Thứ bảy 21/09/2024 05:51 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Nông thôn mới

Bắc Kạn: Phát huy nội lực, xây dựng nông thôn mới nâng cao

17:15 | 29/05/2023

(Xây dựng) - Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực đồng thuận của nhân dân, diện mạo nông thôn mới tỉnh Bắc Kạn giờ đây có đã nhiều đổi thay, tích cực theo hướng văn minh, hiện đại.

Bắc Kạn: Phát huy nội lực, xây dựng nông thôn mới nâng cao
Ông Nguyễn Đăng Bình - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn phát biểu tại Diễn đàn Chuyển đổi số trong Truyền thông quảng bá sản phẩm OCOP.

Sản phẩm OCOP – tiền đề cho sự phát triển

Nhờ thực hiện Đề án mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm (OCOP), đến nay sản xuất nông nghiệp hàng hóa của tỉnh Bắc Kạn đã có những chuyển biến tích cực. Tỉnh đã thực sự chuyển đổi tư duy từ sản xuất tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Nhiều hộ nghèo trong tỉnh được khuyến khích tham gia chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhất là ở khâu cung cấp nguyên liệu nông sản thông qua các dự án liên kết sản xuất.

Hơn hết, Bắc Kạn có nhiều hoạt động tích cực nhằm xúc tiến, quảng bá giúp đưa thương hiệu, sản phẩm OCOP có mặt trên nhiều thị trường trong, ngoài nước. Đặc biệt, sản phẩm miến dong Bắc Kạn đã được xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Bắc Kạn: Phát huy nội lực, xây dựng nông thôn mới nâng cao
Miến dong, một trong những sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh Bắc Kạn, đạt chứng nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia được xuất khẩu sang thị trường châu Âu

Đến nay, Bắc Kạn đã có 182 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 1 sản phẩm 5 sao; 18 sản phẩm 4 sao và 163 sản phẩm 3 sao. Đã có 110 chủ thể tham gia Chương trình có sản phẩm đạt chứng nhận OCOP gồm 73 hợp tác xã, 10 tổ hợp tác, 22 hộ kinh doanh và 5 doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đăng Bình - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Để góp phần nâng cao hiệu quả của chương trình OCOP trong giai đoạn tới, cần thiết phải có nhiều giải pháp đột phá trong ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý vận hành chương trình; nhất là khâu quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc; ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển thương mại sản phẩm OCOP đã được đánh giá phân hạng”.

Thời gian tới, Bắc Kạn chú trọng thực hiện kế hoạch triển khai Chương trình OCOP của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025. Đồng thời, tỉnh cũng đã đề xuất thí điểm một mô hình với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để bố trí kinh phí tổ chức thực hiện. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có từ 200 sản phẩm OCOP trở lên đạt 3 - 4 sao, trong đó có 02 sản phẩm trở lên đạt 5 sao.

Phấn đấu xây dựng 17 xã nông thôn mới, 6 xã nông thôn mới nâng cao năm 2023

Năm 2023, Bắc Kạn phấn đấu xây dựng 17 xã nông thôn mới, trong đó có 11 xã trong lộ trình phấn đấu đạt chuẩn năm 2023, 6 xã chưa đạt chuẩn trong lộ trình phấn đấu năm 2022. Các xã còn lại phấn đấu hoàn thành thêm ít nhất 1 tiêu chí so với năm 2022; số tiêu chí bình quân mỗi xã 14 tiêu chí/xã.

Phấn đấu xây dựng 6 xã nông thôn mới nâng cao năm 2023, bao gồm 4 xã trong lộ trình phấn đấu đạt chuẩn năm 2023 (Khang Ninh, huyện Ba Bể; Đồng Thắng, huyện Chợ Đồn; Cường Lợi, huyện Na Rì; Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn); 2 xã chưa đạt chuẩn trong lộ trình phấn đấu năm 2022 (Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông; Hà Hiệu, huyện Ba Bể).

Bắc Kạn: Phát huy nội lực, xây dựng nông thôn mới nâng cao
Bắc Kạn xây dựng mô hình điểm “con đường hoa” phấn đấu về đích nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Cùng với đó, phấn đấu năm 2023 có thêm 100 thôn thuộc các xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới. Củng cố, duy trì các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới còn lại phấn đấu đạt thêm ít nhất 1 tiêu chí nông thôn mới nâng cao so với năm 2022.

UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ ngay từ đầu năm, đề ra các giải pháp toàn diện, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện của địa phương; lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Bắc Kạn: Phát huy nội lực, xây dựng nông thôn mới nâng cao
Con đường được bê tông hóa tại xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông, Bắc Kạn

Dù là một tỉnh nghèo ở miền núi phía Bắc, nhưng với sự nỗ lực cùng nhiều giải pháp quyết liệt, tỉnh Bắc Kạn giờ đây đã vươn lên trở thành tỉnh đứng Top đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP; nhiều xã bước vào xây dựng nông thôn mới nâng cao. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ngày càng khởi sắc, để đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

Hoàng Hương – Ngọc Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load