Thứ sáu 22/11/2024 12:38 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Văn hóa /

Bắc Kạn: Công bố Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu Chợ Đồn

11:27 | 16/12/2023

(Xây dựng) - Tối 15/12/2023, tại Trung tâm Văn hóa huyện Chợ Đồn, UBND tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức Lễ công bố Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Chợ Đồn.

Bắc Kạn: Công bố Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu Chợ Đồn
Lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn trao Quyết định Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu (ATK) Chợ Đồn cho lãnh đạo huyện Chợ Đồn.

Chợ Đồn là huyện miền núi cao nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Bắc Kạn, nơi địa hình bị chia cắt phức tạp bởi những dãy núi, nơi đầu nguồn của sông Cầu và sông Phó Đáy. Địa thế hiểm trở đã đưa An toàn khu (ATK) Chợ Đồn thuộc địa bàn 3 xã Bình Trung, Nghĩa Tá, Lương Bằng trở thành một trong ba điểm quan trọng nhất thuộc quần thể Chiến khu Việt Bắc (bao gồm ATK Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên và ATK Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang, ATK Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn). Được chọn là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954).

Từ ATK Chợ Đồn, Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hoạch định đường lối kháng chiến, chỉ đạo nhiều chiến dịch lớn, như: Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông năm 1947; Chiến dịch Biên giới năm 1950; chuẩn bị các điều kiện cho Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng họp tại Chiêm Hoá (Tuyên Quang) tháng 02/1951.

Trải qua 9 năm kháng chiến trường kỳ, vượt qua bao khó khăn gian khổ, Nhân dân các dân tộc vùng ATK Chợ Đồn, đã đoàn kết thống nhất, bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ. Đồng thời ra sức thi đua tăng gia sản xuất, xây dựng hậu phương vững mạnh, tham gia ủng hộ kháng chiến, kiến quốc, góp phần đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

Với những giá trị lịch sử đặc biệt và to lớn đó, ngày 22/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2499/QĐ-TTg xếp hạng Di tích lịch sử ATK Chợ Đồn là di tích quốc gia đặc biệt.

Ngày 13/12/2019 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1803/QĐ-TTg về việc công nhận xã ATK, vùng ATK trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Quyết định nêu rõ: Công nhận 07 xã gồm: Bản Thi, Bình Trung, Nghĩa Tá, Lương Bằng, Bằng Lãng, Yên Thượng, Yên Thịnh thuộc huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn là các xã ATK của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ; công nhận huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn là vùng ATK của Trung ương đặt ở tỉnh Bắc Kạn.

Bắc Kạn: Công bố Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu Chợ Đồn
Nơi đây được chọn là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Mới đây, ngày 30/11/2023, Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn với tổng diện tích 135ha, thuộc địa bàn các xã: Lương Bằng, Nghĩa Tá và Bình Trung, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn và các khu vực cảnh quan, di tích phụ cận có liên quan.

Mục tiêu Quy hoạch là: Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn thông qua các cụm di tích, di tích hiện còn nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo tồn di sản văn hóa truyền thống. Làm cơ sở cho việc khai thác các di tích lịch sử - văn hóa, điểm tham quan, danh lam thắng cảnh của khu vực trở thành điểm hành hương về nguồn, nơi tìm hiểu, tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng của Nhân dân ta; điểm tham quan văn hóa - lịch sử hấp dẫn của tỉnh Bắc Kạn và vùng Việt Bắc, gắn với phát triển du lịch bền vững, góp phần nâng cao đời sống của người dân trong khu vực…

Theo Quy hoạch, các công trình di tích sẽ được tu bổ, phục hồi dựa trên căn cứ khoa học và tư liệu lịch sử; mang phong cách kiến trúc tương đồng về tính chất và thời kỳ, phù hợp truyền thống địa phương. Cùng với đó hệ thống đường giao thông tại khu vực sẽ được đầu tư hoàn thiện để kết nối, lấy tuyến đường Quốc lộ 3C đi qua khu vực làm trục giao thông chính, hình thành mạng lưới đường theo kiểu xương cá kết nối từ Quốc lộ 3C đến các điểm di tích thành phần và kết nối tổng thể di tích ATK Chợ Đồn với các điểm di tích, điểm du lịch khác phù hợp và kết hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, định hướng phát triển du lịch của tỉnh.

Sẽ có 5 nhóm dự án thành phần, gồm: Nhóm dự án số 1 Nghiên cứu, sưu tầm bổ sung tài liệu, tư liệu, hiện vật và kiểm kê, lập hồ sơ khoa học (bổ sung) về di tích; bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể gắn với di tích; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu (số hóa) về khu di tích;

Nhóm dự án số 2: Tổ chức khoanh vùng bảo vệ di tích, cắm mốc bảo vệ đất di tích; xây dựng biển, bảng giới thiệu, chỉ dẫn di tích; giải tỏa vi phạm và đền bù giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn;

Nhóm dự án số 3: Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; phục chế bổ sung hiện vật trong di tích; xây dựng các công trình phục vụ phát huy giá trị di tích;

Nhóm dự án số 4: Xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch;

Nhóm dự án số 5: Nâng cao năng lực quản lý di tích gắn với phát triển du lịch.

Thời gian thực hiện Quy hoạch từ năm 2024 đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

Về phân kỳ thực hiện: Giai đoạn 2024 - 2025: Triển khai các nhóm dự án số 1, số 2 và số 3. Giai đoạn 2026 - 2030: Triển khai nhóm dự án số 4 và số 5. Giai đoạn 2031 - 2035: Tiếp tục thực hiện và cơ bản hoàn thành các dự án thành phần đã triển khai. Giai đoạn 2036 - 2050: Hoàn thành các dự án thành phần còn lại.

Được biết:Tổng mức đầu tư dự kiến theo quy hoạch là 689,25 tỷ đồng, trong đó 260,14 tỷ đồng được đầu tư từ nguồn vốn Trung ương; 214,18 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương và 214,93 tỷ đồng từ các nguồn vốn khác.

Phát biểu tại Lễ Công bố, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình đề nghị các cấp, các ngành; các cơ quan, đơn vị có liên quan và huyện Chợ Đồn khẩn trương, nghiêm túc xác định các nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu của đơn vị mình, tập trung chỉ đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, xác định rõ thời gian hoàn thành, làm cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả. Làm tốt công tác quản lý Quy hoạch. Khẩn trương tổ chức lập, thẩm định và quyết định đầu tư các nhóm dự án thành phần trong Quy hoạch trên cơ sở điều kiện thực tế về kinh tế - xã hội của địa phương. Quan tâm phân bổ, bố trí, huy động nguồn lực để triển khai các dự án. Tổ chức tốt các hoạt động giáo dục truyền thống, tham quan, du lịch trên địa bàn ATK Chợ Đồn, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị khu Di tích, nâng cao đời sống Nhân dân địa phương…

Bắc Kạn: Công bố Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu Chợ Đồn
Phối cảnh Di tích Nà Pậu, xã Lương Bằng, huyện Chợ Đồn.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn hy vọng: Với sự nỗ lực và quyết tâm cao, sự vào cuộc và tham gia tích cực của các cấp uỷ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh, cùng với sự hỗ trợ, ủng hộ, giúp đỡ của các cơ quan Trung ương, Quy hoạch sẽ thực sự đi vào cuộc sống, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bắc Kạn.

Vũ Vân Phương

Theo

Cùng chuyên mục
  • Bình Định: Công nhận bảo vật quốc gia 2 tượng sư tử đá thành Đồ Bàn

    (Xây dựng) – 2 tượng sư tử đá thành Đồ Bàn được phát hiện vào năm 1992, gần tháp Cánh Tiên, trong khu thành Đồ Bàn, thuộc xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Cặp sư tử thành Đồ Bàn được xem là những tượng sớm nhất thuộc phong cách tháp Mẫm và có tạo hình tư thế độc đáo nhất trong lịch sử điêu khắc tượng sư tử của Champa.

  • Nhiều hoạt động kỷ niệm 20 năm Khu phố cổ Hà Nội là Di tích lịch sử quốc gia

    (Xây dựng) - Nhân chào mừng kỷ niệm 19 năm Ngày Di sản văn hoá Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2024), kỷ niệm 20 năm Khu phố cổ Hà Nội được công nhận Di tích lịch sử quốc gia và 20 năm hoạt động của Không gian đi bộ trên địa bàn quận (2004 - 2024), UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với các đơn vị, cá nhân tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hoá, văn nghệ đa dạng.

  • Hà Tĩnh: Đẩy nhanh tu bổ, tôn tạo di tích khu mộ, tượng đài Hải Thượng Lãn Ông

    (Xây dựng) - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu huyện Hương Sơn chỉ đạo, động viên các nhà thầu tranh thủ tối đa các thời điểm thời tiết thuận lợi; tăng cường nhân lực, “vượt nắng thắng mưa”, hoàn thành các hạng mục dự án trước ngày 20/12/2024. Đơn vị tư vấn cần tăng cường giám sát để công trình thi công đảm bảo chất lượng, kỹ thuật và mỹ thuật.

  • Cà Mau: Khởi công xây dựng Di tích lịch sử chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là

    (Xây dựng) - Ngày 19/11, tại xã Trần Phán (huyện Đầm Dơi), UBND tỉnh Cà Mau tổ chức lễ khởi công xây dựng Di tích chiến thắng Đầm Dơi - Cái Nước - Chà Là. Đây là 1 trong 7 công trình được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ lựa chọn là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2025-2030.

  • Trưng bày hơn 200 hiện vật, hình ảnh về Di sản văn hoá biển Hải Phòng - Quảng Ninh

    (Xây dựng) - Ngày 19/11, Bảo tàng Hải Phòng phối hợp với Bảo tàng Quảng Ninh khai mạc trưng bày “Sắc màu di sản văn hoá biển Hải Phòng - Quảng Ninh”.

  • Khơi dậy sức sống cho di sản

    Số lượng di tích đồ sộ, di sản phi vật thể phong phú đang được coi là nguồn lực lớn cho công nghiệp văn hóa, cho kinh tế sáng tạo của Việt Nam. Những năm gần đây, nhiều địa phương từng bước tích cực khai thác nguồn lực này, dù rằng, hiệu quả có trong thực tế có thể chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có và chưa hẳn được như kỳ vọng.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load