(Xây dựng) – Xác định phát triển kết cấu hạ tầng là một đột phá chiến lược để thúc đẩy phát triển kinh tế, thời gian tới, tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác chỉ đạo, dành nguồn lực, thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, làm nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội.
Kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang ngày càng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. |
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 (Nghị quyết số 13-NQ/TW), công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là các hạ tầng trọng yếu như công nghiệp, đô thị, giao thông tại tỉnh Bắc Giang đã có những chuyển biến rõ nét.
Các cấp ủy, chính quyền đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, đưa ra nhiều cơ chế chính sách định hướng, mục tiêu phát triển, tạo ra hành lang pháp lý quan trọng để quản lý, tập trung nguồn lực, thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, làm nền tảng để phát triển kinh tế - xã hội, đưa tỉnh Bắc Giang liên tục nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng đầu cả nước, là tiền đề quan trọng để phấn đấu đưa tỉnh Bắc Giang phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn tiếp theo. Trong đó, nhiều chương trình, dự án, công trình được hoàn thành, đưa vào khai thác, vận hành, phát huy hiệu quả, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, công nghiệp.
Tuy nhiên, theo đánh giá, công tác phân tích, dự báo, quy hoạch đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang còn có một số nội dung chưa sát thực tế. Chưa có nhiều cơ chế, chính sách mang tính đột phá để phát thật sự có hiệu quả các tiềm năng, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng…
Để khắc phục những tồn tại, đồng thời tiếp tục triển khai tốt Nghị quyết số 13-NQ/TW và Kết luận số 72-KL/TW ngày 23/02/2024 của Bộ Chính trị, mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang đã có công văn yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác chỉ đạo, triển khai phát triển kết cấu hạ tầng.
Cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị, địa phương tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TW, Chương trình hành động số 29-CTr/TU ngày 09/7/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW (Chương trình hành động số 29-CTr/TU) và các nội dung của Kết luận số 72-KL/TW.
Xác định phát triển kết cấu hạ tầng là một đột phá chiến lược để thúc đẩy phát triển kinh tế; đồng thời, đưa công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thành nhiệm vụ thường xuyên, liên tục trong chương trình, kế hoạch công tác hằng năm của địa phương để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm các cơ chế, chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng được triển khai, áp dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra.
Bên cạnh đó, thực hiện rà soát, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Chương trình hành động số 29-CTr/TU, đối chiếu với mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới để xác định các nhiệm vụ cần tiếp tục thực hiện để hoàn thành mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng đã được hoạch định. Bám sát Quy hoạch quốc gia, Quy hoạch vùng, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để phân kỳ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng bảo đảm liên thông, đồng bộ.
Nghiên cứu, kết hợp triển khai các giải pháp chủ yếu để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đảm bảo đồng bộ, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm và ưu tiên lĩnh vực có tính đột phá, căn bản. Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng; phát huy hiệu quả của hệ thống kết cấu hạ tầng đã xây dựng, tăng cường kết nối nội bộ, kết nối với các tỉnh lân cận và hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia; sử dụng nguồn tài nguyên hợp lý và hiệu quả.
Kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh, tăng sự kết nối, mở ra cơ hội phát triển trong lương lai. |
Đẩy mạnh việc nghiên cứu, đề xuất giải pháp phát triển hạ tầng năng lượng địa phương đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; nâng cấp và phát triển kết cấu hạ tầng thủy lợi theo hướng đa mục tiêu; phát triển hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, bền vững theo hướng "đô thị xanh, đô thị bền vững, đô thị thông minh"; phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, công nghệ số tiên tiến, hiện đại, đảm bảo an toàn và an ninh thông tin; phát triển đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia; nâng cao chất lượng phát triển kết cấu hạ tầng công nghiệp theo hướng sinh thái, bền vững.
Cùng với đó, xây dựng mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển; phát triển mạng lưới cơ sở y tế đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khoẻ toàn dân; phát triển các thiết chế văn hóa hiện đại, mạng lưới cơ sở văn hóa đảm bảo yêu cầu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc; xây dựng mạng lưới cơ sở thể dục, thể thao đồng bộ, hiện đại; phát triển hạ tầng du lịch đảm bảo mục tiêu phát triển của tỉnh; đầu tư hạ tầng nông thôn mới cơ bản đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng, miền…
Thân Nam
Theo