Thứ ba 05/11/2024 07:18 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

An Giang thử nghiệm mô hình kết hợp sản xuất nông nghiệp với điện mặt trời

19:53 | 19/04/2021

(Xây dựng) – Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang đã phối hợp với Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (GreenID) và Công ty TNHH Ý thức Khí hậu (CS) tổ chức Lễ khánh thành mô hình thử nghiệm kết hợp sản xuất nông nghiệp với điện mặt trời.

an giang thu nghiem mo hinh ket hop san xuat nong nghiep voi dien mat troi
Các đại biểu cắt băng khánh thành mô hình thử nghiệm kết hợp sản xuất nông nghiệp với điện mặt trời tại tỉnh An Giang (Ảnh: GreenID).

Khu vực đồng bằng sông Cửu Long có lợi thế rất lớn về phát triển mô hình điện mặt trời kết hợp với sản xuất nông nghiệp nhờ số gió nắng nhiều, lượng bức xạ mặt trời lớn.

Trên cơ sở đó, Ban Quản lý dự án phát triển năng lượng bền vững của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang đã phối hợp với Trung tâm GreenID và Công ty TNHH ý thức khí hậu tổ chức Lễ khánh thành mô hình thử nghiệm kết hợp sản xuất nông nghiệp với điện mặt trời.

Mô hình được thiết kế theo tiêu chuẩn của điện mặt trời áp mái lắp đặt trên công trình xây dựng, nhà màng trồng cây theo quy định và hướng dẫn của Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN.

Tháng 5/2020, mô hình được triển khai thử nghiệm tại hộ gia đình ông Chau Hon sống tại ấp An Hòa, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.

Trong đó, hệ thống điện mặt trời áp mái công suất 45kWp được lắp đặt trên diện tích 400m2, phía dưới là nhà màng trồng cây. Các tấm quang năng của hệ thống điện mặt trời được thiết kế với độ giãn cách phù hợp nhằm đảm bảo khả năng sinh trưởng của cây trồng.

Mô hình được hoàn thiện, đấu nối vào lưới điện quốc gia từ tháng 12/2020 và bắt đầu khai thác điện từ năm 2021. Tính đến ngày 14/4/2021, hệ thống sản xuất trung bình 103kWh/ngày và bán được hơn 4.471 kWh trong 3 tháng đầu năm 2021, thu về khoảng 22 triệu đồng.

Phía dưới hệ thống điện mặt trời, gia đình ông Chau Hon đã trồng thử nghiệm dưa chuột, thu hoạch bình quân hơn 30kg/ngày. Với 4 vụ trồng dưa mỗi năm trên diện tích khoảng 800m2, gia đình ông Chau Hon có thể thu nhập khoảng 30 – 35 triệu đồng/năm, cao gấp khoảng 5 lần so với trồng lúa trên cùng diện tích.

Đáng chú ý, tỷ lệ đậu trái dưa chuột trong nhà màng cao hơn hẳn so với mô hình ruộng trồng đối chứng ở bên ngoài. Không những thế, trái dưa thu hoạch trong nhà màng cũng có hình thức đẹp và vị ngon hơn.

Phát biểu tại Lễ khánh thành, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang Trương Kiến Thọ đã nhấn mạnh lợi ích kép của mô hình kết hợp sản xuất nông nghiệp với điện mặt trời, vừa sản xuất điện sạch, vừa mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn cho người nông dân, giúp nông dân yên tâm canh tác và phát triển sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

“Các kết quả nghiên cứu trong mô hình nhà ông Chou Hon sẽ được đúc kết, tài liệu hóa để chia sẻ với các bên liên quan và thúc đẩy quá trình ban hành chính sách phù hợp cho phát triển mô hình. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ cố gắng để nhân rộng mô hình sang các khu vực có điều kiện tương tự ở trên địa bàn tỉnh An Giang”.

Trong khi đó, Giám đốc GreenID Ngụy Thị Khanh kiến nghị Nhà nước xây dựng cá quy chuẩn kỹ thuật và quy định rõ ràng đối với sản xuất nông nghiệp kết hợp điện mặt trời, tránh tình trạng “chuyển đổi trá hình”, chỉ sản xuất điện mà không chú trọng sản xuất nông nghiệp.

Dịch Phong

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load