Thứ sáu 19/04/2024 06:53 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Bà Rịa – Vũng Tàu: Hiệu quả rõ nét khi định hướng phát triển đô thị tốt

10:35 | 29/04/2022

(Xây dựng) – Thời gian qua, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có nhiều bước phát triển vượt bậc. Trong đó, không thể không nhắc đến các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, chương trình phát triển nhà ở, đặc biệt là các chương trình phát triển đô thị với mong muốn đem đến cho tỉnh một diện mạo mới, một bộ mặt đô thị đẹp, hoàn hảo. Qua đó, góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn.

ba ria vung tau hieu qua ro net khi dinh huong phat trien do thi tot
Thời gian qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật làm thay đổi căn bản diện mạo đô thị.

Phát triển hạ tầng kết nối liên vùng

Là tỉnh trọng điểm nằm trong Trung tâm kinh tế phía Nam, lại được thiên nhiên ưu đãi với hệ thống cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam và các bãi biển đẹp và nổi tiếng. Bà Rịa – Vũng Tàu còn được biết đến với căn cứ dầu khí đầu tiên và duy nhất tại nước ta. Chính vì vậy, việc ưu tiên phát triển đô thị để nâng tầm vị thế cho tỉnh là một ưu tiên lớn từ trước đến nay trong định hướng phát triển qua nhiều thời kỳ.

Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ là tiền đề của thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời kỳ hội nhập quốc tế. 20 năm qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tạo ra một bước ngoặt lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Làm thay đổi căn bản diện mạo đô thị và nông thôn; tạo sức lan tỏa thu hút các nhà đầu tư, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xứng tầm là một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cao trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Trong những năm đầu thành lập tỉnh, hệ thống giao thông đô thị và nông thôn chiếm tỷ trọng rất nhỏ, tổng chiều dài chỉ khoảng gần 1.000km, chủ yếu là những tuyến đường cũ với mặt cắt ngang nhỏ hẹp, một số ít tuyến đường nhựa đã hư hỏng, xuống cấp, đầu tư không đồng bộ các hạng mục hạ tầng kỹ thuật. Sau 20 năm đầu tư phát triển, hệ thống giao thông đô thị và nông thôn có sự phát triển rõ nét. Đến nay đã xây dựng mới, mở rộng, cải tạo các tuyến đường cũ với tổng chiều dài khoảng trên 3.670km, tạo ra hệ thống giao thông liên hoàn, gắn kết giữa các khu đô thị, các vùng kinh tế trong tỉnh.

Hệ thống Quốc lộ qua địa bàn tỉnh do tỉnh được ủy quyền quản lý với tổng chiều dài 134km, Tỉnh lộ với tổng chiều dài 617km, các tuyến đường giao thông liên huyện như đường ven biển Vũng Tàu – Long Điền – Đất Đỏ – Xuyên Mộc nối đến tỉnh Bình Thuận, đường Mỹ Xuân - Ngãi Giao – Xuân Sơn – Hòa Bình, Tỉnh lộ 44, Tỉnh lộ 52, đường 328 Xuyên Mộc, đường Tóc Tiên – Châu Pha, Quốc lộ 55, 56... được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh với cấp đường phù hợp với nhu cầu phát triển hiện tại và tương lai, tạo ra hệ thống giao thông liên hoàn giữa các địa phương, thúc đẩy mạnh sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.

Tại các đô thị, hệ thống các tuyến đường chính sớm được đầu tư xây dựng, cơ bản phủ kín quy hoạch được duyệt. Tổng chiều dài đường đô thị khoảng 382km đã được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ với các công trình hạ tầng kỹ thuật (như cấp thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, cấp điện, thông tin), giải quyết tốt vấn đề giao thông vận tải và du lịch, góp phần tạo đô thị khang trang, sạch đẹp, văn minh, hiện đại.

Tỉnh đang tập trung huy động các nguồn lực để xây dựng tuyến đường liên cảng Cái Mép – Thị Vải chạy dọc theo hệ thống cảng, các khu công nghiệp nối với đường cao tốc liên vùng phía Nam Nhơn Trạch, Đồng Nai. Đây là tuyến đường vận tải công nghiệp cực kỳ quan trọng, kết nối việc vận chuyển hàng hóa từ khu vực cảng, các khu công nghiệp với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng Tây Nam bộ.

Ngoài ra, tỉnh cũng đang thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng các tuyến đường trọng điểm khác như đường và cầu từ Gò Găng sang Long Sơn, đường 991B, đường Phước Hòa – Cái Mép, đường vào khu công nghiệp dầu khí Long Sơn, đường Hội Bài – Châu Pha – Đá Bạc – Phước Tân, Quốc lộ 51B... đồng thời chuẩn bị kế hoạch đầu tư hệ thống giao thông cho những năm tiếp theo, đảm bảo mạng lưới giao thông trong tỉnh phát triển đồng bộ, bền vững, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong tương lai.

Phát triển đô thị hiện đại

Đến nay, tất cả các đô thị trên địa bàn tỉnh đang được rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung và đã được thông qua để trình phê duyệt làm căn cứ thu hút đầu tư phát triển đô thị có trọng tâm, trọng điểm nhằm từng bước hoàn chỉnh chất lượng đô thị. Hầu hết các đô thị trên địa bàn tỉnh đã được quy hoạch chi tiết trên cơ sở quy hoạch chung đã được phê duyệt; đã lập mới hoặc điều chỉnh 144 đồ án quy hoạch đô thị và cơ bản đã phủ kín quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 các khu chức năng đô thị quan trọng như khu công nghiệp, khu du lịch, khu trung tâm đô thị, các khu dân dụng quan trọng... đáp ứng không gian phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nội dung các đồ án quy hoạch xây dựng và dự án đầu tư xây dựng đều được quan tâm ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật trong các giải pháp xây dựng, phân khu chức năng, giải pháp hạ tầng kỹ thuật theo công nghệ mới an toàn, kinh tế và hiệu quả, chống chịu biến đổi khí hậu và nước biển dâng nhằm phát triển bền vững gắn liền với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tính đến cuối năm 2021, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 10 đô thị bao gồm: 01 đô thị loại I (thành phố Vũng Tàu), 01 đô thị loại II (thành phố Bà Rịa), 01 đô thị loại III (thị xã Phú Mỹ) và 07 đô thị loại V gồm: Thị trấn Long Điền và thị trấn Long Hải (huyện Long Điền); thị trấn Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc); thị trấn Đất Đỏ và thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ); thị trấn Ngãi Giao và đô thị Kim Long (huyện Châu Đức). Trong đó, dân số toàn tỉnh là 1.176.078 người; dân số các đô thị là 810.988 người; tổng diện tích đất tự nhiên toàn đô thị: 72.170ha; Tỷ lệ đô thị hóa đạt 60,08%.

Bên cạnh việc nâng cấp các đô thị, tỉnh còn định hướng phát triển đô thị theo hướng thực hiện đô thị tăng trưởng xanh, thông minh, có kiến trúc xanh thích ứng với biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, tất cả các dự án đã được quan tâm lồng ghép trong các quy hoạch đô thị, nông thôn; đề xuất danh mục dự án mới, trong đó có những công trình quan trọng như đầu tư hoàn thành các khu neo đậu tránh trú bão tại Sông Dinh, Côn Đảo, Bến Lội - Bình Châu, Lộc An và cấp vùng tại Cửa Lấp; nâng cấp các cảng cá và dịch vụ hậu cần phục vụ cho đánh bắt thủy sản; phát triển kết cấu hạ tầng biển, ven biển và đô thị ven biển; Dự án nạo vét kênh Bến Đình, thành phố Vũng Tàu.

Đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 193 dự án nhà ở thương mại đang triển khai trong các khu đô thị và khu dân cư đã với tổng diện tích hơn 9.189ha. Các dự án nhà ở tập trung chủ yếu tại thành phố Vũng Tàu (78 dự án), thành phố Bà Rịa (45 dự án), thị xã Phú Mỹ (35 dự án). Nhà ở khu vực đô thị đạt khoảng 191.425 căn. Toàn tỉnh (kể cả nông thôn) có khoảng 292.573 căn nhà ở riêng lẻ (chiếm 93,8%), 19.478 căn hộ chung cư (chiếm 6,2%). Nhà chung cư tập trung tại 3 đô thị lớn của tỉnh là thành phố Vũng Tàu (18.678 căn), thành phố Bà Rịa (353 căn) và thị xã Phú Mỹ (447 căn). Tổng diện tích nhà ở khu vực đô thị đạt khoảng 12.371.470m².

Phân vùng hành lang kinh tế

Đến thời điểm này, hệ thống đô thị của tỉnh đã được nhân rộng và phát triển theo phân vùng hành lang kinh tế. Các đô thị thuộc các hành lang kinh tế quan trọng hầu hết là các đô thị có trình độ phát triển cao và được nâng loại sớm hơn dự kiến như thành phố Vũng Tàu, thành phố Bà Rịa, thị xã Phú Mỹ, trong đó tỉnh phân loại thành 3 Vùng để đầu tư phát triển cụ thể: Vùng phát triển công nghiệp, dịch vụ, cảng biển dọc hành lang phía Tây Nam của tỉnh, theo tuyến cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và Quốc lộ 51, bao gồm chuỗi các đô thị động lực: Thành phố Vũng Tàu, thành phố Bà Rịa, thị xã Phú Mỹ và một số vùng phụ cận; Vùng thứ 2 phát triển dịch vụ – du lịch chủ yếu tập trung tại hành lang ven biển phía Đông của tỉnh bao gồm chuỗi các đô thị: Thành phố Vũng Tàu, các thị trấn: Long Hải, Phước Hải; các đô thị mới đang hình thành gồm: Lộc An, Bình Châu, Hòa Bình, Hồ Tràm và Côn Đảo, góp phần đến năm 2030 du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Vùng thứ 3 là phát triển kinh tế nông nghiệp, cụm công nghiệp và vùng vành đai nguyên liệu tập trung phía Bắc của tỉnh với trung tâm dịch vụ gồm các đô thị: Ngãi Giao, Kim Long (huyện Châu Đức), Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc) và Long Điền (huyện Long Điền), Đất Đỏ (huyện Đất Đỏ).

Đánh giá về tình hình phát triển đô thị đã tác động mạnh đến thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, ông Mai Trung Hưng – Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã tác động to lớn đến quá trình đô thị hóa, sự dịch chuyển cơ cấu lao động và dân cư. Nó là nền tảng để hình thành các khu công nghiệp, khu đô thị với sự thu hút, tham gia mạnh mẽ của các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, từ nông thôn ra thành thị. Tạo dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp, đô thị tương đối đồng bộ và hiện đại, đóng góp quan trọng vào việc làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ với tốc độ cao.

Mạnh Cường

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load