Thứ tư 15/01/2025 11:37 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội / Hạ tầng

Bắc Giang: Đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, tạo động lực bứt phá

16:04 | 13/06/2022

(Xây dựng) – Trong những năm qua, Bắc Giang là tỉnh phát triển bùng nổ với tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, nằm trong Top đầu cả nước. Có được thành quả đó, ngoài công tác mở cửa, thu hút đầu tư, Bắc Giang luôn chú trọng tới công tác phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt là các công trình giao thông trọng điểm nhằm khơi thông huyết mạch, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

bac giang day manh phat trien ha tang giao thong tao dong luc but pha
Cầu Như Nguyệt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, kết nối, giao thương hàng hóa.

Khơi huyết mạch, hút đầu tư

Bắc Giang là tỉnh có vị trí địa lý hết sức thuận lợi, nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội, trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội và sân bay quốc tế Nội Bài khoảng 50km, cách cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) 110km và cách Cảng Hải Phòng 140km… Đây là địa phương có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông thuận lợi phát triển cả công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội; kết nối 2 vùng kinh tế (đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc); có mạng lưới giao thông bao gồm đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa phân bố tương đối hợp lý, kết nối nội và liên tỉnh gần càng biển.

Đứng trước cơ hội lớn, những năm qua, tỉnh Bắc Giang xác định việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông là chìa khóa để khai thác tối đa tiềm năng phát triển kinh tế. Trong kế hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021–2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh Bắc Giang xác định: “Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung ưu tiên, tạo đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của mỗi địa phương và của tỉnh... Ưu tiên các tuyến đường kết nối đối ngoại, phục vụ công nghiệp, du lịch”.

Năm 2016, tuyến Cao tốc Hà Nội – Bắc Giang hoàn thành trong niềm hân hoan, phấn khởi của Đảng bộ, nhân dân và chính quyền tỉnh Bắc Giang. Thế nhưng, nhiều năm qua, trên tuyến cao tốc huyết mạch này lại tồn tại hai “nút thắt cổ chai” là cầu Như Nguyệt và cầu Xương Giang, gây ra tình trạng ùn tắc, dẫn đến việc không khai thác hết công năng mà tuyến cao tốc mang lại. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Bắc Giang đã chủ động đề xuất với Chính phủ nguyện vọng được đầu tư mở rộng cầu Như Nguyệt bằng nguồn ngân sách địa phương.

Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, tỉnh Bắc Giang đã lập tức bắt tay triển khai các thủ tục cần thiết để thực hiện dự án. Theo đó, Dự án đầu tư xây mới cầu Như Nguyệt qua sông Cầu có tổng mức đầu tư khoảng 456,3 tỷ (nguồn ngân sách tỉnh). Diện tích đất sử dụng khoảng 0,96ha, trong đó tỉnh Bắc Giang khoảng 0,78ha; tỉnh Bắc Ninh khoảng 0,18ha. Dự án được khởi công trong 2 năm từ 2022-2024, do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang làm chủ đầu tư.

Là đơn vị đã được giao thực hiện nhiều công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang hiểu rõ tầm quan trọng của việc mở rộng cầu Như Nguyệt. Do đó, ngay từ khi được giao làm chủ đầu tư, lãnh đạo Ban đã xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đòi hỏi công tác chỉ đạo sát sao, quyết liệt nhằm đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng công trình.

Trao đổi với PV Báo điện tử Xây dựng, ông Ngô Thành Duy – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang cho biết, việc mở rộng cầu Như Nguyệt là chủ trương hết sức cấp thiết, việc này sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, nâng cao năng lực khai thác tuyến đường cao tốc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thông thoáng cửa ngõ vào tỉnh Bắc Giang, thu hút đầu tư, phục vụ nhu cầu rất lớn của các khu, cụm công nghiệp.

“Xác định đây là công trình có ý nghĩa quan trọng, Ban luôn xác định công tác quản lý chất lượng, an toàn, tiến độ phải được đặt lên hàng đầu. Chính bởi vậy, ngay sau khi dự án khởi công, Ban đã tích cực chỉ đạo, giám sát, yêu cầu các nhà thầu tập trung mọi nguồn lực vừa tích cực đẩy nhanh tiến độ, vừa đảm bảo tối đa yêu cầu chất lượng công trình. Cùng với sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, dù mới triển khai thi công được hơn 1 tháng nhưng tiến độ và khối lượng công việc đã đạt và vượt mức yêu cầu đặt ra. Đây là một niềm vui rất lớn đối với Ban nói riêng và tỉnh Bắc Giang nói chung”, ông Ngô Thành Duy – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang cho hay.

Cũng theo ông Ngô Thành Duy đối với dự án này, tỉnh Bắc Giang đã thành lập Ban chỉ đạo, thường xuyên nghe báo cáo tiến độ, chỉ đạo xuyên suốt, song hành cùng nhà thầu tháo gỡ khó khăn. Nhờ đó, dự án đã được khởi công xây dựng trước thời điểm cam kết.

bac giang day manh phat trien ha tang giao thong tao dong luc but pha
Giữa tiết trời oi ả, các công nhân vẫn miệt mài thi công.

Trên công trường “không ngủ”

Có mặt tại công trường xây dựng cầu Như Nguyệt, không khó để PV nhận ra không khí làm việc hối hả của các cán bộ, công nhân tại đây dù thời tiết miền bắc đã chuyển hè với cái nóng oi ả đặc trưng. Từ con người tới máy móc dường như đang làm việc hết công suất với mục tiêu chung là sớm đưa dự án về đích đúng hạn.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Bá Tráng – Giám đốc Ban điều hành Liên danh Tổng Công ty Cơ khí xây dựng Thăng Long - Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư xây dựng HJC (đơn vị đã trúng thầu dự án) chia sẻ: “Với sự chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt từ Ban Chỉ đạo và Ban Giao thông, chúng tôi đã triển khai thi công công trình không quản ngày đêm. Tính từ thời điểm khởi công, dù mới chỉ hơn 1 tháng nhưng sản lượng công việc đã đạt khối lượng lớn, ước tính khoảng 30 tỷ đồng”.

Được biết, để đạt được tiến độ nêu trên, phía nhà thầu đã triển khai đồng bộ cả 2 bờ phía Bắc Giang và Bắc Ninh 8 mũi thi công gồm: 2 mũi thi công cọc khoan nhồi, 2 mũi thi công bệ thân trụ, 2 mũi thi công đường đầu cầu và 2 mũi thi công đúc dầm. Tuy nhiên, hiện tại do vướng mặt bằng phía tỉnh Bắc Ninh nên mới chỉ triển khai đồng bộ 6 mũi, còn 2 mũi vẫn đang phải chờ và dự kiến sẽ triển khai trong tháng 6.

Tính tổng số cán bộ, công nhân, lái máy trên cả 2 bờ hiện đang có khoảng 160 người thi công liên tục 3 ca, 4 kíp gần như 24/24, riêng mũi cọc khoan nhồi thi công 24/24, do đó công trường lúc nào cũng sáng đèn.

Nói về thuận lợi, ông Tráng cho hay, kể từ khi bắt đầu triển khai, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang đã hết sức quyết liệt và sâu sát, thường xuyên có mặt tại công trình để chỉ đạo, lắng nghe và trực tiếp tháo gỡ khó khăn cùng với nhà thầu. Cùng với đó là sự đồng hành, ủng hộ, tạo điều kiện tối đa của chính quyền và người dân địa phương 2 tỉnh. Tuy vậy, việc triển khai dự án cũng gặp không ít khó khăn do thời gian vừa qua lũ tiểu mãn khiến nước sông Cầu lên xuống bất thường làm giảm tiến độ thi công các hạng mục dưới nước. Nhưng với quyết tâm cao, nhà thầu đã khắc phục khó khăn, biến khó khăn thành động lực để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ dự án.

“Với quyết tâm cao của nhà thầu, sự chỉ đạo sát sao của chủ đầu tư, chúng tôi tin tưởng, dự án sẽ vượt tiến độ, về đích trước thời hạn”, ông Tráng nói.

Ghi nhận sự nỗ lực của Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang và các nhà thầu thi công dự án cầu Như Nguyệt mới đây, ông Lê Ô Pích - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh, dự án cầu Như Nguyệt là một trong những dự án giao thông trọng điểm, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Để sớm đưa các dự án vào khai thác, sử dụng, góp phần thu hút đầu tư, thông thương hàng hóa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị các bên nhanh chóng phối hợp tháo gỡ vướng mắc, tập trung cao độ để đảm bảo quyết tâm thông cầu trước Tết Âm lịch.

Bên cạnh dự án xây dựng cầu Như Nguyệt, tỉnh Bắc Giang cũng đang triển khai thực hiện dự án Xây dựng cầu Đồng Việt và đường dẫn lên cầu. Đây là dự án kết nối huyện Yên Dũng (Bắc Giang) với thành phố Chí Linh (Hải Dương). Khi đưa vào sử dụng, dự án sẽ tạo động lực cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; khắc phục tình trạng đi lại khó khăn của Nhân dân trong vùng; thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phát triển du lịch; tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp của huyện Yên Dũng, huyện Việt Yên; đồng thời góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông theo định hướng tỉnh Bắc Giang đã đề ra.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 1,5 nghìn tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án từ năm 2022-2025 do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang làm chủ đầu tư.

Với định hướng phát triển cụ thể, cùng sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành, có thể tin tưởng rằng, bộ mặt giao thông của tỉnh Bắc Giang thời gian tới tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Đây cũng sẽ tiếp tục là điểm đến ưa thích của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, là điểm sáng của kinh tế vùng nói riêng và kinh tế cả nước nói chung.

Kim Thoa – Thân Nam

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load