên khoáng sản hay tài nguyên rừng, nhưng Bắc Ninh lại là một vùng đất hiếm, giàu truyền thống khoa bảng - “địa linh nhân kiệt”; cùng với sự định hướng đúng đắn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, tỉnh này sẽ sớm đón làn sóng đầu tư mới, dự sẽ mạnh mẽ hơn trước.
Nguyên Khánh
Theo