(Xây dựng) - Ngay sau khi xảy ra vụ cháy tại một khu vực lán trại tại Khu công nghiệp (KCN) Quang Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã có văn bản hỏa tốc về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) đặc biệt là địa bàn các khu, cụm công nghiệp, các công trình đang thi công xây dựng.
Vụ cháy tại một lán trại xây dựng tại Khu công nghiệp Quang Châu khiến 1 người tử vong. |
Trong văn bản gửi các Sở, ban ngành, các địa phương và doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu các Sở, cơ quan thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các văn bản chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác PCCC và các kế hoạch, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện công tác PCCC và CNCH; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC bằng các hình thức phù hợp để cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể Nhân dân biết, tự giác chấp hành.
Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, chính quyền địa phương để xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý của mình đối với công tác PCCC và CNCH.
Công an tỉnh tập trung rà soát các cơ sở thuê trọ tập trung đông người, các lán trại tạm phục vụ thi công công trình trong và ngoài KCN đưa vào diện quản lý về PCCC, không để sót, để lọt loại hình cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao.
Đẩy mạnh công tác kiểm tra các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao trong khu dân cư, cơ sở tập trung đông người, KCN, cụm công nghiệp (CCN), các nhà lán trại tạm thi công các công trình trong và ngoài các KCN, cơ sở có nguy cơ khi xảy ra cháy sẽ có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Kiểm tra các điều kiện an toàn PCCC và CNCH trong quá trình thi công xây dựng công trình. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về PCCC và CNCH.
Chỉ đạo công an các huyện, thành phố chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan tập trung kiểm tra, rà soát quản lý chặt chẽ việc lưu trú, an ninh trật tự an toàn xã hội trong khu dân cư, cơ sở tập trung đông người, KCN, CCN, các nhà lán trại tạm thi công xây dựng các công trình trong và ngoài các KCN. Khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy, xem xét truy cứu trách nhiệm của các cá nhân, tập thể để xảy ra cháy do nguyên nhân chủ quan. Tổ chức rút kinh nghiệm toàn diện các vụ cháy xảy ra theo quy định.
Sở Xây dựng trong phạm vi quyền hạn của đơn vị chỉ đạo các nhà thầu xây dựng phải bố trí nơi ở của công nhân xây dựng đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC, tại các khu vực này phải có phương án chữa cháy và CNCH, được trang bị các phương tiện chữa cháy ban đầu phù hợp với quy mô của các khu nhà tạm. Kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các nhà thầu thi công xây dựng, khi không thực hiện đầy đủ các yêu cầu về đảm bảo an toàn PCCC và CNCH đối với công trình đang xây dựng và khu vực nhà ở của công nhân xây dựng. Phối hợp với Công an tỉnh tiến hành rà soát, tổng kiểm tra an toàn PCCC và CNCH đối với các công trình xây dựng thuộc diện cấp phép xây dựng và khu vực nhà ở tạm của công nhân xây dựng công trình.
Ban Quản lý các KCN đôn đốc các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh hạ tầng, các doanh nghiệp đầu tư vào KCN thực hiện nghiêm túc các quy định về PCCC và CNCH từ khâu triển khai thi công xây dựng và cả trong quá trình hoạt động. Phối hợp với Công an tỉnh tiến hành rà soát, tổng kiểm tra an toàn PCCC và CNCH đối với các công trình xây dựng và khu vực nhà ở tạm của công nhân xây dựng công trình trong các KCN trên địa bàn tỉnh.
Thường xuyên kiểm tra, rà soát yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu thi công đảm bảo các điều kiện về thi công xây dựng, lưu trú, an toàn phòng chống cháy nổ, tệ nạn xã hội, các quy định có liên quan, xử lý triệt để các vi phạm, báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định. Tập trung xử lý triệt để tình trạng các đối tượng lưu trú không đúng quy định tại các lán trại, cơ sở trong KCN.
UBND các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về PCCC trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra, rà soát việc thực hiện công tác PCCC và CNCH đối với địa bàn trọng điểm, cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao, nơi tập trung đông người như: Nhà chung cư, khách sạn, nhà hàng, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, các cơ sở cho thuê trọ có mật độ người ở cao, các KCN, nhà cao tầng, cơ sở kinh doanh karaoke. Chỉ đạo rà soát, tổng kiểm tra an toàn PCCC và CNCH đối với các công trình xây dựng và khu vực nhà ở tạm của công nhân xây dựng công trình trong phạm vị quản lý của mình.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất trong và ngoài KCN thực hiện đầy đủ các điều kiện an toàn PCCC đối với cơ sở được quy định tại Điều 5 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ; làm tốt công tác phòng ngừa sự cố, tai nạn và công tác chuẩn bị CNCH được quy định tại Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC. Các doanh nghiệp chỉ được phép đi vào hoạt động sản xuất khi nhà máy, xưởng sản xuất được nghiệm thu về PCCC và cơ sở chuẩn bị đầy đủ các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH.
Chương Huyền
Theo