(Xây dựng) – Xây dựng đô thị tăng trưởng xanh là một nhiệm vụ tất yếu để phát triển kinh tế đô thị hiệu quả, bền vững, góp phần vào mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia. Từ khi Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030 ra đời, đô thị Việt Nam đã trải qua 5 năm triển khai thực hiện với nhiều kết quả đạt được nhưng cũng nhiều khó khăn, thách thức.
Tăng trưởng xanh đang trở thành một xu hướng khách quan và là lựa chọn phát triển chiến lược của nhiều quốc gia (ảnh: T/L). |
Tăng trưởng xanh đô thị - Chuyển dịch căn bản và hướng đi tất yếu
Trong giai đoạn hiện nay, thế giới đang diễn ra nhiều thay đổi quan trọng, yêu cầu các quốc gia, trong đó có Việt Nam, phải đổi mới mô hình tăng trưởng để tận dụng thời cơ và vượt qua thách thức, hướng tới mục tiêu phát triển thịnh vượng, bền vững và bao trùm, trong đó tăng trưởng xanh đang trở thành một xu hướng khách quan và là lựa chọn phát triển chiến lược của nhiều quốc gia.
Sở dĩ như vậy bởi vì nền kinh tế xanh mở ra thời kỳ tăng trưởng cao dựa trên đổi mới sáng tạo và sử dụng hiệu quả tài nguyên, tạo cơ hội phát triển cho tất cả các thành phần xã hội.
Theo đánh giá của Ủy ban châu Âu năm 2020, quy mô thị trường toàn cầu cho các sản phẩm và dịch vụ xanh ước tính đạt trên 5 nghìn tỷ USD và tiếp tục tăng trưởng cao hơn các thị trường truyền thống, thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất mà loài người phải đối mặt trong thời đại ngày nay, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và sinh kế của hàng triệu người và ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong dài hạn.
Tăng trưởng xanh hướng tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính – nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu. Thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, đến năm 2021 đã có 124 quốc gia công bố mục tiêu trung hòa các-bon hoặc phát thải ròng bằng không. Theo đó, các nước xây dựng chiến lược phát thải thấp theo hướng xanh, sạch với tầm nhìn dài hạn.
Ở Việt Nam, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã được ban hành từ năm 2012, thể hiện sự quyết tâm của quốc gia cũng như toàn xã hội phát triển theo hướng tăng trưởng xanh.
Trong xu thế phát triển hiện tại, để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh, hệ thống các đô thị có vai trò cực kỳ quan trọng. Dân số đô thị hiện chiếm hơn 55% dân số toàn cầu. Khu vực đô thị ngày càng đóng góp lớn hơn trong tăng trưởng kinh tế mỗi quốc gia. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và quá trình phi tập trung hóa chu trình sản xuất, sự tham gia của khu vực đô thị trong chuỗi giá trị toàn cầu ngày càng sâu rộng.
Với đặc điểm là nơi tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ để tạo nên giá trị vượt trội trong sản xuất, sự phát triển của đô thị tạo động lực chung cho nền kinh tế quốc gia.
Mặt khác, trong quá trình vận hành, đô thị cũng tiêu thụ nhiều tài nguyên và thải ra nhiều chất thải. Quy mô đô thị càng lớn, thì tác động của đô thị đối với môi trường xung quanh càng mạnh.
Trong bối cảnh đó, tăng trưởng xanh tại đô thị được xác định là sự phát triển đô thị đạt được tăng trưởng kinh tế thông qua các chính sách và hoạt động nhằm sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm những ảnh hưởng bất lợi đối với môi trường.
Đô thị tăng trưởng xanh sẽ thúc đẩy chuyển dịch mô hình tăng trưởng kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo phát triển kinh tế khu vực đô thị nhanh, hiệu quả, bền vững.
Đô thị tăng trưởng xanh cũng được kỳ vọng sẽ góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nâng cao năng lực chống chịu ứng phó biến đổi khí hậu của hệ thống đô thị, đóng góp cho cam kết quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính.
Có thể nói, xây dựng đô thị tăng trưởng xanh là một sự chuyển dịch căn bản trong tư duy hệ thống về tăng trưởng đô thị. Hệ thống các đô thị Việt Nam còn nhiều tồn tại, bất cập nhưng cũng đang đứng trước những cơ hội phát triển mới để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng xanh.
Đô thị Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh
Nhận thức được tầm quan trọng của hệ thống đô thị trong đóng góp mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia, năm 2018, Bộ Xây dựng đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030 tại Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 19/01/2018 (sau đây gọi tắt là Quyết định 84).
Mục tiêu của Kế hoạch là cụ thể hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh trong lĩnh vực đô thị, tạo lập và phát triển đô thị tăng trưởng xanh ở Việt Nam nhằm thúc đẩy chuyển dịch mô hình tăng trưởng kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh. Kế hoạch bao gồm 3 chủ đề và 14 nhiệm vụ hành động ưu tiên cụ thể.
Xây dựng đô thị tăng trưởng xanh là một sự chuyển dịch căn bản trong tư duy hệ thống về tăng trưởng đô thị (ảnh: T/L). |
Nhằm cụ thể hóa Quyết định 84, Bộ Xây dựng cũng đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 – 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/8/2018.
Với quan điểm đô thị thông minh là một trong những giải pháp quan trọng hướng tới đô thị tăng trưởng xanh, mục tiêu của Đề án là phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Để có cơ sở đánh giá thực trạng đô thị tăng trưởng xanh, Bộ đã ban hành Thông tư số 01/2018/TT-BXD ngày 05/01/2018 quy định về chỉ tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh và hướng dẫn lập báo cáo xây dựng đô thị tăng trưởng xanh theo 24 chỉ tiêu được phân thành 4 nhóm kinh tế, môi trường, xã hội và thể chế.
Với tỷ lệ đô thị vừa và nhỏ chiếm trên 78% tổng số đô thị toàn quốc, đây sẽ là cơ hội để Việt Nam lựa chọn mô hình tăng trưởng hợp lý ngay từ giai đoạn đầu của quá trình phát triển.
Hiện nay có 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh; 19 tỉnh, thành phố đã rà soát, lồng ghép mục tiêu phát triển đô thị tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng vào Điều chỉnh quy hoạch chung đô thị, các chương trình và dự án phát triển đô thị; 4 tỉnh, thành phố đã và đang chủ động thực hiện đánh giá thực trạng phát triển đô thị tăng trưởng xanh theo hướng dẫn tại Thông tư số 01/2018/TT-BXD.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố cũng quan tâm lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về phát triển đô thị tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong quá trình rà soát, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch xây dựng theo quy định tại Luật Xây dựng năm 2014.
Các khó khăn tồn tại và giải pháp thúc đẩy phát triển đô thị tăng trưởng xanh
Xây dựng đô thị tăng trưởng xanh là sự chuyển dịch căn bản trong tư duy về tăng trưởng đô thị tại Việt Nam. Trong 5 năm triển khai thực hiện, bên cạnh các thành tựu đã đạt được vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Trước hết, tăng trưởng xanh là một khái niệm mới nên nhận thức của cộng đồng, doanh nghiệp nói chung và cán bộ lãnh đạo, chuyên môn tại các cơ quan quản lý Nhà nước nói riêng vẫn còn hạn chế và chưa ý thức được sâu sắc về tầm quan trọng.
Tại các địa phương đã có nhận thức về đô thị tăng trưởng xanh thì gặp phải những vấn đề triển khai thực hiện về thủ tục hành chính, tài chính và năng lực nhân sự thực hiện.
Nhu cầu nguồn vốn và tài chính để thực hiện Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh là rất lớn và bao trùm nhiều lĩnh vực. Một số tỉnh đã xây dựng được danh mục các công trình, dự án lồng ghép các chỉ tiêu, yếu tố tăng trưởng xanh, nhưng việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn đầu tư còn hạn chế. Một phần lý do là chưa có cách thức đánh giá, phân loại dự án đầu tư tăng trưởng xanh một cách chi tiết.
Các địa phương đều có nhu cầu nâng cao kiến thức về tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu và lồng ghép tăng trưởng xanh trong quy hoạch, kế hoạch cho các cán bộ chuyên môn. Tuy nhiên, khung chương trình đào tạo lĩnh vực xây dựng đô thị tăng trưởng xanh hiện vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.
Thực tế, Việt Nam đang thiếu các nghiên cứu cơ bản và các nghiên cứu ứng dụng do tăng trưởng xanh là lĩnh vực mới có quan hệ phức tạp đa ngành, kinh nghiệm thực tiễn trong nước chưa có nhiều. Hoạt động giám sát và đánh giá các mục tiêu, chỉ tiêu trong Quyết định 84 cũng chưa được quan tâm đúng mức, ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai.
Để giải quyết những khó khăn nêu trên, thúc đẩy phát triển đô thị tăng trưởng xanh tại nước ta, dưới góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, với tư cách là cơ quan đầu mối được Thủ tướng Chính phủ giao triển khai Kế hoạch tăng trưởng xanh đô thị, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu chỉ ra các giải pháp cần thực hiện trong giai đoạn tới.
Thứ nhất, đẩy mạnh nghiên cứu, lồng ghép các nội dung phát triển đô thị tăng trưởng xanh trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Mục tiêu của Nghị quyết 06 “Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững” đã thể hiện tinh thần tăng trưởng xanh sâu sắc, và các chương trình hành động của các ngành các cấp để thực hiện được mục tiêu này cần có những giải pháp cụ thể để đạt được mục tiêu đó.
Thứ hai là tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn - tiêu chuẩn liên quan trong lĩnh vực xây dựng phát triển đô thị. Đây là công cụ pháp lý hiệu quả thúc đẩy phát triển đô thị tăng trưởng xanh, thông minh bền vững, phát thải thấp, ứng phó biến đổi khí hậu và sử dụng tiết kiệm hiệu quả năng lượng theo lộ trình giảm phát thải ngành Xây dựng.
Thứ ba, tăng cường áp dụng thực hiện theo quy định của Quy chuẩn QCVN 09:2017/BXD về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả. Ngành Xây dựng đang sử dụng khá nhiều năng lượng, khoảng 35 - 40% tổng năng lượng tiêu thụ quốc gia, trong đó chủ yếu là tiêu thụ điện.
Đối với các công trình xây dựng tại Việt Nam, mức độ lãng phí năng lượng khá lớn. Việc sử dụng năng lượng hiệu quả trong các tòa nhà sẽ giúp giảm chi phí vận hành và giảm lượng phát thải CO2, mang lại lợi ích to lớn về cải thiện môi trường đô thị, cải thiện chất lượng cuộc sống cư dân đô thị.
Thứ tư, đẩy mạnh đánh giá, giám sát các mục tiêu xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, đồng thời nâng cao năng lực đánh giá, giám sát. Hiện nay, các chương trình/kế hoạch tăng trưởng xanh đều có quy định đánh giá, giám sát cụ thể. Việc giám sát chặt chẽ sẽ xác định được kết quả mục tiêu tăng trưởng xanh theo từng giai đoạn, từ đó có những điều chỉnh, can thiệp hiệu quả.
Thứ năm là tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho lãnh đạo chính quyền đô thị và cán bộ quản lý đô thị các cấp về các mô hình đô thị mới hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh.
Thứ sáu, để nhận thức và tinh thần tăng trưởng xanh lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, cần tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo, Tuần lễ Công trình xanh, Tuần lễ Đô thị xanh, chia sẻ các sáng kiến tăng trưởng xanh đô thị nhằm nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân, từng bước thay đổi hành vi sản xuất, sinh hoạt; đồng thời tạo điều kiện kết nối với các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư và chính quyền đô thị cho mục tiêu xây dựng và phát triển đô thị tăng trưởng xanh.
Mục tiêu này thực sự không phải là một đích đến đơn lẻ, mà là tập hợp những chiến lược dài hạn - vốn là đặc thù của tương lai đô thị tăng trưởng xanh. Việc xác định một lộ trình rõ ràng, phù hợp với bối cảnh cảnh theo từng giai đoạn của các đô thị ngay từ đầu của quá trình này sẽ tạo điều kiện thực hiện và đảm bảo duy trì ưu tiên cho tương lai tăng trưởng xanh tại các đô thị Việt Nam.
ThS.KTS. Lê Hoàng Trung
Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng)
Theo