Thứ năm 02/05/2024 14:53 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bắc Giang: Phát triển “giao thông đối ngoại”

19:46 | 16/02/2022

(Xây dựng) - Để đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của một tỉnh công nghiệp, góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư, Bắc Giang đang có sự “thay da đổi thịt” mạnh mẽ trong hạ tầng giao thông, nhất là giao thông đối ngoại.

bac giang phat trien giao thong doi ngoai
Phát triển giao thông hiện đại góp phần kết nối Bắc Giang với các khu vực và quốc tế thuận lợi.

Ngược lên phía Bắc, con đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn không chỉ rút ngắn quãng đường và thời gian giữa hai tỉnh mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động văn hóa, giao thương. Đây cũng chính là một trong những “con đường nông sản” quan trọng của tỉnh và cả nước góp phần tăng tốc, giảm thời gian vận chuyển, từ đó nâng cao được giá trị sản phẩm, giảm thiểu hư hỏng cho nông sản. Hướng sang Đông, Tỉnh lộ 293 mà người dân quen gọi là “đường tâm linh” đã và đang trở thành một trục quan trọng trong việc kết nối với các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng.

Con đường này cũng được kỳ vọng như một con đường hành hương thu hút khách du lịch về với Bắc Giang, nơi thấm đẫm không gian văn hóa truyền thống với những địa danh như chùa Đức La, Khu du lịch tâm linh Tây Yên Tử, chùa Bổ Đà... Đường và cầu Yên Dũng nối giữa hai trung tâm công nghiệp lớn của hai tỉnh là Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng và Khu công nghiệp Quế Võ tạo thế tương hỗ cho nhau trong phát triển kinh tế. Sang phía Tây, các tuyến Quốc lộ 37, 17 đều được sửa sang, nâng cấp và mở rộng. Về phía Nam, nhiều con đường, cây cầu mới vượt sông, vượt đường cao tốc được mở ra mang dáng vóc và tầm cỡ thời đại. Điển hình như hệ thống cầu đường Vành đai IV với số vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đã kết nối Bắc Giang trong trục kinh tế Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn…

Theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải Bắc Giang, trong 5 năm qua, vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được tập trung và ưu tiên, đạt khoảng gần 18.000 tỷ đồng. Hình thức đầu tư đối tác công tư, nhất là hình thức BT đã cho kết quả bước đầu khả quan để phát triển hạ tầng giao thông. Đến nay, các huyện có quốc lộ chạy qua đã tăng khả năng kết nối đối nội, đối ngoại, kết nối giữa các khu vực kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, đô thị lớn trong khu vực, 100% các thôn có đường ô tô đi lại được quanh năm, giao thông tương đối thuận lợi, dễ dàng, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Để có kết quả ấy phải nói tới sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, mà cụ thể hóa bằng Nghị quyết 113-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh Bắc Giang nhiệm kỳ 2016-2021. Trong đó, BCH Đảng bộ tỉnh đã thẳng thắn thừa nhận nhiều nội dung trong lĩnh vực giao thông còn tồn tại: Công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển giao thông còn hạn chế, phần lớn đường nhỏ hẹp chất lượng thấp và quá tải. Hệ thống cầu đường bộ còn thiếu.

Giao thông kết nối khu vực nhất là với các tỉnh lân cận, trung tâm các huyện, thành phố, các khu, cụm công nghiệp, điểm du lịch trong tỉnh chưa đồng bộ. Về mặt chủ quan, đó là tư duy nhận thức của một số cấp ủy chính quyền về phát triển kết cấu hạ tầng chậm đổi mới, thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc…

Từ đó, Bắc Giang xác định kết cấu hạ tầng giao thông là bộ phận quan trọng, chủ yếu của kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phải được các cấp ủy, chính quyền xác định là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá có tầm nhìn dài hạn và ưu tiên thực hiện trước một bước để tạo tiền đề động lực cho sự phát triển của ngành, địa phương. Đây chính là kim chỉ nam cho sự phát triển mạnh mẽ trong xây dựng giao thông cho đến nay.

Cùng với sự đổi mới trong công tác lãnh đạo chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và sự đồng lòng của mọi tầng lớp nhân dân, Bắc Giang hiện đang nổi lên như một trung tâm công nghiệp mới của cả nước với việc thu hút nguồn vốn FDI luôn trong top đầu. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Bắc Giang cũng là một trong những “vựa” nông sản lớn nhất miền Bắc với những sản vật nổi tiếng như vải thiều, cam, bưởi Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế… Trong văn hóa, tỉnh đang đặt kỳ vọng lớn vào ngành “công nghiệp không khói” với những địa danh như Tây Yên Tử, chùa Bổ Đà, chùa Vĩnh Nghiêm… Vị thế ấy, yêu cầu ấy đang đặt ra những thách thức lớn cho ngành giao thông của tỉnh vốn được coi là “mạch máu” của nền kinh tế.

Chính vì thế, BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIX đã quyết định tiếp tục thực hiện Nghị quyết 113. Và ngay trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ, hàng loạt các công trình cầu và đường mới đã được đưa vào nghị quyết thực hiện sớm. Đầu tiên là việc tháo “nút thắt” trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang ở cầu Như Nguyệt. Bắc Giang đã quyết định dành 456 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh để xây dựng thêm một cầu, nâng lưu lượng lên 6 làn xe, "mở toang" cánh cửa để đón tiếp những làn sóng từ phía Nam.

Cùng đó là hàng loạt các cây cầu được xây dựng mới sẽ góp phần khai thác tiềm năng và kết nối với tỉnh bạn. Đó là 3 cầu: Hà Bắc 1, Hà Bắc 2 với tổng vốn đầu tư khoảng 700 tỷ đồng, Vân Hà với tổng vốn đầu tư 150 tỷ đồng kết nối với tỉnh Bắc Ninh. Kết nối với trục kinh tế phía Đông và tỉnh Hải Dương, Bắc Giang sẽ xây dựng đường và cầu Đồng Việt cũng với nguồn ngân sách tỉnh và địa phương với số vốn hơn 1.700 tỷ đồng đồng thời đưa vào kế hoạch đề nghị Bộ Giao thông Vận tải cải tạo nâng cấp Quốc lộ 37 đoạn Kép – Ngã tư Thân – cầu Cẩm Lý và xây dựng cầu đường bộ Cẩm Lý tách khỏi đường sắt. Xây dựng mới đường Vành đai V vùng Thủ đô theo phân kỳ đầu tư đoạn Quốc lộ 37 – Cẩm Lý đến ĐT 293 kết nối với tỉnh Hải Dương.

bac giang phat trien giao thong doi ngoai
Những con đường mới đang tạo ra sức hút trong thu hút đầu tư tại Bắc Giang.

Khai thác khu vực Thái Nguyên là dự án xây dựng tuyến đường và cầu từ Hiệp Hòa đi Phổ Yên (đoạn từ Quốc lộ 37 đến cầu Hòa Sơn) với vốn đầu tư 558 tỷ đồng; dự án xây dựng mới đường trục Bắc Nam huyện Hiệp Hòa với vốn ngân sách địa phương khoảng 350 tỷ đồng; dự án xây dựng mới tuyến đường từ Quốc lộ 37 cắt qua Quốc lộ 17 sang Võ Nhai với hơn 1.450 tỷ đồng. Ngược lên phía Bắc kết nối với tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang cũng sẽ dành 910 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương để cải tạo nâng cấp Quốc lộ 31, dành 650 tỷ đồng để cải tạo và mở rộng đường gom hai bên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn và dành khoảng 938 tỷ đồng xây dựng mới cầu và đường dẫn nối cảng Mỹ An (Lục Ngạn) với Quốc lộ 31 và Quốc lộ 1 để thông suốt tuyến đường với Lạng Sơn.

Việc kết nối với Quảng Ninh cũng được Bắc Giang đặc biệt quan tâm với việc thực hiện dự án kéo dài tuyến ĐT291 có tổng nguồn vốn 810 tỷ đồng với mục tiêu thu hút khách du lịch hành hương ở hai đầu Đông - Tây Yên Tử và khai thác con đường kinh tế qua các cảng biển quan trọng của Quảng Ninh và Hải Phòng… “Đây sẽ là một giai đoạn mà mỗi dự án, mỗi công trình giao thông đều mang tính khai phá, kết nối và quy mô”, ông Bùi Thế Sơn - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bắc Giang khẳng định về một quyết tâm cho nền giao thông hiện đại của tỉnh trong thời gian tới.

Chương Huyền 

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load