Sự kiện & Bình luận

“Ai mua nước sông đơi!”

15:23 | 10/11/2020

(Xây dựng) - Không biết trong dân gian, ai đã nghĩ ra câu: “Nước sông công lính” với ngầm ý là, của sẵn đầy ắp ra đấy, chẳng mấy đồng tiền, nếu có dùng tùy tiện, bừa bãi thì cũng không sao.

ai mua nuoc song doi
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet).

Ấy thế mà nghe nói có một dự án bơm nước sông lên bán (chứ không phải nước sạch nha!), giá tới 3.000đ/m3, mà lại được nhiều người hoan nghênh, cũng là chuyện lạ.

Chẳng là mới đây, các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Long An đã thống nhất đầu tư xây dựng dự án Nhà máy nước Sông Tiền 1 và tuyến đường ống truyền tải liên tỉnh cung cấp nước ba tỉnh miền Tây Nam bộ này.

...Công suất dự án giai đoạn 1 (năm 2021) là 300.000m3/ngđ; giai đoạn 2 (năm 2025) là 500.000m3/ngđ. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 2.095 tỷ đồng.

Theo dự kiến, nhà máy nước thô này lấy nguồn nước mặt từ sông Tiền, khu vực gần cầu Mỹ Thuận của tỉnh Tiền Giang. Sau đó, nước sẽ được bơm đi qua các trạm bơm tăng áp, truyền tải nước thô đến các địa bàn tỉnh Tiền Giang, Long An và Bến Tre, những địa phương mà cứ đến mùa khô là gần như 100% nguồn nước bị nhiễm mặn.

Hẳn nhiều người còn nhớ tại một cuộc hội thảo với các đối tác phát triển và nhà tài trợ ứng phó khẩn cấp tình hình hạn hán và xâm nhập mặn tại khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL hồi đầu năm 2016, ngay từ những ngày đó, ở Bến Tre, người dân đang phải mua nước sinh hoạt với giá 60.000 - 80.000 đồng/m3. Các trường học, khách sạn, bệnh viện cũng không có nước sạch, nhiều nơi còn phải dùng nước mặn loãng để làm nước sinh hoạt hàng ngày.

Khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng xác nhận, toàn tỉnh này có 14.774 ha lúa thì có đến 14.754 ha diện tích lúa đông xuân bị hư hỏng hoàn toàn. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo chở nước bằng xà lan để cấp cho các nhà máy sản xuất thực phẩm, bệnh viện, trường học, khách sạn 3, 4 sao chủ yếu phục vụ khách quốc tế... mà cũng chỉ được khoảng 500 m3/ngày.

Cấp bách đến như thế mà hơn 4 năm sau mới sản sinh ra cái dự án này, kể ra cũng là muộn.

Tuy nhiên, vấn đề cấp nước sạch cho cuộc sống thường ngày của đông đảo người dân luôn luôn là vấn đề nhạy cảm, về giá cả, về chất lượng nước, về hiệu quả đầu tư, về vấn đề độc quyền tự nhiên... Bài học này đã gây ra không ít sóng gió trên công luận, không chỉ ở những nơi có “nội lực thâm hậu” trong lĩnh vực này như Hà Nội, TP.HCM mà còn ở nhiều địa phương khác.

Dù sao chăng nữa, thiết nghĩ, đây là một dự án có mục tiêu tốt đẹp. Mong rằng sự hiện thân của nó sẽ đem lại nhiều lợi ích không chỉ cho các doanh nghiệp, cho người dân nơi đây mà còn có thể này sinh ra những ý tưởng mới cho công cuộc chống ngập mặn lâu dài tại các tỉnh ĐBSCL.

Nguyễn Hoàng Linh

Theo

Xem thêm
Đang tải ...

Tin bài cuối cùng