Thứ tư 05/02/2025 13:55 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bạn đọc / Bạn hỏi – Bộ Xây dựng trả lời

Ai xử phạt vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư?

09:58 | 02/01/2014

Bộ Xây dựng giải đáp một số thắc mắc liên quan đến việc xử phạt trong hoạt động xây dựng quy định tại Nghị định 121/2013/NĐ-CP, như thời điểm nào và cấp nào được xử phạt vi phạm về sử dụng nhà chung cư? Cấp nào có thẩm quyền xử lý vi phạm mức 50-60 triệu đồng? Chủ tịch UBND cấp xã có quyền xử phạt quá 5 triệu đồng hay không?


Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Quang Thái (thai.nguyenquang@...) hỏi: Nghị định số 121/2013/NĐ-CP đã có hiệu lực từ ngày 30/11/2013, vậy việc xử phạt vi phạm về sử dụng nhà chung cư có thể thực hiện ngay không hay phải đợi thêm hướng dẫn cụ thể? Những hành vi vi phạm Điều 55 của Nghị định như kinh doanh nhà hàng, vi phạm trong xây dựng... bị phạt 50-60 triệu đồng, tuy nhiên cấp phường chỉ được phép xử phạt tối đa 10 triệu đồng. Trong trường hợp có vi phạm Điều 55 thì sẽ giải quyết như thế nào?

Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau: Nghị định số 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở có hiệu lực kể từ ngày 30/11/2013. Như vậy, từ ngày này, Nghị định 121/2013/NĐ-CP phải được triển khai thi hành trên toàn quốc.

Đối với hành vi vi phạm hành chính vượt quá thẩm quyền xử phạt, theo quy định tại Điều 60 của Nghị định: "Trường hợp hành vi vi phạm vượt quá thẩm quyền thì phải lập biên bản vi phạm hành chính, chuyển cấp có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt".

Cụ thể, với hành vi vi phạm có mức phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 60 triệu đồng quy định tại khoản 3 Điều 55 thì Chủ tịch UBND cấp xã lập biên bản vi phạm hành chính, chuyển Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc Thanh tra Sở Xây dựng để ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Ông Trần Văn Tính (tranvantinhtvt@...) thắc mắc: Theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chủ tịch UBND cấp xã có quyền xử phạt không quá 5 triệu đồng. Tuy nhiên, theo Nghị định 121/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở, thì Chủ tịch UBND cấp xã được phạt tiền đến 10 triệu đồng. Vậy, trong trường hợp này, thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp xã sẽ thực hiện theo quy định nào?

Sau khi nghiên cứu, Bộ Xây dựng có ý kiến như sau: Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp xã quy định tại khoản 2 Điều 67 Nghị định 121/2013/NĐ-CP hoàn toàn phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Theo Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính, thẩm quyền phạt tiền quy định tại Luật này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; trong trường hợp đối với tổ chức thì thẩm quyền phạt tiền gấp 2 lần thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, thẩm quyền phạt tiền của Chủ tịch UBND cấp xã đối với cá nhân không quá 5 triệu đồng, thì với tổ chức không quá 10 triệu đồng.

Với đặc thù của ngành xây dựng, chủ thể vi phạm chủ yếu là tổ chức, nên hầu hết khung phạt tiền đối với từng hành vi quy định tại Nghị định 121/2013/NĐ-CP là khung phạt áp dụng với tổ chức. Do vậy, khoản 4 Điều 60 của Nghị định đã quy định cụ thể: "Thẩm quyền phạt tiền quy định tại Điều 61, Điều 62, Điều 63, Điều 64, Điều 66, Điều 67, Điều 68 và Điều 69 của Nghị định này là thẩm quyền phạt tiền đối với tổ chức; thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 thẩm quyền phạt tiền đối với tổ chức".

BDT

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load