(Xây dựng) - Năm 2021 là một năm kinh tế thế giới suy giảm mạnh vì đại dịch Covid-19, tuy nhiên, ngành Hải quan đã đồng hành cùng doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, hoàn thành toàn diện các mặt công tác với 10 sự kiện nổi bật.
Ngành Hải quan tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại. |
Tổng cục Hải quan đã công bố 10 sự kiện nổi bật nhất trong năm 2021, bao gồm:
1. Ngành Hải quan tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại để đạt kim ngạch hàng hóa hơn 600 tỷ USD và thu ngân sách trên 355.000 tỷ, cao nhất từ trước đến nay, góp phần quan trọng vào cân đối ngân sách, tăng trưởng kinh tế đất nước.
Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam năm 2021 dự kiến đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6%, tương đương tăng tới 123 tỷ USD so với năm 2020.
2. Thay đổi toàn diện công tác kiểm tra chuyên ngành, góp phần cắt giảm thủ tục, chi phí và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp qua Đề án “Cải cách Mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”.
3. Chủ trì, phối hợp, triệt phá thành công nhiều chuyên án lớn về ma túy, hàng cấm… qua công tác kiểm soát hải quan.
Trong năm 2021, toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện bắt giữ và xử lý 14.568 vụ vi phạm pháp luật Hải quan với trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 2.709,89 tỷ đồng, thu ngân sách đạt 290,57 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan ra quyết định khởi tố 39 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác khởi tố 176 vụ.
4. Phê duyệt Kiến trúc tổng thể hướng tới hải quan số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan Hải quan và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Song song với thực hiện các nội dung công việc liên quan đến thuê dịch vụ công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số, Tổng cục Hải quan đã xây dựng mô hình Hải quan thông minh, xác định là một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021-2030, theo hướng: Hiện đại, chuyên nghiệp, phù hợp với xu hướng tự do hóa toàn cầu; áp dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của Hải quan các nước phát triển; các yêu cầu cải cách, hiện đại hóa hành chính Nhà nước hướng tới xây dựng Chính phủ số, Chính phủ điện tử.
Hải quan thông minh là mô hình có mức độ tự động hóa cao, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ mới và hiện đại trên nền tảng số, phi giấy tờ, đảm bảo tính minh bạch, công bằng, hiệu lực, hiệu quả, có khả năng dự báo, thích ứng với sự biến động của thương mại quốc tế và yêu cầu quản lý của cơ quan Hải quan, yêu cầu chia sẻ, kết nối thông tin với các Bộ, ngành, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, phục vụ cho người dân, doanh nghiệp. Mô hình Hải quan thông minh gồm các đặc trưng cơ bản: Quản lý biên giới thông minh; quản lý theo chuỗi và hệ sinh thái số; cung cấp dịch vụ tối ưu; kết nối và xử lý thông minh; minh bạch, công bằng, nhất quán.
5. Tổng cục Hải quan triển khai nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ, tạo thuận lợi thông quan nhanh hàng hóa, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Trong thời gian vừa qua nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, ngành Hải quan đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua các khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS Cov-2 đặc biệt là các giải pháp từ chủ trương, chính sách đến các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, cụ thể cho từng ngành hàng đã góp phần đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, cụ thể: Nhóm giải pháp về xây dựng chủ trương, chính sách hỗ trợ cho các hoạt động xuất nhập khẩu trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; Nhóm giải pháp tạo thuận lợi về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; Nhóm giải pháp về tổ chức, điều hành và bố trí nhân lực đảm bảo việc thông quan hàng hóa.
6. Quan hệ đối tác giữa Hải quan Việt Nam với Hải quan các nước và các tổ chức quốc tế phát triển trên một tầm cao mới thông qua trao đổi thông tin quản lý hải quan; hỗ trợ nâng cao năng lực, trang thiết bị hiện đại.
7. Năm năm liên tiếp đứng đầu về cải cách hành chính khối Tổng cục và tương đương thuộc Bộ Tài chính.
Tập trung tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin ngành Hải quan để phục vụ xây dựng Hải quan số tiến tới mô hình Hải quan thông minh nhằm ứng dụng tối đa thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đã ký kết với 44 ngân hàng thương mại để triển khai phối hợp thu ngân sách trong đó có 38 ngân hàng triển khai nộp thuế điện tử và thông quan 24/7, số thu thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu qua ngân hàng đạt 99,8% trên tổng số thu. Tổng cục Hải quan cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho 215/237 thủ tục hành chính, chiếm 91% tổng số thủ tục hành chính do cơ quan Hải quan thực hiện, trong đó có 209 thủ tục hành chính đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (đạt tỷ lệ 88%). Tổng số dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực hải quan được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia là 98.
8. Quyết liệt triển khai Chuyên đề kiểm tra sau thông quan đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu hạt điều có dấu hiệu vi phạm pháp luật hải quan với số lượng lớn.
Tổng cục Hải quan đã có kết luận kiểm tra đối với 18/18 vụ việc đã thực hiện kiểm tra sau thông quan. Trong đó: 02 doanh nghiệp có hành vi gian lận về xuất xứ hạt điều xuất khẩu (xuất xứ thuần tuý Việt Nam); 04 doanh nghiệp thuộc loại hình sản xuất xuất khẩu, có nghi vấn bán tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, khi cơ quan hải quan tiến hành kiểm tra, doanh nghiệp không có trụ sở, không còn hoạt động sản xuất tại địa điểm đăng ký kinh doanh. Do không có điều kiện kiểm tra, xác minh làm rõ nghi vấn nên Tổng cục Hải quan đã chuyển thông tin về 04 doanh nghiệp này (theo nguồn tin tố giác tội phạm) đến Công an tỉnh Bình Phước để tiếp tục làm rõ dấu hiệu vi phạm bán tiêu thụ nội địa.; 01 doanh nghiệp: Tổng cục Hải quan đang trao đổi với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét các dấu hiệu vi phạm để tiến hành khởi tố. Ngoài ra, Tổng cục Hải quan đã giao cho các Cục Hải quan tiến hành kiểm tra sau thông quan đối với 34 doanh nghiệp. Đồng thời, chuyển danh sách 280 doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro để các Cục Hải quan tỉnh, thành phố nghiên cứu, xây dựng kế hoạch kiểm tra theo quy định.
9. Thực hiện chính quy, hiện đại thông qua triển khai Nghị định số 02/2021/NĐ-CP ngày 07/01/2020 quy định về cờ truyền thống, cờ hiệu, biểu tượng, hải quan hiệu, phù hiệu, biển tên, cấp hiệu, trang phục, chứng minh hải quan và dấu hiệu đặc trưng phương tiện tuần tra, kiểm soát, giám sát hải quan.
10. Xây dựng Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021 - 2030 hướng tới Hải quan Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Nhằm tiếp tục công cuộc cải cách, phát triển, hiện đại hóa hải quan trong bối cảnh mới, với mong muốn phục vụ cộng đồng doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, góp phần tạo thuận lợi thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Hải quan Việt Nam đã xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển hải quan giai đoạn 2021 - 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Dự thảo Chiến lược phát triển hải quan giai đoạn 2021 - 2030 đặt ra mục tiêu “Xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới, dẫn đầu trong thực hiện Chính phủ số, với mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh. Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan. Quản lý thu thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu hiệu quả. Tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn xã hội và bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia”.
Khánh Hòa
Theo