(Xây dựng) - Đến với Hà Tĩnh trong những ngày này, ta sẽ cảm nhận được niềm vui lan tỏa của vùng đất và con người nơi đây sau 10 năm bắt tay vào xây dựng Nông thôn mới (NTM): Những ngôi nhà khang trang, những khu vườn xanh mướt, những khu dân cư quy củ và những gương mặt người dân rạng rỡ niềm tin... Để có được kết quả ngày hôm nay, đó là quá trình nỗ lực trong chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của Đảng bộ, chính quyền và sự chung sức chung lòng của người dân Hà Tĩnh với công cuộc xây dựng NTM.
NTM đã làm nên diện mạo khang trang, yên bình, trù phú cho những vùng quê Hà Tĩnh.
Chuyển mình làm “mới” những vùng quê
Bước vào thực hiện chương trình xây dựng NTM, Hà Tĩnh là một tỉnh có điểm xuất phát thấp: Năm 2010, bình quân mới đạt 3,5 tiêu chí/xã, có 183/235 xã đạt dưới 5 tiêu chí; tỷ lệ hộ nghèo 23,8%; thu nhập bình quân đầu người 8,46 triệu đồng/năm…
Ông Lê Đình Sơn - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh chia sẻ: “Sau Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khóa X về “nông nghiệp, nông dân và nông thôn” vào ngày 5/8/2008, cuộc cách mạng xây dựng NTM ở Hà Tĩnh mới thật sự bắt đầu và ngày càng đi vào chiều sâu. Nhân dân vào cuộc mạnh mẽ, tạo thành sức mạnh lớn, tạo nên một diện mạo như hôm nay: Kết cấu hạ tầng nông thôn đã có bước phát triển mạnh mẽ, văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, nhận thức về NTM được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững”.
Sau 10 năm, toàn tỉnh có 173 xã đạt chuẩn (chiếm 75,5% tổng số xã); không còn xã dưới 12 tiêu chí; có 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; huyện Nghi Xuân đạt chuẩn NTM; thị xã Hồng Lĩnh và TP Hà Tĩnh có 100% số xã đạt chuẩn; tỷ lệ hộ nghèo còn 5,82%; thu nhập bình quân đầu người đạt 30,5 triệu đồng. Dự kiến đến cuối năm 2019, có thêm 21 xã và huyện Can Lộc đạt chuẩn NTM.
Cơ sở vật chất văn hóa, trường học, trạm y tế… được đầu tư xây dựng đã làm thay đổi diện mạo, đời sống văn hóa tinh thần vùng nông thôn. Trong 10 năm, Hà Tĩnh đã nâng cấp, xây dựng mới 7.438 km đường giao thông, 1.085 nhà văn hóa, khu thể thao thôn; xây mới 26 trường Mầm non và phổ thông các cấp, 1.619 phòng học, 120 trạm y tế, 8 công trình nước sạch tập trung…
Xây dựng NTM ở Hà Tĩnh đã trở thành hơi thở của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi thôn xóm, bằng những việc làm thiết thực, cụ thể; cán bộ, đảng viên và nhân dân đã sát cánh bên nhau, đồng sức đồng lòng tô đẹp quê hương. Sự gần gũi, gắn bó giữa cán bộ và nhân dân, những vướng mắc, khó khăn đã dần được đẩy lùi, thay vào đó là sự tự giác, là ý chí, quyết tâm mạnh mẽ của người dân trong nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí.
Một góc Khu dân cư NTM kiểu mẫu thôn Châu Nội, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ.
Phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những mục tiêu cốt lõi trong xây dựng NTM, mỗi người dân Hà Tĩnh đã được “tiếp sức” bằng các cơ chế, chính sách có hiệu quả của Nhà nước, chính quyền các cấp. Chủ trương cơ cấu lại ngành Nông nghiệp sớm được tỉnh quan tâm, quyết liệt triển khai ngay khi bắt tay thực hiện. Nhờ thế, đến nay toàn tỉnh có hơn 13.000 mô hình sản xuất cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Những mô hình kinh tế quy mô lớn, doanh thu trên 1 tỷ đồng ngày càng nhiều, đã phá vỡ tư duy “manh mún, nhỏ lẻ” từ nhiều đời nay của nông dân Hà Tĩnh. Nhiều nông dân đã thực sự trở thành ông chủ, sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong điều hành quản lý, giao dịch với đối tác trong và ngoài nước.
Hà Tĩnh đã có những cách làm sáng tạo trong huy động nguồn lực, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng... Đặc biệt, tỉnh đã rất sáng tạo khi đưa tiêu chí 20 - khu dân cư mẫu, vườn mẫu vào đánh giá, xếp loại xã đạt chuẩn NTM. Xây dựng tiêu chí 20 đã tạo điều kiện tối đa cho người dân phát huy vai trò chủ thể của mình, tạo động lực trực tiếp cho người dân bởi lợi ích thiết thực mà tiêu chí mang lại. Chủ trương xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu nhanh chóng được người dân hưởng ứng, tự giác tham gia và đang dần trở thành phong trào có sức lan tỏa nhanh, trên diện rộng. Đến nay có 1.686/1.715 thôn triển khai xây dựng (chiếm 98% tổng số thôn); có 298 khu dân cư, 3.000 vườn mẫu đạt chuẩn, có trên 1.200 vườn doanh thu từ 500 triệu đồng/năm trở lên, trong đó có 261 vườn doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm.
Tiếp tục giữ vững ngọn lửa phong trào xây dựng NTM
Mặc dù đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhưng thực tế, phong trào xây dựng NTM của Hà Tĩnh vẫn đang còn thực hiện không đều giữa các vùng, địa phương trong tỉnh. Diện mạo nông thôn chỉ chuyển biến rõ rệt ở nhóm các xã được ưu tiên hỗ trợ nguồn lực từ chương trình. Nguồn lực của Nhà nước đầu tư trực tiếp cho chương trình chưa đáp ứng nhu cầu của các địa phương; việc huy động vốn trong dân, trong cộng đồng dân cư và của doanh nghiệp cho xây dựng NTM còn nhiều khó khăn...
“Trên cơ sở những kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn, Hà Tĩnh tiếp tục xác định, xây dựng NTM gắn với phát triển đô thị là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên.
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược lâu dài và là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; trong đó, NTM là căn bản, cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là trọng tâm, then chốt. Tập trung chuyển trọng tâm xây dựng NTM từ chiều rộng sang chiều sâu; từ mục tiêu về lượng sang nâng cao chất lượng. Gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nông nghiệp với kinh tế nông thôn và dịch vụ thương mại, giữa nông nghiệp với công nghiệp; kết nối không gian phát triển giữa nông thôn với đô thị.
Tiếp tục chỉ đạo các xã đã đạt chuẩn duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, luôn cập nhật và thực hiện theo chuẩn mới, hướng tới NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Hà Tĩnh phấn đấu tỉnh đạt chuẩn NTM trong giai đoạn 2021-2025”, ông Lê Đình Sơn cho biết.
Sự gần gũi, sát cánh giữa cán bộ, đảng viên và nhân dân đã tạo nên sức mạnh trong phong trào xây dựng NTM.
Để hoàn thành mục tiêu trên, bên cạnh công tác tuyên truyền, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư, các địa phương cần tận dụng tối đa nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn, để đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội ở địa phương; ưu tiên thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn; thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn, nhằm tăng thu nhập cho người dân nông thôn một cách bền vững.
“Xây dựng NTM có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc, từ thành công này, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì, đồng sức, đồng lòng, phát huy tối đa mọi nguồn lực phấn đấu đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới”, ông Trần Huy Oánh - Chánh văn phòng NTM Hà Tĩnh chia sẻ.
Phát huy dòng chảy của mảnh đất giàu truyền thống văn hóa và lịch sử, những gì đã đạt được sau 10 năm triển khai xây dựng NTM sẽ là tiền đề, động lực để Đảng bộ, chính quyền và bà con nhân dân Hà Tĩnh vươn lên khẳng định mình.
Phương Dung
Theo