(Xây dựng) - Tỉnh Bắc Kạn đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ trực tiếp từ các đơn vị phải thu hồi vốn nộp ngân sách Nhà nước, xử lý dứt điểm tình trạng chậm thu hồi nợ phải thu của các dự án sau quyết toán.
Thi công đường 258B đoạn Ba Bể - Pác Nặm (ảnh minh họa). |
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Kạn, năm 2019, Bắc Kạn được giao tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển 1.325 tỷ đồng; dự ước cả năm giải ngân đạt 1.190 tỷ đồng, đạt 89,8% kế hoạch. Trong đó kết quả giải ngân nguồn cân đối ngân sách địa phương đạt 94,3%; vốn các chương trình mục tiêu và ODA đạt 100%; vốn chương trình mục tiêu quốc gia đạt 89,9%; vốn trái phiếu Chính phủ đạt 76,6%.
Theo đó, có 7 dự án thực hiện tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư theo Nghị quyết số 89/NQ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ với tổng giá trị 102 tỷ đồng và 08 dự án tiết kiệm 5% dự toán phê duyệt đối với dự án khởi công mới thuộc nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương với tổng giá trị 1,8 tỷ đồng.
Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn đang vận động 04 dự án ODA đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó Dự án Phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư hợp phần tỉnh Bắc Kạn là 153,6 tỷ đồng.
Bên cạnh sự khởi sắc trong lĩnh vực đầu tư nói trên, thì một vấn đề quan trọng không kém đang được tỉnh Bắc Kạn chú trọng là thu hồi, hoàn trả ngân sách Nhà nước các khoản nợ phải thu đối với các dự án sau phê duyệt quyết toán.
Theo Sở Tài chính Bắc Kạn, các khoản phải thu của các dự án đã quyết toán từ năm 2018 trở về trước và trong năm 2019 (đến 31/10/2019) phải thu hồi là trên 43 tỷ đồng, trong đó từ năm 2018 trở về trước phải thu hồi là trên 28,78 tỷ đồng; năm 2019 là trên 14,4 tỷ đồng.
Cũng theo Sở Tài chính Bắc Kạn, còn có tới 45 chủ đầu tư phải thu hồi các khoản thanh toán vượt quyết toán với tổng số tiền hơn 28 tỷ đồng; các khoản phải thu hồi theo kết luận thanh tra, kiểm toán là gần 20 tỷ đồng.
Đối với khoản phải thu của các dự án đã quyết toán từ năm 2018 trở về trước đã thu hồi nộp ngân sách Nhà nước được 16.118 tỷ đồng, đạt 56% tổng số phải thu và 22/45 đơn vị hoàn thành công tác thu hồi nợ. Số nợ còn lại phải tiếp tục thu hồi là 12.667 tỷ đồng, trong đó: Nợ phải thu của các cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp là 10.757 tỷ đồng, nợ phải thu của các Ban Quản lý dự án, doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt động theo xác nhận của cơ quan quản lý là 1,91 tỷ đồng.
Đối với khoản thu hồi của các dự án quyết toán năm 2019, Sở Tài chính đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư phối hợp với Kho bạc Nhà nước thực hiện bù trừ trực tiếp cho các khoản phải trả trong cùng dự án ngay từ khi phê duyệt quyết toán dự án để gắn trách nhiệm của chủ đầu tư với công tác thanh toán và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản.
Kết quả số tiền thu hồi nộp ngân sách Nhà nước ước thực hiện đến ngày 31/12/2019 đạt 17,6 tỷ đồng, bằng 65% số phải thu theo Nghị quyết của HĐND tỉnh.
Theo ngành chức năng tại địa phương, một số dự án khó thu hồi tạm ứng quá hạn do chủ đầu tư chưa thực sự sâu sát, lựa chọn nhà thầu còn hạn chế về năng lực như: Dự án di dời tái định cư bảo đảm ổn định cuộc sống cho 28 hộ dân thôn Nà Cọ, xã Hoàng Trĩ (Ba Bể) dư tạm ứng 400 triệu đồng; dự án tôn tạo bảo tồn di tích ATK Bắc Kạn dư tạm ứng 1,7 tỷ đồng; dự án đường Cao Trĩ - Quảng Khê - Hoàng Trĩ dư tạm ứng 1 tỷ đồng…
Trước thực tế trên, ông Đinh Quang Tuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều cuộc họp, làm việc với các ngành, địa phương và doanh nghiệp chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ trực tiếp từ các đơn vị hoặc phối hợp với kho bạc Nhà nước tỉnh thực hiện thủ tục thu hồi nợ khi phát sinh khoản thanh toán trả cho đối tượng có nợ phải thu hồi nộp ngân sách Nhà nước; xử lý dứt điểm tình trạng chậm thu hồi nợ phải thu của các dự án sau quyết toán.
Thể hiện quan điểm của tỉnh Bắc Kạn trong hoạt động này, ông Đinh Quang Tuyên cho biết: “Đối với các doanh nghiệp không tự giác nộp trả, hoặc kê khai khoản vốn thanh toán vượt đang chiếm dụng khi thực hiện thủ tục giải thể, ngừng hoạt động… sau khi thông báo theo quy định mà các đơn vị vẫn không chịu nộp trả thì chủ đầu tư có trách nhiệm chuyển hồ sơ sang các cơ quan tư pháp để giải quyết theo quy định của pháp luật”.
Đối với nhiều địa phương, con số trên không phải là lớn, nhưng đối với tỉnh Bắc Kạn ngân sách thu hàng năm chưa đầy 600 tỷ đồng lại là một khoản đáng kể. Không những thế, việc ứng quá số tiền cần quyết toán trong các dự án nói trên cho thấy sự lỏng lẻo trong công tác quản lý vốn xây dựng cơ bản của địa phương này. Rất cần tỉnh Bắc Kạn nghiêm túc kiểm điểm, chấn chỉnh, khắc phục ngay để không tái diễn dẫn tới nguy cơ làm mất vốn đầu tư của Nhà nước.
Thái Nguyên Nhân
Theo