(Xây dựng) – Nghị Quyết 24 của Bộ Chính trị khẳng định tầm quan trọng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khi sở hữu hệ thống cảng biển bậc nhất trong cả nước, dựa vào đó sẽ phát triển mạnh các ngành kinh tế biển như: Cảng biển, logistics, khai thác dầu khí, hoá dầu, du lịch biển - đảo... Đặc biệt, hình thành Khu Thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ.
Mục tiêu hình thành cảng trung chuyển quốc tế quan trọng của quốc gia và khu vực. |
Hạ tầng sẵn có
Tại Diễn đàn Liên kết phát triển logistics – Động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ mới được VCCI tổ chức vào đầu tháng 9/2023, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cho rằng, để đạt mục tiêu có cảng trung chuyển quốc tế, cần có các Khu thương mại tự do để trợ lực, tạo sức thu hút cho hàng hóa đến cảng, trong đó, liên kết nội vùng, liên vùng có vai trò đặc biệt quan trọng.
Với vị trí chiến lược nằm trên trục đường xuyên Á, có hệ thống cảng nước sâu xếp loại đặc biệt của quốc gia và hệ thống giao thông đa phương thức đồng bộ, Bà Rịa - Vũng Tàu có vai trò và tầm quan trọng rất lớn trong vùng Đông Nam Bộ.
Chính vì vậy, giải pháp quan trọng có tính đột phá để tận dụng các lợi thế và cơ hội là hình thành cảng trung chuyển quốc tế trên nền móng là hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải và Khu Thương mại tự do Cái Mép Hạ, gắn với hành lang công nghiệp - đô thị Đông Tây. Đây là một trong những chủ trương mới và quan trọng của Nghị quyết 24 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo ông Trần Thượng Chí – Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Bà Rịa – Vũng Tàu có những thế mạnh về cảng biển mà không một địa phương nào có được, do vậy, việc quy hoạch hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải thành cảng trung chuyển quốc tế rất phù hợp trong tương lai, vì khu vực này có lợi thế về vị trí địa lý cũng như luồng tàu khá sâu, có thể khai thác được các tàu siêu trường siêu trọng.
Với tầm nhìn dài hạn, từ năm 2017, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành Nghị quyết số 08 về phát triển cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2020, định hướng đến 2025. Trong đó, đưa ra mục tiêu “Phát triển Bà Rịa – Vũng Tàu thành tỉnh mạnh công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng và du lịch”.
Mục tiêu cốt lõi là thu hút đầu tư, tập trung mọi nguồn lực để phát triển hệ thống cảng biển Cái Mép –Thị Vải trở thành cảng cửa ngõ, cảng trung chuyển quốc tế quan trọng của quốc gia và khu vực.
Nghị quyết 24 cũng nêu bật Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ là nơi thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là các doanh nghiệp có công nghệ cao, giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường.
Bà Rịa – Vũng Tàu được xem là một trong ba cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, là cửa ngõ ra biển của các tỉnh phía Nam, có điều kiện thuận lợi về hệ thống hạ tầng cảng biển. |
Nhanh chóng triển khai
Để thực hiện nhanh và tốt việc này, tháng 3/2023, Tỉnh ủy đã có Quyết định số 906 về việc thành lập 06 Tổ xây dựng các Đề án nhằm thực hiện tốt Nghị quyết số 24. Cũng trong tháng 3/2023, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động về việc thực hiện Nghị quyết 24. Trong đó nhận định, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 53, ngày 29/8/2005 của Bộ Chính trị và các quyết định của Trung ương về phát triển vùng Đông Nam Bộ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đạt nhiều thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đến năm 2020, quy mô kinh tế tăng gấp 3 lần so với năm 2005; GRDP của tỉnh đứng thứ 4, tổng thu ngân sách đứng thứ 2 khu vực (nếu trừ dầu khí đứng thứ 4); các chỉ tiêu GRDP bình quân/người, thu nhập GNI (tính theo chỉ số thu nhập quốc dân) bình quân/người của tỉnh đều đứng đầu vùng và cả nước.
“Lợi thế của tỉnh khá lớn trong vấn đề chuyển Cái Mép – Thị Vải thành cảng trung chuyển quốc tế. Hiện nay sở đang trong quá trình hoàn chỉnh đề cương nhiệm vụ và chuyển lấy ý kiến các sở ngành, qua đó sẽ dựa vào đó để thực hiện đề án cảng trung chuyển quốc tế”, ông Chí cho biết.
Để phát triển trung tâm logistics và cảng trung chuyển quốc tế nhờ vị trí địa lý nằm trên tuyến hàng hải quốc tế từ Châu Âu, Trung Đông qua khu vực Bắc Á và châu Mỹ. Sông Thị Vải có đặc điểm sâu, khá rộng, ít bị bồi lắng cho phép các tàu có tải trọng lớn ra vào thuận lợi; đồng thời, là cửa ngõ hướng biển phía Đông Nam trên tuyến đường xuyên Á thuộc hành lang kinh tế Đông Nam tiểu vùng sông Mê Kông (Bà Rịa-Vũng Tàu – Thành phố Hồ Chí Minh – Phnom Penh – Bangkok – Dawey). Bà Rịa – Vũng Tàu nằm trong vùng Đông Nam Bộ, nơi đóng góp 32% GDP, 44,7% tổng thu ngân sách nhà nước, vùng sản xuất ra lượng hàng hóa lớn nhất cả nước, chiếm 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, Bà Rịa – Vũng Tàu có hệ thống cảng nước sâu đảm bảo cho tải trọng tàu trên 250 ngàn tấn ra vào. Để phát triển dịch vụ logistics, tỉnh đã hoạch định chiến lược này từ sớm nên đã dành 1.700 ha đất cho khu vực logistics, trong đó sẽ bố trí làm khu vực Thương mại tự do.
Từ những điều kiện thuận lợi đó, Bà Rịa – Vũng Tàu được xem là một trong ba cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, là cửa ngõ ra biển của các tỉnh phía Nam, có điều kiện thuận lợi về hệ thống hạ tầng cảng biển, gần sân bay quốc tế Long Thành đang được xây dựng, mạng lưới giao thông đường bộ tương đối hoàn thiện, các dự án kết nối như cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải và tương lai là đường sắt kết nối kinh tế vùng và vươn ra khu vực quốc tế.
Với những nỗ lực và quyết tâm của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tương lai gần, hệ thống cảng trung chuyển Cái Mép – Thị Vải và Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ hứa hẹn sẽ trở thành một Trung tâm cảng trung chuyển lớn cũng như trung tâm sản xuất và dịch vụ logistics hiện đại của phía Nam, khu vực và quốc tế.
Điều đó sẽ là động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam Bộ nói chung và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng. Đây cũng là một cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế và vai trò của mình trong khu vực và trên thế giới, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.
Mạnh Cường
Theo