Chủ nhật 16/06/2024 05:39 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

An Giang: Tăng cường các biện pháp quản lý cây xanh và nạo vét cống, rãnh trong mùa mưa bão

14:25 | 22/05/2024

(Xây dựng) - Ông Phan Duy Quang, Phó Giám đốc Sở Xây dựng An Giang vừa ký ban hành Công văn số 1917/SXD-QLN&HTKT về việc tăng cường, triển khai các biện pháp quản lý cây xanh và thực hiện nạo vét cống, rãnh của hệ thống thoát nước tại các đô thị trên địa bàn tỉnh.

An Giang: Tăng cường các biện pháp quản lý cây xanh và nạo vét cống, rãnh trong mùa mưa bão
Sở Xây dựng An Giang.

Theo Công văn này, trong những năm qua, với sự chung sức của các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương và người dân trong việc thực hiện các quy định có liên quan về quản lý, phát triển cây xanh và thoát nước tại các đô thị trên địa bàn tỉnh An Giang đã đạt được nhiều kết quả nhất định.

Hệ thống thoát nước cơ bản được đầu tư đồng bộ với các dự án phát triển đô thị của địa phương và theo đồ án quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt. Qua đó, năng lực thoát nước tại các đô thị được cải thiện đáng kể, tình trạng ngập úng được kiểm soát và xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, hệ thống cây xanh tại các đô thị cũng được các cấp chính quyền quan tâm trong việc duy trì và phát triển mới nên đã góp phần tạo cảnh quan và nâng cao tỷ lệ cây xanh công cộng tại các đô thị nói riêng và của cả tỉnh nói chung.

Để phát huy những kết quả đạt được, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ngập úng tại các đô thị cũng như cây ngã đổ, gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Sở Xây dựng đề nghị UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện:

Tiếp tục thực hiện công tác quản lý cây xanh đô thị theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-UBND ngày 29/7/2014 của UBND tỉnh, đặc biệt là trong mùa mưa, bão sắp tới. Căn cứ vào điều kiện ngân sách hàng năm của địa phương, UBND huyện, thị xã, thành phố cân đối, bố trí ngân sách cho việc trồng mới cây xanh và thay thế cây bị hư hại (hoặc bị chặt hạ).

Đối với các dự án xây dựng khu dân cư trong đô thị cần xem việc trồng cây xanh ở đường phố và công viên trong phạm vi dự án, thực hiện theo đúng dự án được duyệt là điều kiện để xem xét nghiệm thu công trình (yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thành trồng cây xanh trước khi nghiệm thu bàn giao công trình hạ tầng kỹ thuật); Việc trồng cây xanh đô thị phải bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật, đúng chủng loại, tiêu chuẩn cây và bảo đảm an toàn; cây mới trồng phải được bảo vệ, chống giữ thân cây chắc chắn, ngay thẳng đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt; cây trồng phải được định kỳ chăm sóc, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển của cây, theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của cây; việc chăm sóc, cắt tỉa cây phải tuân thủ quy trình kỹ thuật đồng thời có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và công trình.

Khi trồng mới hoặc thay thế lưu ý không được trồng những cây xanh thuộc danh mục cây cấm và hạn chế trồng theo hướng dẫn tại Quyết định số 475/QĐUBND ngày 24/3/2015 của UBND tỉnh ban hành danh mục cây xanh cấm và hạn chế trồng trong phạm vi đô thị trên địa bàn tỉnh An Giang.

Tăng cường tuyên truyền phổ biến, giáo dục, hướng dẫn người dân và cộng đồng dân cư tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh đô thị và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật liên quan về quản lý cây xanh đô thị. Thông báo đến các đơn vị có liên quan (điện lực, viễn thông, quản lý hạ tầng kỹ thuật…) trước khi có nhu cầu cắt tỉa, chặt hạ, dịch chuyển cây xanh phải lập thủ tục xin phép gửi đến cơ quan quản lý của địa phương (chỉ trừ trường hợp miễn xin phép).

Chỉ đạo cơ quan phụ trách quản lý cây xanh thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử lý hành vi vi phạm các quy định về việc chặt hạ, di dời cây xanh theo quy định hiện hành. Thực hiện rà soát, thống kê và báo cáo cơ sở dữ liệu về cây xanh đô thị trên địa bàn mình quản lý định kỳ vào ngày 15/4 hàng năm để Sở Xây dựng tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Xây dựng theo quy định.

Đối với báo cáo cơ sở dữ liệu về cây xanh của huyện, thị xã, thành phố trong năm 2024, đề nghị các đơn vị gửi về Sở Xây dựng trước ngày 31/5/2024 để tổng hợp và báo cáo theo quy định.

Đối với việc quản lý vận hành hệ thống thoát nước đô thị: Chỉ đạo các phòng chuyên môn quản lý hệ thống thoát nước đô thị phối hợp với đơn vị vận hành hệ thống thoát nước tại địa phương thường xuyên kiểm tra, tổ chức thực hiện duy tu, sửa chữa kịp thời đảm bảo hệ thống hoạt động thông suốt, nhất là trong mùa mưa, bão sắp tới.

Bố trí kinh phí hợp lý, đầy đủ cho đơn vị cung cấp dịch vụ thoát nước và vận hành hệ thống thoát nước trên địa bàn, để các đơn vị nêu trên tổ chức thực hiện việc duy tu, sửa chữa, nạo vét khơi thông cống, rãnh... nhằm đảm bảo hệ thống thoát nước vận hành xuyên suốt, phục vụ nhu cầu thoát nước tại các đô thị trên địa bàn quản lý.

Cần nghiên cứu tổ chức đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật (hệ thống thoát nước) phù hợp, đồng bộ với các dự án đầu tư xây dựng công trình, các dự án đầu tư phát triển đô thị trên địa bàn theo hướng phát triển bền vững. Tuyên truyền, vận động người dân có ý thức chấp hành các quy định về thu gom rác, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, không vứt rác bừa bãi... để không gây ảnh hưởng môi trường và cản trở dòng chảy, tắc nghẽn hệ thống thoát nước dẫn đến ngập úng tại các đô thị trên địa bàn tỉnh. Xử lý nghiêm đơn vị vận hành hệ thống thoát nước không tổ chức thực hiện các quy định về cung cấp dịch vụ thoát nước đã được giao quản lý.

Đơn vị cung cấp dịch vụ thoát nước và chăm sóc cây xanh: Tổ chức cung cấp dịch vụ vận hành, hệ thống thoát nước và chăm sóc cây xanh tại các đô thị được chủ đầu tư giao quản lý và thực hiện. Chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện, thị xã, thành phố thường xuyên kiểm tra, tổ chức thực hiện duy tu, sửa chữa kịp thời đảm bảo hệ thống hoạt động thông suốt, nhất là trong mùa mưa, bão.

Tăng cường công tác quản lý, duy trì hệ thống đô thị nhằm đảm bảo an toàn, không để xảy ra tình trạng cây ngã đổ gây ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của người dân trong mọi trường hợp. Thường xuyên nạo vét, khơi thông cống, rãnh của hệ thống thoát nước nhằm đảm bảo hệ thống thoát nước vận hành xuyên suốt, không để tình trạng ngập úng ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật khi để xảy ra sự cố về người và tài sản liên quan đến hoạt động thoát nước của đơn vị mình quản lý. Trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh vấn đề khó khăn vướng mắc, đề nghị phản ánh về Sở Xây dựng để được hướng dẫn thực hiện hoặc tổng hợp báo cáo và trình UBND tỉnh xem xét, quyết định…

Huỳnh Biển

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load