(Xây dựng) - Dự toán xây dựng công trình được lập theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 9/2/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và các thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
Tại Khoản 6 Điều 20 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP, việc quản lý định mức dự toán xây dựng được phân cấp cho Bộ Xây dựng (ảnh minh họa). |
Theo phản ánh của ông Lê Thanh Hồng (Bến Tre), hiện nay có 2 mã hiệu định mức để chủ đầu tư lựa chọn lập dự toán cho công tác xây dựng là mã hiệu định mức AC.11221: Đóng cọc gỗ (hoặc cọc tràm) D8-10cm bằng thủ công, chiều dài cọc >2,5m vào đất cấp I và mã hiệu định mức AC.12121: Đóng cọc tre bằng máy đào 0,5m3, chiều dài cọc >2,5m, đất cấp I.
Do chưa có định mức đóng cọc gỗ (hoặc cọc tràm) D8-10cm bằng máy cải tiến theo thực tế thi công tại hiện trường nên chủ đầu tư đã lựa chọn mã hiệu định mức: AC.11221 để lập dự toán cho công tác đóng cừ tràm phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương mặt cắt địa chất công trình đa số lớp đất cát pha sét dẻo.
Ông Hồng hỏi, biện pháp áp dụng mã hiệu định mức AC.11221 đã phù hợp và tính đúng, đủ hay chưa để đơn vị ông (chủ đầu tư) thực hiện các bước thanh, quyết toán công trình?
Ông cũng kiến nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành định mức đóng cọc gỗ (hoặc cọc tràm) D8-10cm bằng máy cải tiến để phù hợp với thực tế thi công tại huyện của ông và trên địa bàn tỉnh.
Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau:
Theo quy định pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng hiện hành, dự toán xây dựng công trình được lập theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 9/2/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
Trong đó, đơn giá xây dựng để lập dự toán được xác định theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP và các dữ liệu vật liệu, nhân công, máy thi công trong dự toán xây dựng công trình thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 8, Điều 9 Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Định mức dự toán công tác đóng cọc gỗ (hoặc cọc tràm) D8-10cm, chiều dài cọc >2,5m, thi công bằng thủ công (mã hiệu AC.11221) và thi công bằng máy đào 0,5m³ (mã hiệu AC.12221) được Bộ Xây dựng ban hành trong hệ thống định mức xây dựng tại Thông tư số 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành định mức xây dựng.
Trường hợp định mức ban hành nêu trên chưa phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, điều kiện thi công, biện pháp thi công của công trình thì chủ đầu tư, đơn vị tư vấn lập dự toán thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 21 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP.
Phương pháp xác định, điều chỉnh định mức thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục III Thông tư số 13/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về hướng dẫn phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình.
Việc nghiệm thu, thanh toán, quyết toán hợp đồng các gói thầu thi công xây dựng cần thực hiện trên cơ sở các quy định của hợp đồng đã ký kết, phù hợp với hồ sơ mời thầu, loại hợp đồng xây dựng, tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý chi phí, về hợp đồng xây dựng áp dụng cho dự án, công trình và quy định của pháp luật có liên quan.
Các địa phương có thể xây dựng mức dự toán đặc thù
Theo quy định tại Khoản 6 Điều 20 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP, việc quản lý định mức dự toán xây dựng được phân cấp cho Bộ Xây dựng, các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, UBND cấp tỉnh. Theo đó, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát, cập nhật các định mức dự toán công tác xây dựng đặc thù trên địa bàn địa phương.
Do đó, đối với trường hợp công tác thi công có yêu cầu kỹ thuật, điều kiện thi công, biện pháp thi công đặc thù trên địa bàn tỉnh Bến Tre (như ông nêu), đề nghị ông tổng hợp, kiến nghị với UBND cấp tỉnh để thực hiện tổ chức rà soát, xác định định mức dự toán đặc thù theo quy định tại Khoản 7 Điều 20 và Khoản 4 Điều 22 Nghị định số 10/2021/NĐ-CP.
Tuệ Minh
Theo