Thứ bảy 11/01/2025 19:44 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Bà Rịa - Vũng Tàu: Phát huy lợi thế cảng biển

11:08 | 30/08/2024

(Xây dựng) - Từ những tiềm năng to lớn kết hợp với việc xây dựng quy hoạch bài bản, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng và phát huy hiệu quả lợi thế phát triển cảng biển vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Phát huy lợi thế cảng biển
Cảng Cái Mép thuộc cụm cảng Cái Mép - Thị Vải được xếp hạng cảng container thứ 11 trong số 370 cảng container tốt nhất toàn cầu.

Công nghiệp đi liền với cảng biển

Thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trên trục giao thông đường biển quốc tế nối liền các nước trong khu vực Đông Nam Á và một số nước khác trên thế giới, đặc biệt là khu vực châu Mỹ. Trên địa bàn có sông Thị Vải chảy qua với vùng nước mặt khá rộng, khoảng cách giữa các bờ sông có nơi hơn 1.000 m, chiều sâu trung bình mực nước thấp nhất của mỗi đoạn sông từ 14 - 20 m, nhiều khúc sông sâu từ 20 - 40 m, hình thành nên cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.

Việc hình thành cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đã giúp thị xã Phú Mỹ nâng tầm vị thế từ địa phương “thuần” công nghiệp trở thành “thủ phủ” công nghiệp - cảng biển. Hiện nay, lĩnh vực công nghiệp của thị xã Phú Mỹ chiếm tỷ trọng 80,43%, đây được xem là nền móng vững chắc cho công nghiệp - cảng biển và dịch vụ logistics phát triển mạnh mẽ. 9/15 KCN toàn tỉnh phân bổ tại thị xã Phú Mỹ, chủ yếu tập trung dọc QL51 và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.

Cảng Cái Mép thuộc cụm cảng Cái Mép - Thị Vải được xếp hạng cảng container thứ 11 trong số 370 cảng container tốt nhất toàn cầu. Hệ thống cảng và dịch vụ hỗ trợ cảng và các KCN trên địa bàn tiếp tục phát triển. Thị xã hiện nay có 21/35 cảng biển và cảng thủy nội địa với tổng vốn đăng ký hơn 100.562 tỷ đồng và 20/30 dự án kho bãi, logistics chuyên dùng hỗ trợ cho hệ thống cảng và các KCN đã đi vào hoạt động. Đặc biệt, trong năm 2023, trên địa bàn thị xã đã khánh thành đi vào hoạt động nhiều dự án lớn có tầm vóc quốc gia như: Cảng cạn Phú Mỹ có quy mô 37,8 ha, bao gồm 6 bến cảng có tổng chiều dài lên đến 600 m giai đoạn 1 của KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 cùng hệ thống kho bãi, depot container rỗng… với tổng mức đầu tư 2.990 tỷ đồng. Đây là cảng cạn đầu tiên của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và là cảng cạn thứ 3 của vùng Đông Nam Bộ với đầy đủ hạ tầng… cung cấp các giải pháp logistics toàn diện, trọn gói, đa phương thức. Dự án kho cảng khí thiên nhiên hóa lỏng LNG Thị Vải 1 triệu tấn/năm - kho LNG đầu tiên và lớn nhất của nước ta. Không chỉ có ý nghĩa đối với tỉnh, đưa địa phương trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước.

Chủ tịch UBND thị xã Phú Mỹ Nguyễn Văn Thắm khẳng định, những chủ trương, chiến lược của Chính phủ về xây dựng Trung tâm công nghiệp khí - điện - đạm tại Phú Mỹ, xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu tại Thị Vải - Cái Mép… đã tạo ra những tác động mang tính đột phá mạnh mẽ, đánh thức những tiềm năng kinh tế của địa phương, nhất là công nghiệp - cảng biển.

Trong khi đó, Phó Giám đốc GMS Việt Nam bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh cho biết, hiện nay, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương không chỉ có giá thuê cạnh tranh và cơ sở hạ tầng phù hợp với ngành công nghiệp từ trung bình đến nặng mà còn có khả năng tiếp cận với một cụm cảng biển đang phát triển. Đây là một lợi thế quá lớn mà ít nơi nào có được.

Có thể thấy, việc quy hoạch công nghiệp gắn liền với cảng biển đã phát huy tối đa lợi thế tiềm năng mà các địa phương của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang có, qua đó góp phần mang đến diện mạo mới, một hướng đi vững chắc trong phát triển kinh tế địa phương.

Thúc đẩy hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối

Cuối tháng 5/2023, tại “Tọa đàm thúc đẩy dòng chảy hàng hóa thông qua khu vực Cái Mép”, nhiều chuyên gia, lãnh đạo các doanh nghiệp khai thác cảng biển, logistics khẳng định để tăng năng lực khai thác cảng và logistics thì việc xây dựng hệ thống giao thông kết nối là tối quan trọng.

Hiện nay, về hạ tầng giao thông kết nối hệ thống liên cảng biển Vũng Tàu - Cái Mép - Thị Vải được triển khai với 3 phương thức chính là đường biển, đường bộ và đường thủy. Trong tương lai, theo quy hoạch thì hệ thống cảng biển sẽ được kết nối với 5 phương thức vận tải, ngoài đường biển, đường bộ, đường thủy thì sẽ có đường hàng không với sân bay Long Thành đang trong quá trình xây dựng cùng đường sắt với tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu đã được đề xuất triển khai.

Về cơ bản, hiện nay, QL51 vẫn đang là tuyến chính, tuy nhiên, tuyến đường bộ này ngày càng xuống cấp, trong khi đó mật độ phương tiện lưu thông trên tuyến là rất lớn cộng với việc giới hạn tốc độ nên việc ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra, dẫn đến hệ lụy không đảm bảo năng lực vận tải hàng hóa, cản trở nguồn hàng đến cảng. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, với việc mất nhiều thời gian khi đưa hàng ra, vào cảng thông qua tuyến đường bộ là một trong những hạn chế khiến cảng biển tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chưa phát triển mạnh như kỳ vọng, đặc biệt là chưa phát huy hết tiềm năng của cụm cảng nước sâu.

Xác định được vấn đề giao thông mang tính quyết định, thời gian qua, các tuyến đường giao thông quan trọng kết nối hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải thông qua QL51 đã được triển khai. Cụ thể, các tuyến đường 991B, đường sau cảng Mỹ Xuân, đường Long Sơn - Cái Mép, đường ĐT992 đoạn từ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đến QL51, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đang xây dựng được xác định là những tuyến chính được kết nối với nhau nhằm nâng cao hiệu quả khai thác cảng Cái Mép - Thị Vải.

Về giao thông liên vùng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với các địa phương triển khai dự án đường Vành đai 4 - TP.HCM; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu sớm triển khai tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, đặc biệt ưu tiên đầu tư đoạn đến cảng Cái Mép để phát triển vận tải đa phương thức.

Trước đó, Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng nhắc đến việc đầu tư hoàn thiện hệ thống đường ven biển qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM…

Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ nhấn mạnh, để tạo bước phát triển ngày càng vững chắc hơn, tỉnh chủ trương “kiến tạo” lại hệ thống cảng biển để trở thành cảng trung chuyển lớn, xứng tầm khu vực châu Á, hình thành trung tâm logistics, trở thành vành đai công nghiệp; trong đó, việc đẩy nhanh các dự án trọng điểm giao thông kết nối vùng trong giai đoạn hiện nay được xem là yếu tố cấp thiết. Hệ thống hạ tầng giao thông kết nối hoàn thiện chính là nền tảng quan trọng để thúc đẩy, nâng tầm phát triển các cảng biển. Để làm hiệu quả được việc này, tỉnh cũng đã chủ động phối hợp với các Bộ ngành, địa phương trong vùng đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng kỹ thuật giao thông, tập trung vào dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng.

Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải hiện có 35 bến cảng, đã đưa vào khai thác 22 bến cảng với tổng công suất 117,8 triệu tấn/năm, trong đó bao gồm 7 cảng container với công suất 6,8 triệu TEUs/năm. Khu vực cụm cảng Cái Mép - Thị Vải hiện chiếm hơn 16% tổng lượng hàng hóa xếp dỡ qua cảng biển và 35% lượng hàng container cả nước, chiếm 50% lượng hàng container của khu vực phía Nam.

Mạnh Thìn

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load