Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ về cơ chế, chính sách đặc thù bảo tồn, phát triển, phát huy giá trị Di sản Văn hóa Thế giới đô thị cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Một góc khu phố cổ Hội An.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 1318 ngày 18/2/2019 thông báo ký kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, theo đó giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan khẩn trương xem xét các đề xuất của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam tại văn bản số 4216; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các cơ chế, chính sách cụ thể, khả thi và hình thức văn bản ban hành để thực hiện được nhiệm vụ bảo tồn, phát triển, phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới đô thị cổ Hội An.
Ngày 22/3/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản xin ý kiến các bộ ngành liên quan về đề án của tỉnh Quảng Nam. Đến cuối tháng 4/2019, các bộ ngành như Tài chính; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường đã gửi văn bản góp ý nhưng mãi đến cuối tháng 8/2019 Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ bản ý kiến của bộ mình cũng như ý kiến tổng hợp của các bộ liên quan.
Liên quan đến đề án cơ chế, chính sách đặc thù bảo tồn, phát triển, phát huy giá trị Di sản Văn hóa Thế giới đô thị cổ Hội An của tỉnh Quảng Nam với hàng loạt cơ chế đặc thù được đề nghị, trong đó đáng chú ý là đề nghị được hỗ trợ vay không lãi suất có thời hạn hoặc hỗ trợ lãi suất sau đầu tư đối với các hộ nông dân thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội.
Với đề nghị này, Bộ Tài chính cho rằng, đề án của UBND tỉnh Quảng Nam chưa đề cập cụ thể cơ chế hỗ trợ vay vốn không lãi suất hoặc hỗ trợ lãi suất sau đầu tư thông qua tổ chức tín dụng nào, tuy nhiên, trong phạm vi, lĩnh vực quản lý, Bộ Tài chính đề nghị không triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi thông qua hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội.
Lý do đây là ngân hàng chính sách của Nhà nước được Chính phủ thành lập với mục tiêu thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội của nhà nước; đối tượng vay vốn là các đối tượng chính sách, chủ yếu là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn,… Lãi suất vay vốn thấp nhất của Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng đối với các đối tượng chính sách nêu trên hiện nay cũng đã là 3%/năm và chủ yếu là từ 6,6%/năm trở lên.
Do đó, theo Bộ Tài chính, việc bổ sung đối tượng là các hộ dân (không phải đối tượng hộ nghèo hay đối tượng chính sách) được vay vốn lãi suất 0% sẽ dẫn đến không công bằng, không phù hợp về mặt chính sách và mục tiêu hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, xu hướng ngày càng có nhiều văn bản liên quan đến chính sách tín dụng ưu đãi được giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện, điều này chưa thực sự phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực tài chính và khả năng quản trị, điều hành dễ gây rủi ro đối với hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội, khi chính sách được ban hành đã gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Ngân sách nhà nước luôn bị áp lực và bị động trong việc bố trí nguồn lực để thực hiện các chương trình.
Ngoài ra nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn hiện nay còn chưa đảm bảo để đáp ứng cho nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách hiện hành, vì vậy việc ban hành thêm chính sách tín dụng ưu đãi mới thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn hiện nay theo Bộ Tài chính là chưa thực sự phù hợp.
Một trong những đề nghị đáng chú ý khác là được để lại nguồn thu phí tham quan tại Hội An cho tỉnh Quảng Nam, không tính vào cân đối ngân sách địa phương để phục vụ chi phí quản lý, đầu tư tu bổ các di tích xuống cấp trong đô thị cổ Hội An. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, theo Luật Ngân sách Nhà nước, các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật được tổng hợp đầy đủ vào cân đối ngân sách nhà nước, theo nguyên tắc không gắn với nhiệm vụ chi cụ thể.
Ngoài ra, theo Luật Phí, lệ phí, thì phí thu từ các hoạt hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện phải nộp vào ngân sách nhà nước trong trường hợp cơ quan nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí thì được khấu trừ, phần còn lại nộp ngân sách nhà nước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, như vậy, đối với khoản thu phí tham quan, sau khi khấu trừ chi phí hoạt động được khoán, phần còn lại nộp ngân sách nhà nước theo quy định. Do vậy, bộ này đề nghị Quảng Nam căn cứ dự toán thu, chi ngân sách địa phương trình HĐND cấp tỉnh quyết định, ưu tiên bố trí ngân sách để thực hiện nhiệm vụ đầu tư, tôn tạo, sửa chữa khu phố cổ Hội An.
Theo Lan Ca/VnEconomy.vn