(Xây dựng) - Với nhiều khó khăn trong thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia khiến tỷ lệ giải ngân mới đạt 15,5% trong 6 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương yêu cầu các cấp, ngành địa phương trong tỉnh cần quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Các Chương trình mục tiêu quốc gia góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn Bắc Giang. |
Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Năm 2024, tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia của toàn tỉnh Bắc Giang là hơn 1.080 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết 6 tháng đầu năm, giá trị giải ngân mới đạt 167,5 tỷ đồng, bằng 15,5% kế hoạch cho thấy việc thực hiện các chương trình này đang diễn ra rất chậm.
Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Giang, nguyên nhân của tình trạng này là do một số khó khăn, vướng mắc thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững. Cụ thể là công tác thẩm định đối với các dự án bảo tồn làng bản truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số; tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của các dân tộc thiểu số còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chương trình. Bên cạnh đó, đối với nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng dược liệu quý khi triển khai thì có một số mẫu phiếu đánh giá không có chỉ tiêu đánh giá cụ thể, chỉ có mức điểm tối đa, còn nhiều tiêu chí mang tính cảm tính nên gây khó khăn cho việc cho điểm để lựa cho dự án. Ngoài ra, quy định hướng dẫn về địa bàn, đối tượng hỗ trợ đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững chưa rõ ràng gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện. Việc lựa chọn đối tượng tham gia thực hiện một số nội dung gặp khó khăn do sự “vênh” nhau giữa các văn bản hướng dẫn…
Tỉnh Bắc Giang xác định, năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tạo sự bứt phá và chuyển biến tích cực trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, còn không ít khó khăn, thách thức đan xen. Trong bối cảnh đó, việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn Chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa quan trọng, đóng góp trực tiếp vào thúc đẩy hàng hóa sản xuất trong nước, phát triển cơ sở hạ tầng, tháo gỡ điểm nghẽn cho phát triển, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động, dẫn dắt và định hướng vốn đầu tư toàn xã hội, giúp phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Tăng tốc giải ngân
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới, UBND tỉnh Bắc Giang đã giao nhiệm vụ cho Chủ tịch UBND và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh theo lĩnh vực phân công, tăng cường kiểm tra hiện trường, kiểm điểm tiến độ các công trình trọng điểm, tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Kịp thời cho ý kiến chỉ đạo giải quyết đối với các công trình, dự án, nội dung gặp khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án Chương trình mục tiêu quốc gia.
Các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia sớm; xác định rõ đối tượng thụ hưởng, tránh sự chồng lấn về địa bàn, nội dung thực hiện chương trình (nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi). Sử dụng vốn tập trung, tiết kiệm, hiệu quả; không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ từ cơ sở, phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư tham gia vào thực hiện chương trình. Các cơ quan chủ trì thực hiện các chương trình, dự án, nội dung thành phần tiếp tục chủ động, tích cực theo sát, đề nghị Trung ương có văn bản hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà tỉnh đã có văn bản báo cáo, đề nghị hướng dẫn thực hiện. Bám sát, đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị được giao kế hoạch vốn tích cực thực hiện, giải ngân vốn được giao; hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các nội dung mới theo hướng dẫn của bộ, ngành trung ương; nghiên cứu tham mưu đẩy mạnh phân cấp, trao quyền, nhất là cấp cơ sở trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm nâng cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp chính quyền địa phương trong quản lý, tổ chức thực hiện các dự án, mô hình phát triển sản xuất.
Chương Huyền
Theo