Thứ tư 11/12/2024 03:08 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

10 dấu ấn nổi bật của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023

08:39 | 01/01/2024

(Xây dựng) – Chiều 31/12, UBND Thành phố Hồ Chí Minh chính thức công bố 10 sự kiện nổi bật của Thành phố trong năm 2023.

10 dấu ấn nổi bật của Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023
Thành phố Hồ Chí Minh công bố 10 dấu ấn nổi bật của Thành phố năm 2023.

Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tăng tốc và tạo đà phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho hai năm còn lại của nhiệm kỳ.

Chủ đề năm 2023 là “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội”.

Năm 2023 cũng là dấu mốc quan trọng đối với Thành phố Hồ Chí Minh khi Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh được Quốc hội thông qua.

Những kết quả đạt được trong năm 2023 minh chứng cho quyết tâm, sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vượt qua khó khăn, thách thức.

1.Triển khai nhanh chóng việc thực hiện các Nghị quyết của Trung ương vì sự phát triển của Thành phố

Đó là Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nâng tầm liên kết vùng trở thành một điểm nhấn quan trọng, là chìa khóa, động lực mới để vùng Đông Nam bộ với tiềm năng to lớn và sự năng động sẽ phát triển nhanh hơn, mạnh hơn.

Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mang đến một sức bật mới về chính sách và thể chế, là một dấu ấn sâu sắc trong lộ trình hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển đô thị, tạo sức bật cho Thành phố vươn lên trên mọi lĩnh vực.

Đặc biệt, Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, ngay sau khi được Quốc hội thông qua ngày 24/6, HĐND Thành phố đã nhanh chóng ban hành Nghị quyết 18 cụ thể hóa rất nhiều cơ chế, chính sách để làm căn cứ triển khai thực hiện Nghị quyết 98. Với tinh thần khẩn trương, Thành phố đã tiến hành thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt với các điểm nhấn: Thành lập Sở An toàn thực phẩm; phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ cho thành phố Thủ Đức nhằm tăng cường tính chủ động, linh hoạt trong giải quyết công việc, thủ tục cho người dân, doanh nghiệp...

2. Xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính quyền hiệu quả, hiệu lực

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được xác định là nhiệm vụ then chốt, là công việc hệ trọng. Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh quán triệt đến các cấp ủy, đảng viên nâng cao trách nhiệm, quyết tâm chính trị, tinh thần tự giác, gương mẫu của cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên trong việc thực hiện Kết luận 21 và Quy định 37 Ban Chấp hành Trung ương để tạo bước chuyển biến rõ rệt, hiệu quả, thiết thực trong công tác xây dựng Đảng.

Thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung tổ chức sơ kết, biểu dương, tôn vinh, tuyên truyền nhân rộng các gương điển hình có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, bộ máy quản lý hành chính trên địa bàn Thành phố đã trở nên tinh gọn do giảm bớt cấp chính quyền, thủ tục hành chính được cắt giảm, thời gian triển khai các kế hoạch được nhanh hơn, phù hợp với tính chất, yêu cầu quản lý của đô thị đông dân làm cho bộ máy chính quyền đạt được sự phản ứng nhanh nhạy, hoạt động thông suốt hơn.

3. Thực hiện quyết liệt các giải pháp vực dậy kinh tế, đạt những kết quả tích cực, khả quan

Trong bối cảnh chung của nền kinh tế toàn cầu, bức tranh kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh từng có giai đoạn ảm đạm mà nhiều chuyên gia gọi nền kinh tế Thành phố đã chạm đáy khi kết thúc quý I/2023, GRDP chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ, nhiều chỉ số tăng trưởng âm. Trước tình hình này, lãnh đạo Thành phố và cả hệ thống chính trị quyết tâm, nỗ lực, kịp thời đề ra hàng loạt giải pháp trọng tâm, cấp bách để tháo gỡ, vực dậy nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố (GRDP) quý sau cao hơn quý trước. GRDP quý II vượt lên 5,87% (tăng gấp 8 lần so với quý I và gấp 3 lần cho với cùng kỳ), quý III là 6,71%. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song kinh tế - xã hội Thành phố đã có nhiều điểm sáng, tạo tiền đề và động lực tích cực để Thành phố phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng đề ra.

Thành phố cũng xác định mở rộng liên kết vùng là phát huy tiềm năng, thế mạnh vùng Đông Nam bộ. UBND Thành phố đã đồng chủ trì với UBND các tỉnh, thành phố tổ chức 5 Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội; ký thỏa thuận hợp tác với 38 tỉnh, thành phố; thu hút 2.520 lượt doanh nghiệp tham dự. Các hội nghị tập trung đánh giá những tiềm năng, thế mạnh, sức hấp dẫn của từng địa phương trong liên kết vùng, tài nguyên thiên nhiên, sản phẩm chủ lực, nhằm đưa sự hợp tác đạt những kết quả cao hơn trong thời gian tới

4. Diễn đàn kinh tế Thành phố “Tăng trưởng xanh – Hành trình hướng tới giảm phát thải ròng bằng không”

Diễn đàn có sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, hơn 1.400 đại biểu trong nước và quốc tế.

Điểm nhấn là trao bản ký kết tuyên bố chung giữa lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh với Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Việc ký tuyên bố chung góp phần giúp Thành phố và Việt Nam tiếp cận các nguồn lực, kinh nghiệm cũng như tham gia các chương trình toàn cầu của WEF. Việc ký kết này phù hợp với định hướng của Chính phủ tại Biên bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2023-2026 giữa Chính phủ Việt Nam và WEF.

Diễn đàn kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã lan tỏa mạnh mẽ những thông điệp hết sức tích cực của chính quyền Thành phố về việc tạo môi trường đầu tư lành mạnh, cởi mở nhằm phát triển, thu hút những ngành kinh tế giàu trí thức, chuyển hướng, kiến tạo một hành trình mới, hành trình tăng trưởng xanh với tầm nhìn cho tương lai bền vững.

5. Vành đai 3 và nhiều dự án hạ tầng trọng điểm được triển khai cùng nhiều công trình khác được tái khởi động, khánh thành phục vụ người dân

Dự án xây dựng đường Vành đai 3 dài 76km, đi qua 4 địa phương gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An với tổng mức đầu tư gần 75.400 tỷ đồng, là công trình giao thông lớn nhất phía Nam, được khởi công vào tháng 6/2023. Đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng của Thành phố và các địa phương của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức chạy thử nghiệm trên toàn tuyến với tổng 14 ga (gồm 3 ga ngầm và 11 ga trên cao), từ ga Bến Thành đến ga Bến xa Suối Tiên và ngược lại. Đây là sự kiện đặc biệt, đánh dấu một cột mốc mới trong quá trình triển khai thực hiện dự án; kết thúc xây dựng, chuẩn bị đưa tuyến Metro số 1 vào vận hành khai thác.

Khởi công dự án Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên. Bên cạnh những công trình trọng điểm như: Nút giao An Phú, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất... được triển khai, thì nhiều công trình hạ tầng quan trọng phục vụ dân sinh khác đã được Thành phố tái khởi động và khánh thành đưa vào sử dụng trong năm 2023.

6. Chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp - những điểm sáng, cùng cải cách hành chính hướng đến phát triển kinh tế, phục vụ người dân, doanh nghiệp

Năm 2023, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, đưa vào vận hành hiệu quả nhiều dịch vụ số phục vụ người dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội như: Nâng tỉ lệ các dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 100% cho các thủ tục đủ điều kiện; vận hành hệ thống quản trị, thực thi Thành phố trên các nền tảng số; ra mắt nền tảng Bản đồ số Thành phố; nhiều dịch vụ đô thị thông minh lĩnh vực giao thông, cảnh báo ngập lụt, ô nhiễm môi trường, y tế, giáo dục và các dịch vụ công cộng thanh toán không dùng tiền mặt… tiếp tục được triển khai hiệu quả.

Trung tâm Điện tử và Vi mạch bán dẫn (Electronics and Semiconductor Center - ESC) đã được thành lập vào ngày 6/9. Sự kiện ra mắt ESC là một khởi đầu đầy hứa hẹn trong công tác xúc tiến đầu tư vào các ngành công nghiệp có vị trí chiến lược như công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn, góp phần định hướng xây dựng chính sách phát triển ngành công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết số 23 ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị.

Cải cách hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp. Năm 2023, UBND Thành phố tiếp tục triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, ban, ngành và địa phương năm 2023 (DDCI). Bộ chỉ số DDCI 2023 đã có sự chắt lọc từ những tiêu chí cũ, gắn với từng ngành, từng lĩnh vực của doanh nghiệp. Đặc biệt năm nay, Bộ chỉ số đề xuất tiêu chí mới (như chỉ số xanh, chỉ số sức khỏe và môi trường).

Tính đến tháng 12/2023, Thành phố Hồ Chí Minh có 1.837 thủ tục hành chính đang áp dụng. Thành phố đã phê duyệt 740 thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyền đáp ứng yêu cầu. Số hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết trong năm 2023 là 22.583.451 hồ sơ (trong đó có 22.471.574 hồ sơ giải quyết đúng hạn, chiếm tỉ lệ 99.84%).

Hệ thống quản trị thực thi trên các nền tảng số (giai đoạn 1). Hệ thống với 3 chức năng sẽ làm thay đổi cách chỉ đạo, điều hành và kiểm tra hoạt động của chính quyền Thành phố từ thủ tục, báo cáo bằng văn bản giấy tờ sang điều hành bằng hệ thống thông tin điện tử có sự tương tác hết sức nhanh chóng và hiệu quả.

7. Chăm lo phát triển và đầu tư cho y tế - giáo dục - công tác giảm nghèo bền vững, đảm bảo quyền an sinh của người dân

Chương trình đưa bác sỹ trẻ thực hành 18 tháng tại bệnh viện gắn liền với trạm y tế là một trong các giải pháp củng cố chất lượng nguồn nhân lực y tế cơ sở trên địa bàn Thành phố.

Chương trình củng cố và nâng cao năng lực y tế huyện Cần Giờ, Sở Y tế đã triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán hình ảnh X-quang phổi và hội chẩn từ xa (telemedicine) tại Trung tâm y tế xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ.

Thành phố sẽ chi gần 150 tỷ đồng mỗi năm để khám sức khỏe miễn phí cho trên 1 triệu người cao tuổi nhằm “đánh chặn” bệnh tật từ xa, giảm chi phí điều trị và tăng chất lượng sống cho người cao tuổi.

Năm học 2023-2024 thành phố sẽ chi 1.847 tỷ đồng để hỗ trợ học phí, nhằm chia sẻ gánh nặng với phụ huynh và học sinh. Đặc biệt, học sinh THCS trên địa bàn sẽ được miễn học phí 100%.

Thành phố đến nay còn 8.410 hộ nghèo (chiếm tỉ lệ 0,33%) và 14.498 hộ cận nghèo (chiếm tỉ lệ 0,57%) so với tổng hộ dân thành phố. Với kết quả này, Thành phố hoàn thành việc mức chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Thành phố trước thời hạn 2 năm.

8. Du lịch Thành phố phục hồi và tăng trưởng mạnh

Chuỗi hoạt động văn hóa – giải trí – nghệ thuật đặc sắc diễn ra bên dòng sông Sài Gòn là dịp khơi dậy tình yêu quê hương và niềm tự hào của chính người dân Thành phố về lịch sử ngàn đời của cha ông trên vùng đất này. Việc tổ chức thành công các sự kiện lễ hội cùng với sự đầu tư, tôn tạo cảnh quan hai bờ sông và sự liên kết giữa du lịch với các ngành nghệ thuật văn hóa, thương mại, dịch vụ, giao thông vận tải... không chỉ giúp phát huy tiềm năng vốn có và khai thác tối đa giá trị kinh tế, văn hóa, du lịch của dòng sông Sài Gòn mà còn giúp định vị thương hiệu đô thị sông nước giàu bản sắc của Thành phố Hồ Chí Minh.

Chương trình tham quan Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia trụ sở Hội đồng nhân dân và UBND Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá là một hoạt động có ý nghĩa, thể hiện sự cởi mở của chính quyền Thành phố trong giai đoạn phát triển mới.

9. An ninh quốc phòng giữ vững, an ninh trật tự xã hội ngày càng an toàn hơn

Năm 2023, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Các loại tội phạm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh được ngăn chặn, triệt phá hiệu quả, đặc biệt đã phát hiện và khởi tố 48 vụ án tội mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy qua tuyến đường hàng không, thu giữ hơn 370kg ma túy các loại cùng nhiều vật chứng liên quan.

10. Tích cực đa dạng hóa quan hệ hữu nghị, đưa hợp tác quốc tế đi vào thực chất, hiệu quả

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có mối quan hệ hữu nghị đặc biệt với 58 địa phương trên thế giới. Có thể nói, năm 2023 là năm có nhiều hoạt động đối ngoại sôi động của các lãnh đạo Thành phố.

Tháng 10/2023, Sở Ngoại vụ đã tổ chức cuộc thi thiết kế biểu tượng hữu nghị Thành phố Hồ Chí Minh. Phác thảo thiết kế công trình "Thành phố Hồ Chí Minh - Thành phố hữu nghị toàn cầu" là biểu tượng mở, với ý nghĩa Thành phố sẽ tiếp tục kết nghĩa với nhiều Thành phố khác trên thế giới để mở rộng quan hệ, tăng tính kết nối, nâng tầm hiểu biết lẫn nhau, cùng xây dựng một thế giới hòa bình, hữu nghị và tốt đẹp hơn.

Viết Dũng – Quang Hải

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load