(Xây dựng) – Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang vừa ký Quyết định số 1205/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2023 - 2030.
Kế hoạch ưu tiên nguồn lực, tập trung vào một số nguồn thải chính, trong đó có các khu vực tập trung khu công nghiệp, cụm công nghiệp (ảnh: TL). |
Mục tiêu chung của kế hoạch nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường không khí; tăng cường năng lực phòng ngừa, giảm thiểu phát thải khí thải và giám sát chất lượng không khí theo định hướng quản lý tại Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí, giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1973/QĐ-TTg ngày 23/11/2021.
Cụ thể, chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh được phục hồi, cải thiện chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại các trạm quan trắc ở mức tốt, đạt trên 90%. 100% cơ sở sản xuất công nghiệp có kế hoạch kiểm soát và giải pháp xử lý khí thải; các cơ sở sản xuất mới phải hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc tự động đảm bảo theo quy định trước khi đi vào hoạt động chính thức; không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng.
Xóa bỏ 100% xe cơ giới hết niên hạn sử dụng, xe tự chế ba, bốn bánh; triển khai kiểm soát phát thải khí thải định kỳ đối với xe mô tô, xe gắn máy có động cơ xăng tham gia giao thông, gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương trong việc thực hiện.
Đẩy nhanh phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, ưu tiên đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, từng bước hạn chế phương tiện giao thông cá nhân; Tăng cường quản lý chất lượng phương tiện giao thông, kiểm soát khí thải từ các phương tiện cơ giới.
Đến năm 2025, giảm tỷ lệ chôn lấp rác thải sinh hoạt trực tiếp xuống dưới 10% đối với thành phố Bắc Giang và dưới 30% đối với các huyện còn lại) 100% trang trại chăn nuôi có giải pháp xử lý chất thải chuồng trại; xóa bỏ hoàn toàn việc khai thác khoáng sản nhỏ, lẻ không có giấy phép, 100% khu vực khai thác khoáng sản phải thực hiện cải tạo phục hồi môi trường sau khi kết thúc khai thác.
Phạm vi quản lý chất lượng môi trường không khí thực hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Trong đó có sự ưu tiên nguồn lực, tập trung vào một số nguồn thải chính. Các khu vực đông dân cư, đô thị thuộc thành phố Bắc Giang, huyện Việt Yên, huyện Yên Dũng, huyện Hiệp Hòa, Lạng Giang: Cần ưu tiên các giải pháp giảm thiểu nguồn ô nhiễm từ hoạt động giao thông cơ giới đường bộ. Các khu vực tập trung khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Tăng cường các giải pháp kiểm soát ô nhiễm tại các nhà máy, xí nghiệp có tải lượng xả thải lớn. Các khu vực tập trung khu chăn nuôi tại các huyện Hiệp Hòa, Tân Yên, Yên Dũng, Lục Ngạn, Sơn Động cần tăng cường thực hiện các giải pháp quản lý chất thải rắn trong chăn nuôi.
Để đạt được các mục tiêu trên, kế hoạch đề ra các nhiệm vụ và giải pháp kiểm soát, ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm không khí, đó là: Thực hiện đôn đốc, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thực hiện lắp đặt, vận hành hệ thống xử lý khí thải đảm bảo đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường, đặc biệt là các cơ sở có phát sinh nguồn bụi, khí thải lớn. Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, có phát sinh lưu lượng khí thải lớn; áp dụng cơ chế thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm; đẩy mạnh phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan thanh tra và lực lượng cảnh sát môi trường.
Kiểm soát phát thải khí thải định kỳ đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông; ngăn chặn, loại bỏ phương tiện hết niên hạn sử dụng tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh. Phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng, phương tiện giao thông công cộng sử dụng điện; tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, hình thành thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng của người dân.
Bên cạnh đó, tăng cường xây dựng, mở rộng diện tích công viên, cây xanh, đảm bảo tỷ lệ đất cây xanh đô thị theo quy định để giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong các đô thị và khu dân cư. Xóa bỏ hoàn toàn việc khai thác khoáng sản nhỏ, lẻ không giấy phép, không đảm bảo quy định; yêu cầu các khu vực khai thác khoáng sản phải thực hiện cải tạo phục hồi môi trường sau khi kết thúc khai thác. Tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các trang trại chăn nuôi có quy mô lớn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường; áp dụng cơ chế hỗ trợ xử lý khí sinh học cho ngành chăn nuôi phát thải thấp.
Xây dựng trang thông tin điện tử về chất lượng không khí tỉnh Bắc Giang và cập nhập thông tin, cơ sở dữ liệu quan trắc trên địa bàn tỉnh; công khai thông tin về chất lượng không khí và ô nhiễm không khí hàng ngày trong các chương trình phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Giang. Thực hiện các kế hoạch truyền thông nâng cao kiến thức về ô nhiễm không khí tại các trường học, đặc biệt là các trường tiểu học, trung học, dần hình thành ý thức, thói quen trong cộng đồng.
Tiếp tục xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng nhiên liệu sạch, áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất giảm thiểu phát thải. Tăng cường nguồn ngân sách cho các cơ quan quản lý Nhà nước để đầu tư trang thiết bị quan trắc tự động liên tục và quan trắc định kỳ, quản lý cơ sở dữ liệu về khí thải và chất lượng môi trường không khí, các công cụ tính toán chỉ số chất lượng môi trường không khí (AQI), mô hình dự báo chất lượng không khí. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn tài trợ của quốc tế (tài chính, kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ,...) thông qua hợp tác song phương và đa phương cho quản lý chất lượng môi trường không khí.
Thảo Phương
Theo