(Xây dựng) – Mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành quy định về một số nội dung liên quan tới công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn xây dựng (CTRXD) trên địa bàn tỉnh.
Những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện quy định sẽ được Sở Xây dựng tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh Bắc Giang. |
Theo đó, quy định được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài trong hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý CTRXD trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.
Đối với việc phân loại, CCTRXD phát sinh trong quá trình thi công xây dựng, cải tạo, sửa chữa, phá dỡ công trình xây dựng sẽ được phân làm 3 loại gồm: CTRXD có khả năng tái chế, tái sử dụng: Vật liệu nhựa; vật liệu có cấu tạo từ kim loại sắt, thép, đồng, nhôm; gỗ, giấy; vật liệu hỗn hợp nhựa đường, có thể tái chế thành vật liệu bê tông nhựa (dạng cốt liệu). CTRXD có thể tái sử dụng ngay trên công trường hoặc tái sử dụng ở các công trường xây dựng khác ngay sau khi xử lý: Gạch, ngói, vữa, bê tông. CTRXD không có khả năng tái sử dụng được phải đem đi hủy hoặc chôn lấp: Sứ vệ sinh, gạch ốp lát ceramic/granit, thủy tinh.
Về thu gom, việc thu gom phải đảm bảo môi trường; không sử dụng lòng hè phố, lòng đường, nơi công cộng làm nơi lưu giữ CTRXD; đơn vị được ký hợp đồng thu gom phải có năng lực hành nghề theo quy định.
Việc vận chuyển CTRXD phải theo thời gian và lộ trình về tuyến đường, an toàn giao thông và tuân thủ các quy định của cơ quan có thẩm quyền về phân luồng giao thông tại địa phương. Các phương tiện vận chuyển CTRXD phải là phương tiện bảo đảm các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn, đã được kiểm định và được các cơ quan chức năng cấp phép lưu hành theo quy định. CTRXD phải được chứa, đựng trong phương tiện vận chuyển, bảo đảm không rơi vãi, rò rỉ, phát tán bụi, mùi ra môi trường trong quá trình vận chuyển.
Đối với các cơ sở xử lý CTRXD phải được đầu tư xây dựng theo quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt và xử lý theo từng loại. Cụ thể, các loại CTRXD có khả năng tái chế, tái sử dụng sau khi xử lý (vật liệu nhựa; vật liệu có cấu tạo từ kim loại sắt, thép, đồng, nhôm; gỗ, giấy) thì chủ đầu tư tự thanh lý cho bên thu gom tái chế. Vật liệu hỗn hợp nhựa đường chỉ được tái sử dụng sau khi được xử lý bằng phương pháp nung tách (tạo dạng cốt liệu).
Các loại CTRXD: Gạch, ngói, vữa, bê tông chỉ được tái sử dụng sau khi được xử lý bằng phương pháp nghiền. Vật liệu sau khi qua xử lý (nghiền, sàng) có thể tái sử dụng làm vật liệu san lấp hoặc sản xuất vật liệu xây dựng.
Các loại CTRXD: Sứ vệ sinh, gạch ốp lát ceramic/granit, thủy tinh phải được xử lý theo quy trình cho từng loại CTRXD, khuyến khích việc xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường và tránh được các tác động nguy hại khác trong tương lai.
Về trách nhiệm quản lý, giám sát, Sở Xây dựng sẽ có vai trò chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh quản lý trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRXD trên địa bàn.
Cùng với đó, thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý CTRXD trên địa bàn theo quy định pháp luật hiện hành…
Thân Nam
Theo