(Xây dựng) – Là khu vực sở hữu nhiều xung lực về tự nhiên, tiềm năng kinh tế, thương mại và du lịch, Vùng duyên hải Bắc bộ là vùng có các tỉnh thành đang trong thời kỳ đầu tư phát triển về kinh tế, công nghiệp, có tốc độ đô thị hóa cao và được đánh giá là có nhiều tiềm năng khai thác kinh doanh, thương mại và dịch vụ.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng). |
Duyên Hải Bắc Bộ: Đã có đủ xung lực
Theo báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), năm 2021, hầu hết các dự án bất động sản trên cả nước đều đã phải dừng xây dựng thi công vì Chỉ thị giãn cách và việc đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, thiết bị. Nhiều dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư cũng không thể triển khai khiến nguồn cung trên thị trường vốn dĩ đã thiếu hụt càng không có cơ hội để cải thiện. Trong đó, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng được xem là phân khúc chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất khi gần như bị “đóng băng” trong suốt hai năm qua.
Cho đến nay, khi mọi hoạt động được trở lại bình thường, xung lực thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã được lộ rõ ở từng vùng, đặc biệt Vùng duyên hải Bắc bộ, nơi sở hữu về tài nguyên thiên nhiên, tiềm năng kinh tế, thương mại và du lịch. Các tỉnh thành nơi đây đang trong thời kỳ đầu tư phát triển về kinh tế, công nghiệp, có tốc độ đô thị hóa cao.
Tại Hội thảo “Xung lực thị trường bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng Vùng duyên hải Bắc bộ”, chương trình với sự tham dự của các chuyên gia, nhà quản lý đã nhận định, đây là khu vực sở hữu nhiều xung lực về tự nhiên, tiềm năng kinh tế, thương mại và du lịch. Đây là khu vực có các tỉnh thành đang trong thời kỳ đầu tư phát triển về kinh tế, công nghiệp, có tốc độ đô thị hóa cao và được đánh giá là có tiềm năng khai thác kinh doanh, thương mại và du lịch. Vì vậy, thị trường bất động sản Vùng duyên hải Bắc bộ vẫn diễn ra sôi động dù dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trong thời gian qua.
PGS. TS Trần Đình Thiên nhận định, những lợi thế của Vùng duyên hải Bắc bộ thì không có gì phải bàn cãi, song điều tôi muốn nhấn mạnh là cơ sở hạ tầng nơi đây đang ngày càng đồng bộ, không ngừng được đầu tư, hiện đại. Đơn cử như Quảng Ninh, Hải Phòng… |
Chia sẻ tại Hội thảo, PGS. TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhìn nhận, Vùng duyên hải Bắc bộ là một khu vực sở hữu nhiều lợi thế phát triển. Trong đó nổi bật là lợi thế cho sự phát triển bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng. Ở đây có sự kết hợp hài hoà của nhiều yếu tố như vị trí địa lý, cảnh quan tự nhiên, văn hoá, lịch sử, hạ tầng giao thông.
“Sự phát triển về hạ tầng, giao thông đang là lực đẩy lớn nhất cho việc kết nối các vùng miền trong cả nước, giúp thu hút đông đảo khách du lịch nội địa và quốc tế”, PGS. TS Trần Đình Thiên đánh giá.
Quảng Ninh: Bức tranh sáng đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng du lịch
Vùng duyên hải Bắc bộ với năm tỉnh/thành phố ven biển là Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình đang là điểm sáng của phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng với những lợi thế không thể phủ nhận về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa địa phương, cơ sở hạ tầng cùng các chính sách thu hút đầu tư.
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS, Quảng Ninh là địa phương nổi bật trong mảng bất động sản bất động sản du lịch nghỉ dưỡng với gần 17.200 sản phẩm. Với các tuyến đường cao tốc, du khách chỉ cần chưa đến 2 tiếng để đi từ trung tâm Hà Nội đến Quảng Ninh. Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng được đánh giá là tam giác kinh tế năng động và nổi bật của nước ta. Với bề dày văn hóa lịch sử cùng cảnh quan thiên nhiên được ưu đãi, du khách có thể tìm thấy nhiều hình thức du lịch hấp dẫn như du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh, du lịch văn hóa… Quảng Ninh vẫn còn dư địa để phát triển ngành Du lịch cũng như mảng bất động sản du lịch trong tương lai gần.
Nói đến các lợi thế của Quảng Ninh, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhìn nhận, trong khu vực Duyên hải Bắc Bộ thì không có địa phương nào sánh được Quảng Ninh. Nơi đây hội tụ đủ mọi yếu tố giúp thị trường du lịch không chỉ phục hồi mà còn dễ dàng “cất cánh” trong năm 2022.
Cụ thể, nhận thức của các cấp chính quyền về phát triển du lịch nơi đây đã có sự thay đổi lớn. Bởi các chính sách được ban hành đều hướng vào trọng tâm phát triển du lịch, tạo mọi điều kiện cho du lịch phát triển. Thứ hai là chương trình phát triển du lịch của tỉnh Quảng Ninh luôn mang tính định hướng cao, rõ ràng. Ví dụ như cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được đưa vào chiến lược phát triển quốc gia. Thứ ba là tính liên kết vùng trong du lịch. Làm du lịch không đơn giản nghỉ dưỡng mà phải gắn với tiêu thụ nông sản của địa phương. Và điều này Quảng Ninh đang làm rất tốt. “Tôi cho rằng, Quảng Ninh là một điểm cạnh tranh mang đẳng cấp quốc tế chứ không còn trong khuôn khổ Việt Nam”, ông Khởi nhận định.
Khu đô thị du lịch biển Quảng Ninh kết hợp thương mại, dịch vụ với du lịch sinh thái. |
Trong thời gian tới, các quy định pháp luật liên quan đến kinh doanh bất động sản du lịch nghỉ dưỡng sẽ được sửa đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thị trường đặc thù này. Ông Khởi hy vọng Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nhận được những đóng góp có giá trị từ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, các tổ chức nghề nghiệp, các cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên cả nước.
Kiến Tài
Theo