(Xây dựng) - Vào một ngày đầu tháng 7, khi nhà báo Đồng Quang Hưng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Yên Bái bảo: “Em chuẩn bị đi cùng Đoàn công tác của Hội vào Nghĩa trang liệt sỹ Hương Điền, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế bốc mộ, đưa hài cốt liệt sỹ Nguyễn Thanh Tùng về quê nhà ở xã Đại Minh, Yên Bình nhé!”. Tôi vui vẻ nhận lời ngay vì đây là chuyến đi xa, dài ngày đầu tiên kể từ khi về làm phóng viên thường trú Báo Xây dựng tại tỉnh nhà và cũng là chuyến đi cũng vô cùng ý nghĩa đúng vào dịp kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2024).
Lễ truy điệu, an táng hài cốt liệt sỹ Nguyễn Thanh Tùng. |
Đúng 5h sáng 9/7, Đoàn công tác do Anh hùng Lao động, thương binh 1/4 Khổng Minh Quý, Chánh Văn phòng Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh làm Trưởng đoàn bắt đầu khởi hành từ Yên Bái, cùng đi có bà Nguyễn Thị Liễu là vợ của liệt sỹ Nguyễn Thanh Tùng. Phương tiện là chiếc xe 7 chỗ Innova còn khá mới do ông Lê Đức Hòa, Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại Sơn Hòa bố trí cùng với sự tài trợ toàn bộ chi phí xăng dầu, ăn nghỉ trong suốt cuộc hành trình của Đoàn.
Với sự bố trí thời gian nghỉ ngơi, dưỡng sức hợp lý, bảo đảm an toàn, đến 19h40 phút cùng ngày, Cựu chiến binh Bùi Ngọc Trung đã lái xe vượt qua chặng đường trên 800km đến xã Phong An, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nơi có Nghĩa trang liệt sỹ Hương Điền, với diện tích khoảng trên 20ha, do 2 huyện Phong Điền, Quảng Điền và thị xã Hương Trà của tỉnh Thừa Thiên - Huế trước đây lập lên. Nghĩa trang với 3.600 ngôi mộ liệt sỹ được xây cất trang nghiêm, song cũng thật đau đớn xót xa, khi trong đó có trên 2.000 mộ là liệt sỹ chưa xác định được thông tin, trước đây còn được gọi là liệt sỹ vô danh.
Mặc dù nghỉ hưu đã gần 10 năm nhưng Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Đồng Quang Hưng, nguyên Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh Yên Bái vẫn duy trì được mối quan hệ tình cảm tốt đẹp, sâu đậm với đồng nghiệp các tỉnh bạn. Thật xúc động, khi Đoàn đến nơi, dù cũng khá muộn, nhưng Chánh Thanh tra huyện Phong Điền Nguyễn Văn Xảo cùng lãnh đạo, công chức trong đơn vị vẫn đợi, đón tiếp, bố trí ăn nghỉ chu đáo và tham gia giúp đỡ hỗ trợ trong thời gian Đoàn làm việc tại địa phương.
Nói về liệt sỹ Nguyễn Thanh Tùng, ngược dòng thời gian, vào những năm đầu thập kỷ sáu mươi của thế kỷ trước, theo tiếng gọi và thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng, phát triển kinh tế miền núi. Năm 1963, khi vừa 19 tuổi, người thanh niên Nguyễn Thanh Tùng đã tạm biệt quê hương xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình thoát ly gia đình, trở thành công nhân lâm trường trên vùng đất mới thuộc huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Và chỉ 3 năm sau đã được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, rồi kết hôn, xây dựng gia đình với nữ công nhân cùng đội sản xuất Nguyễn Thị Liễu, đồng hương quê lúa Thái Bình.
Tháng 1/1971, trong khí thế sục sôi của cuộc cách mạng, đấu tranh, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, cũng như bao người thanh niên khác, công nhân, đảng viên trẻ Nguyễn Thanh Tùng lại một lần nữa tạm biệt quê hương thứ 2 của mình, tạm biệt người vợ trẻ, xung phong lên đường nhập ngũ, vào Nam đánh giặc. Anh được biên chế đơn vị tại Đại đội 4, Trung đoàn 284, Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không - Không quân. Tham gia những trận chiến khốc liệt giành giật từng tấc đất, mái nhà giữa ta và địch trong 81 ngày đêm của “Mùa hè đỏ lửa”, quyết tâm giữ vững thành cổ Quảng Trị vào những tháng giữa năm 1972. Ngày 30/7/1972, quân nhân Nguyễn Thanh Tùng đã hy sinh anh dũng khi đang trên đường cùng đồng đội hành quân, tiến vào mặt trận Cam Lộ. Thi thể liệt sỹ Nguyễn Thanh Tùng được an táng tại cao điểm 91, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Tháng 6/1973, nhận được giấy báo tử người chồng thân yêu, người vợ trẻ Nguyễn Thị Liễu vô cùng đau đớn, khóc cạn nước mắt, vừa thương xót người chồng đã hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân, cùng nỗi đau, dằn vặt trong lòng khôn nguôi khi chưa kịp có con đầu lòng trong những ngày, tháng bên chồng; cộng với thông tin mịt mùng, không biết chồng mình đang nằm nơi đâu giữa vùng đất đang diễn ra chiến tranh khốc liệt, đạn bom cày xới không kể ngày đêm.
Thời gian cứ thế trôi đi, sau nhiều năm một mình, ở vậy thờ chồng, quả phụ Nguyễn Thị Liễu gá nghĩa với một đồng nghiệp, cũng là người bạn cùng trong đội sản xuất, có quan hệ thân thiết với liệt sỹ Nguyễn Thanh Tùng trước kia và sinh hạ được 3 người con gái, với niềm an ủi, hy vọng có nơi nương tựa, chăm sóc khi tuổi già.
Hòa bình lập lại, chiến tranh dần lùi xa, mọi sự đã dần trôi, chìm vào trong dĩ vãng. Với hơn nửa thế kỷ đã qua, địa hình, vết tích của những nơi chiến trường xưa kia đã có nhiều sự thay đổi, các nhân chứng lịch sử người còn, người mất, thông tin về nhau cũng bị thất lạc, việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ vào các nghĩa trang liệt sỹ còn gặp rất nhiều khó khăn. Nỗi đau, nỗi nhớ thương người chồng liệt sỹ của người vợ mất chồng khi đang còn rất trẻ, đến nay đã là một cụ bà gần 80 tuổi có thể đã có phần nguôi ngoai theo thời gian, song ước nguyện mong mỏi và niềm hy vọng tìm được hài cốt của liệt sỹ không biết lưu lạc nơi đâu trong vùng đất xa xôi, để đưa về quê nhà vẫn luôn canh cánh khôn nguôi trong lòng.
Quả nhiên, trời đã không phụ lòng người, được sự hướng dẫn, giúp đỡ tận tình, trách nhiệm của các cơ quan chức năng, của đơn vị, đồng đội của liệt sỹ Nguyễn Thanh Tùng, sau nhiều năm tìm kiếm thông tin, mòn mỏi đợi chờ, nơi an nghỉ của liệt sỹ Nguyễn Thanh Tùng tại nghĩa trang liệt sỹ Hương Điền đã chính thức được thông báo cho bà Nguyễn Thị Liễu. Song với điều kiện hiện tại đã bước vào tuổi bát thập, sức khỏe yếu, với mức lương hưu được hưởng từ thời bao cấp và số tiền tuất hàng tháng của chồng, cuộc sống sinh hoạt của bà Nguyễn Thị Liễu cũng chỉ được gọi là tạm đủ ăn và thờ cúng liệt sỹ chu đáo trong ngôi nhà xây cấp 4 nhỏ nhắn, đơn sơ. Còn việc gia đình tự tổ chức để đón nhận, đưa hài cốt người chồng liệt sỹ trở về quê nhà vẫn mãi mãi chỉ là ước nguyện mà thôi. Niềm động viên, an ủi duy nhất đối với bà Nguyễn Thị Liễu khi được biết phần mộ liệt sỹ Nguyễn Thanh Tùng và muôn vàn các hương hồn liệt sỹ khác luôn nhận được sự thành kính, trông nom, chăm sóc hương khói, chu đáo của các cơ quan, tổ chức đoàn thể, chính quyền, bà con nhân dân địa phương nơi liệt sỹ đang an nghỉ.
Trước những tâm tư tình cảm, ý nguyện của vợ liệt sỹ Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Yên Bái Đồng Quang Hưng rất thấu hiểu, thông cảm sâu sắc. Ông Đồng Quang Hưng đã quyết định Hội sẽ đứng ra vận động, tìm nguồn hỗ trợ kinh phí, phương tiện để giúp bà Nguyễn Thị Liễu thực hiện được ước nguyện của mình trong những năm cuối đời. Được sự đồng hành của Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại Sơn Hòa; sự quan tâm, phối hợp, tạo điều kiện trong việc hoàn thiện các giấy tờ, thủ tục hành chính của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương của 2 tỉnh Yên Bái và Quảng Trị, đặc biệt là cơ quan Thanh tra và cá nhân Chánh Thanh tra huyện Phong Điền Nguyễn Văn Xảo (người có bố đẻ và 6 người thân trong gia đình là liệt sỹ, có hai người là Mẹ Việt Nam anh hùng), đã cùng tham gia các hoạt động của Đoàn với sự tận tâm, nhiệt tình, trách nhiệm, thủ tục và các công việc tiếp theo để nhận đón, đưa hài cốt liệt sỹ đã được hoàn tất.
Sau hơn nửa thế kỷ xa quê hương, vượt chặng đường dài hơn 800km, hài cốt liệt sỹ Nguyễn Thanh Tùng đã được đưa về an toàn với gia đình vào hồi 14h30 phút ngày 12/7, trong niềm vui sướng, hạnh phúc của gia đình, họ hàng; cùng với đó là sự đón nhận thành kính, trang nghiêm của Đảng ủy, chính quyền, đoàn thể và đông đảo bà con nhân dân thôn Phai Tung, xã Đại Minh, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
Lễ đón nhận, lễ viếng và truy điệu liệt sỹ Nguyễn Thanh Tùng đã được UBND xã Đại Minh tổ chức trang trọng, thành kính vào hồi 13h30, ngày 13/7 trước sự chứng kiến Đảng ủy, chính quyền và nhân dân địa phương. Liệt sỹ Nguyễn Thanh Tùng được an táng tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện Yên Bình.
Một điều rất đáng quý và trân trọng, trên đường đưa hài cốt liệt sỹ trở về, ở những nơi Đoàn công tác dừng nghỉ, đều nhận được sự thành kính, tình cảm chân thành của những người dân sở tại đối với anh linh liệt sỹ. Đặc biệt, gia đình cựu chiến binh, Đại úy Lê Quốc Sáu và Thiếu tá Trần Thị Lan (Chi hội 13, Tổ 17, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội) là chủ Khách sạn Lan Sáu (ở thôn Quang Trung, xã Hải Tiến, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa) khi biết Đoàn khách dừng nghỉ ở khách sạn đang thực hiện nhiệm vụ đưa đón hài cốt liệt sỹ, đã miễn toàn bộ tiền ngủ, chi phí tại khách sạn và trân trọng gửi gia đình liệt sỹ 1.000.000 đồng cùng với lời nhắn gửi giản dị, chân thành, để gia đình sửa soạn mâm cơm thắp hương anh linh liệt sỹ. Đồng thời, Đại úy Lê Quốc Sáu mong muốn, từ nay, mỗi khi Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Yên Bái tổ chức đưa đón hài cốt liệt sỹ, nếu qua đây, Khách sạn Lan Sáu sẽ là điểm tiếp đón Đoàn công tác và hài cốt liệt sỹ dừng nghỉ.
Có thể khẳng định, những việc làm hỗ trợ nắm bắt thông tin, tìm kiếm, đưa đón hài cốt liệt sỹ trở về với quê hương, về với người thân gia đình của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Yên Bái và của các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp phối hợp, đồng hành là một việc làm mang đậm nét nhân văn sâu sắc khi đem lại niềm vui, hạnh phúc cho thân nhân các gia đình liệt sỹ. Đây cũng là việc làm có ý nghĩa, truyền cảm hứng truyền cảm mạnh mẽ đạo lý “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, vừa mang tính giáo dục tư tưởng chính trị sâu sắc đối với các tầng lớp nhân dân và thế hệ trẻ, giữ vững truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đời đời biết ơn các thế hệ cha anh đã anh dũng hy sinh quên mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc của nhân dân.
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Yên Bái trao tặng xe lăn cho thương binh Đồng Văn Đức ở tổ 3, thị trấn Yên Bình. |
Ngay sau lễ an táng hài cốt liệt sỹ Nguyễn Thanh Tùng, buổi chiều cùng ngày, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh Yên Bái đã tổ chức trao tặng xe lăn cho ông Đồng Văn Đức, 65 tuổi, thương binh 1/4 ở tổ 3 thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.
Ngọc Giang Sơn
Theo