(Xây dựng) - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn vừa chỉ đạo các sở, ngành liên quan và Công an tỉnh tiếp tục thụ lý hồ sơ, điều tra, xử lý các dự án, gói thầu do doanh nghiệp ngoài tỉnh thi công nhưng còn cố tình không phối hợp thu nộp ngân sách, không liên lạc được, không rõ tình trạng hoạt động và các doanh nghiệp đã tham gia gói thầu, dự án nhưng đã dừng hoạt động.
Dư luận tỉnh Bắc Kạn cũng đang lo ngại về thất thoát ngân sách tại Dự án Nâng cấp, cải tạo đường ĐT 245, khiến Bộ Công an phải vào cuộc. |
Như Báo điện tử Xây dựng đã thông tin: Các khoản phải thu của các dự án đã quyết toán từ năm 2018 trở về trước và trong năm 2019 (đến 31/10/2019) tại tỉnh Bắc Kạn phải thu hồi là trên 43 tỷ đồng, trong đó từ năm 2018 trở về trước phải thu hồi là trên 28,78 tỷ đồng; năm 2019 là trên 14,4 tỷ đồng.
Cũng theo Sở Tài chính Bắc Kạn, còn có tới 45 chủ đầu tư phải thu hồi các khoản thanh toán vượt quyết toán với tổng số tiền hơn 28 tỷ đồng; các khoản phải thu hồi theo Kết luận Thanh tra, kiểm toán là gần 20 tỷ đồng.
Đối với khoản phải thu của các dự án đã quyết toán từ năm 2018 trở về trước đã thu hồi nộp ngân sách Nhà nước được 16,118 tỷ đồng, đạt 56% tổng số phải thu và 22/45 đơn vị hoàn thành công tác thu hồi nợ. Số nợ còn lại phải tiếp tục thu hồi là 12,667 tỷ đồng, trong đó: Nợ phải thu của các cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp là 10,757 tỷ đồng, nợ phải thu của các Ban Quản lý dự án, doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt động theo xác nhận của cơ quan quản lý là 1,91 tỷ đồng.
Đối với khoản thu hồi của các dự án quyết toán năm 2019, Sở Tài chính Bắc Kạn đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư phối hợp với kho bạc Nhà nước thực hiện bù trừ trực tiếp cho các khoản phải trả trong cùng dự án ngay từ khi phê duyệt quyết toán dự án để gắn trách nhiệm của chủ đầu tư với công tác thanh toán và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Kạn, Công an tỉnh Bắc Kạn đã làm việc với 10 chủ đầu tư trên địa bàn về số quyết toán vượt phải thu hồi từng công trình, nguyên nhân, lý do quyết toán vượt và thống nhất với chủ đầu tư biện pháp thu hồi. Theo đó, các chủ đầu tư này đã thu hồi được hơn 98 triệu đồng nợ ngân sách, gồm: Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thu hồi được hơn 30 triệu đồng từ hai công trình; Vườn quốc gia Ba Bể thu hồi được hơn 34 triệu đồng từ ba công trình; UBND thành phố Bắc Kạn thu hồi được 20 triệu đồng từ một công trình; UBND huyện Bạch Thông thu hồi được hơn 11 triệu đồng từ một công trình; UBND huyện Ngân Sơn thu hồi được hơn hai triệu đồng từ một công trình…
Theo cam kết, số nợ các chủ đầu tư sẽ thu hồi được trong thời gian tới là hơn 916 triệu đồng. Trong đó, Vườn quốc gia Ba Bể thu hồi hơn 294 triệu đồng từ 5 công trình; UBND huyện Chợ Mới thu hồi 418 triệu đồng từ 1 công trình; UBND huyện Chợ Đồn thu hồi hơn 109 triệu đồng từ 1 công trình.
Các chủ đầu tư khẳng định thu hồi được số nợ này khi thực hiện các biện pháp chuyển từ kinh phí bảo hành công trình sang. Riêng đối với UBND huyện Chợ Mới sẽ chuyển từ số tiền 1,2 tỷ đồng tạm giữ trong vụ án trốn thuế của Công ty TNHH Hoàng Gia để thu nợ. Trong khi đó UBND huyện Chợ Đồn phối hợp với UBND huyện Chợ Mới chuyển kinh phí công trình đường giao thông nông thôn liên xã Yên Cư - Cao Kỳ (Chợ Mới) theo kế hoạch vốn năm 2020 chưa giải ngân cho Công ty TNHH Hoàng Gia để thu nợ.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng: Số nợ không có khả năng thu hồi của các chủ đầu tư là hơn 506 triệu đồng. Trong đó, UBND huyện Ngân Sơn không có khả năng thu hồi hơn 20 triệu đồng của 1 công trình; Vườn quốc gia Ba Bể không có khả năng thu hồi hơn 57 triệu đồng của 3 công trình; UBND thành phố Bắc Kạn không có khả năng thu hồi 428 triệu đồng của 1 công trình.
Nguyên nhân không thu hồi được do Giám đốc, các Công ty thi công không liên lạc được, không rõ địa chỉ, không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký. Ngoài ra, còn có 238 triệu đồng của hạng mục lắp đặt hệ thống phòng cháy, chữa cháy thuộc dự án đầu tư xây dựng chợ Bắc Kạn, chủ đầu tư là UBND thành phố Bắc Kạn không đề nghị thu hồi vì đã bổ sung hồ sơ, chứng từ để trình quyết toán bổ sung.
Cũng theo Công an tỉnh Bắc Kạn, hiện tại còn có hơn 1 tỷ đồng nợ phải thu của 3 công trình ở huyện Na Rì, Chợ Đồn và Chợ Mới nhưng rất khó khăn đôn đốc thu nợ do các công ty thi công không chấp nhận lý do thu hồi.
Để giải quyết dứt điểm những khoản nợ cần thu hồi nói trên, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đã tiếp tục chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu tỉnh xử lý theo thẩm quyền; Công an tỉnh tiếp tục thụ lý hồ sơ, điều tra, xử lý các dự án, gói thầu do doanh nghiệp ngoài tỉnh thi công nhưng còn cố tình không phối hợp thu nộp ngân sách, không liên lạc được, không rõ tình trạng hoạt động và các doanh nghiệp đã tham gia gói thầu, dự án nhưng đã dừng hoạt động.
Theo các nhà quản lý: Việc thực hiện thu hồi sau quyết toán của Bắc Kạn gặp nhiều khó khăn do chủ đầu tư chưa thực sự sâu sát, lựa chọn nhà thầu còn hạn chế về năng lực như: Dự án di dời tái định cư bảo đảm ổn định cuộc sống cho 28 hộ dân thôn Nà Cọ, xã Hoàng Trĩ (Ba Bể) dư tạm ứng 400 triệu đồng; Dự án tôn tạo bảo tồn di tích ATK Bắc Kạn dư tạm ứng 1,7 tỷ đồng; Dự án đường Cao Trĩ - Quảng Khê - Hoàng Trĩ dư tạm ứng 1 tỷ đồng…
Nhiều người tiếp tục lo ngại khi số vốn ngân sách của Dự án Mở rộng, nâng cấp ĐT 254 đã được chủ đầu tư và nhà thầu làm hồ sơ quyết toán xong, nhưng trên thực tế còn nhiều vướng mắc chưa được làm rõ như: Khối lượng, cự ly đổ thải (do không có bãi đổ thải theo đúng thiết kế được phê duyệt), cũng như nhiều hạng mục thi công đến quý I/2020 vẫn còn dang dở sẽ có thể tái diễn, khó thu hồi dẫn tới nguy cơ làm mất vốn đầu tư của Nhà nước.
Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo: Tỉnh Bắc Kạn cần có giải pháp quyết liệt trong hoạt động hậu kiểm, thu hồi; Rõ ràng hơn nữa trách nhiệm của chủ đầu tư và người đứng đầu; Đồng thời xử lý nghiêm các sai phạm liên quan đến việc làm hồ sơ quyết toán “khống” để rút tiền ngân sách, tránh tình trạng “thả gà ra đuổi” sau khi đã quyết toán công trình.
Thái Nguyên Nhân
Theo