(Xây dựng) – Theo định hướng Quy hoạch chung đô thị Hà Giang đến năm 2035, thành phố Hà Giang trong tương lai trở thành đô thị loại II với vai trò là trung tâm cấp Vùng. Trong quá trình phát triển kinh tế, vươn lên trở thành một đô thị đầu mối du lịch có tầm vóc quốc gia – quốc tế, nhiều thay đổi cục bộ đã diễn ra, nhiều khu chức năng có nhu cầu phát triển mới.
Theo định hướng Quy hoạch chung đô thị Hà Giang đến năm 2035, Hà Giang sẽ trở thành Đô thị loại II với vai trò là trung tâm cấp Vùng |
Tuy nhiên, trên thực tế, các đô thị ở giai đoạn này bên cạnh những thành tựu to lớn cũng tiềm ẩn những rủi ro khó lường. Những năm qua, Hà Giang phát triển đô thị sang phía Tây đường Quốc lộ 2, đồng thời trong tương lai thành phố sẽ sớm có đột phá về liên kết vùng khi có kết nối với cao tốc đi Hà Nội, Lào Cai. Những yếu tố này thuận lợi cho phát triển kinh tế nhưng đồng thời có nguy cơ dẫn đến đô thị dàn trải, thậm chí phá vỡ không gian làng bản truyền thống. Sự mâu thuẫn giữa bảo tồn giá trị đặc trưng, cảnh quan thiên nhiên với phát triển đô thị cần thiết phải được cân bằng ngay trong giai đoạn này.
Bài học kinh nghiệm của các đô thị lớn trong nước và quốc tế cho thấy: Vào giai đoạn phát triển nóng, nếu thiếu những công cụ quản lý đô thị hiệu quả, kiểm soát sự phát triển của các dự án xây dựng, sẽ để lại rất nhiều hậu quả đến diện mạo đô thị, chất lượng cuộc sống của người dân cũng như môi trường đô thị. Các nhà nghiên cứu đã nhận định, giai đoạn các đô thị tăng tốc công nghiệp hóa, đô thị hóa cũng là thời điểm sinh ra hàng loạt công trình trở thành ứ tồn đô thị, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển bền vững. Điều này dẫn tới việc đô thị mất dần bản sắc, môi trường sống thiếu đi tính nhân văn, đồng thời suy giảm khả năng tự phục hồi trước thiên tai và biến đổi khí hậu đang ngày càng gia tăng trên toàn thế giới.
Nhận định được vai trò quan trọng đó, Quốc hội đã ban hành Luật Kiến Trúc số 40/2019/QH14 với nhiều đổi mới trong việc nâng cao chất lượng kiến trúc các địa phương, đồng thời cũng nhấn mạnh đến chiến lược phát huy bản sắc vùng miền, bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu và các chiến lược hướng tới sự phát triển bền vững. Nghị định 85/2020/NĐ-CP ban hành ngày 17/07/2020 về Quy định một số điều của Luật Kiến Trúc đã cụ thể hóa những định hướng nêu trên trong các yêu cầu về nội dung của Quy chế quản lý kiến trúc.
Do đó, việc tiến hành nghiên cứu và xác định giá trị đặc thù, ban hành những quy chế hướng dẫn và quản lý kiến trúc để làm cơ sở cho việc bảo tồn và phát triển đô thị là hết sức cần thiết, đặc biệt đối với một đô thị mang trong mình nhiều giá trị đặc trưng văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và đang trên đà tăng tốc phát triển như thành phố Hà Giang.
Mục tiêu xây dựng quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Giang
Xây dựng quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Giang sẽ có vai trò: Thứ nhất, cụ thể hóa công tác quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị Hà Giang đô thị Hà Giang đến năm 2035 và các quy hoạch phân khu đã đã được phê duyệt; Thứ hai, xây dựng Quy chế khung làm căn cứ để chính quyền các cấp, các tổ chức, cá nhân thực hiện công tác quản lý, kiểm soát kiến trúc, cấp phép xây dựng, cải tạo, chỉnh trang, xây dựng mới công trình; Làm cơ sở để lập các quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị các không gian, khu vực, tuyến đường đặc thù trong phạm vi ranh giới đề xuất;
Thứ ba, đáp ứng đồng thời việc bảo tồn, phát huy giá trị các công trình kiến trúc có giá trị, bảo vệ cảnh quan, bản sắc văn hóa và yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của thị xã, phấn đấu xây dựng thành phố Hà Giang là đô thị văn minh, hiện đại, phát triển bền vững theo đúng tầm nhìn của đồ án.
Các công trình cần hòa hợp với thiên nhiên và giữ được nét văn hóa bản địa |
Một số định hướng về quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Giang
Phân vùng kiểm soát không gian kiến trúc cảnh quan
Hiện nay, nhiều địa phương và đơn vị tư vấn chưa nhận định được rõ sự khác biệt giữa Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc và Quy chế quản lý kiến trúc. Sự khác biệt này thể hiện căn bản nhất là cơ sở pháp lý. Trước đây, Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc được thực hiện với hai cơ sở pháp lý chính là: Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 ngày 17/6/2009 và Nghị định số 38/2010/NĐ-CP ngày 07/04/2010 của Chính phủ về quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị. Do đó, QCQLQHKT tuân thủ theo các quy hoạch liên quan. Đối với quy chế quản lý kiến trúc, Luật Kiến trúc 2019 số 40/2019/QH14 và Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2021 là 2 văn bản quan trọng nhất cần tuân thủ. Các quy hoạch liên quan là các cơ sở tham khảo cần thiết, có thể thống nhất ở những định hướng và chỉ tiêu quan trọng.
Đối với trường hợp thành phố Hà Giang, Quy hoạch chung đô thị Hà Giang đến năm 2035 được thực hiện trên phạm vi gồm: địa giới hành chính TP Hà Giang và khu vực mở rộng. Tuy nhiên, Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Giang chỉ lập cho thành phố Hà Giang hiện nay (chưa lập cho khu vực mở rộng). Phân khu 6 và một phần phân khu 5, phân khu 9 không nằm trong phạm vi lập quy chế.
Tham khảo quy hoạch phân khu chức năng và đặc điểm kiến trúc để phân vùng, đưa ra định hướng kiến trúc cho từng khu vực, kèm theo bản đồ phân vùng để giúp cho công tác quản lý kiến trúc đô thị Hà Giang phù hợp với thực tiễn và tạo động lực phát triển. Đối với đô thị Hà Giang, có 3 khu vực cần được phân định và có cơ chế quản lý phù hợp:
Khu vực đô thị hiện hữu dọc bờ sông Lô
Cho phép tăng mật độ xây dựng của khu, đồng thời giới hạn chiều cao và bảo vệ các khu không gian chưa xây dựng nằm giữa các cụm nhà, cải thiện chất lượng và sự hài hoà về kiến trúc của các mặt đứng công trình. Đối với khu phố hành chính, tiếp tục đô thị hoá đồng thời chú ý nhiều đến cây xanh cho khu vực công cộng bên ngoài công trình.
Các khu vực đô thị mở rộng
Phát triển khu ở mới, khu phố với mật độ tương đương với khu trung tâm, bố trí các công trình công cộng lớn, khu chợ… Tuy nhiên, dành ra các quỹ không gian công cộng, để thoáng nhằm tạo thuận lợi và tạo ra sự thoải mái cho cuộc sống đô thị. Hài hòa giữa không gian xây dựng và không gian cây xanh, không gian mở.
Các khu vực vành đai sinh thái
Ưu tiên xây dựng các công trình dưới 5 tầng có vườn. Tôn trọng địa hình, ưu tiên bố trí song song với sườn dốc. Khu vực này cần được lưu ý vì tầm nhìn do các công trình xây dựng đem lại cho phép ngắm nhìn được phong cảnh xung quanh. Kiểm soát mật độ xây dựng, cho phép xây dựng nhà rải rác và hoà nhập với phong cảnh, tăng cường nhà có vườn hoa, vườn cây.
Nguyên tắc quản lý kiến trúc trong đô thị
Xác định các yêu cầu về chất lượng tổng thể cho khu đô thị hiện hữu, cũng như cho các khu mở rộng với mục đích phát triển đô thị nhưng không gây hại tới các di sản và tới cảnh quan thiên nhiên.
Phân tách khu trung tâm và các khu ngoại vi theo những đặc tính nhằm thiết lập một quy chế đô thị làm tăng cường các giá trị đô thị, kiến trúc và phong cảnh cho từng khu.
Chế ngự và hạn chế sự phát triển các nhà ống làm phá vỡ cảnh quan của các trục đường và các phố của khu trung tâm hiện hữu. Tăng cường nhà vườn tại các khu vực sinh thái, đảm bảo cân bằng giữa không gian đặc và rỗng trong khu vực phát triển đô thị. Gìn giữ cấu trúc toàn thể của phong cảnh và bảo vệ các khu tự nhiên.
Hoạch định các ưu tiên cho phát triển đô thị theo thời gian, nhất là việc làm đẹp khu trung tâm và hoàn chỉnh phong cách kiến trúc cho khu phố. Ngăn chặn các hoạt động mở rộng đô thị tự phát, nhưng cho phép mở rộng dần dần, trên cơ sở tuân thủ các quy định về mở rộng đô thị; xác định và bảo vệ quỹ đất dự phòng cho việc đô thị hoá trong tương lai.
Xác định tính chất, chức năng đô thị
Đô thị tỉnh lỵ tỉnh Hà Giang, trung tâm hành chính, văn hóa, thể dục thể thao, giáo dục đào tạo, y tế, khoa học kỹ thuật, chế biến công nghệ cao tỉnh Hà Giang. Trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch, đầu mối giao lưu, liên kết, thúc đẩy: Khu Kinh tế cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy, Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn và các khu vực khác của tỉnh Hà Giang nói riêng, vùng Trung du và miền núi phía Bắc nói chung phát triển kinh tế – xã hội gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng.
Là đô thị xanh với các giá trị sinh thái, kiến trúc, văn hóa được bảo tồn và phát huy bền vững. Các tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đáp ứng yêu cầu Đô thị loại II, đến năm 2035 thành phố Hà Giang trở thành Thành phố du lịch.
Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Giang cần đáp ứng đồng thời việc bảo tồn, phát huy giá trị các công trình kiến trúc có giá trị |
Một số điểm mới trong Quy chế quản lý kiến trúc
Quy định về khu vực cần thiết kế đô thị riêng: trên các tuyến đường chính, liên khu vực, đường chính khu vực, khu vực điểm nhấn, cảnh quan nổi trội. Quy định về việc bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc: quy định thiết kế phù hợp với điều kiện tự nhiên, phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán đồng thời khai thác hình thái kiến trúc đặc trưng, kỹ thuật xây dựng và vật liệu xây dựng truyền thống địa phương…
Quy định quản lý các công trình kiến trúc đặc trưng: quy định về các công trình cần tổ chức thi tuyển kiến trúc; quy định về hội đồng chấm thi tuyển kiến trúc; quy định về hội đồng đánh giá công trình kiến trúc có giá trị; tiêu chí chấm điểm công trình kiến trúc có giá trị…
Quy định quản lý các loại hình công trình khác: các quy định nêu lên yêu cầu bắt buộc, khuyến khích đối với hình thức kiến trúc, kiểu mái, màu sơn, việc sử dụng vật liệu xây dựng hiệu quả, khoảng lùi, mối tương quan với cây xanh và các kiến trúc đô thị khác, thành phần kiến trúc nhô ra… và các giải pháp tiết kiệm năng lượng, kiến trúc bền vững khác.
Quy định chung đối với công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông toàn đô thị như: đường, hè phố, cây xanh đô thị; công trình tiện ích đô thị; biển quảng cáo; công trình kỹ thuật hạ tầng tiêu biểu khác. Quy định chung đối với các khu vực không gian mở như: quảng trường; khu vực ven song; khu vực cây xanh, mặt nước.
Ngoài ra, còn lập các quy định khác về: kiến trúc phòng chống thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu; quy định quản lý các công trình kiến trúc công cộng; quy định quản lý các công trình kiến trúc công nghiệp; quy định quản lý các công trình nhà ở; các quy định về khen thưởng và xử lý vi phạm.
Quy định cụ thể cho các khu đặc thù và công trình kiến trúc có giá trị
Một trong những điểm nổi bật nhất trong Quy chế quản lý kiến trúc là quy định cho các khu đặc thù và quy định cho công trình kiến trúc có giá trị.
Khu vực đặc thù
Các khu vực có ý nghĩa quan trọng về cảnh quan gồm: Sông Lô, Sông Miện; Núi Cấm, núi Hàm Hổ, núi Mỏ Neo… Các trục đường chính, các tuyến đi bộ và các trục đường có tính chất đặc biệt quan trọng về hành chính, thương mại, du lịch:
Các trục đường chính gồm: Đường Nguyễn Trãi; Đường Lý Thường Kiệt; Đường Nguyễn Văn Linh; Đường Nguyễn Thái Học; Đường Trần Phú; Đường Lý Tự Trọng; Đường Minh Khai; Đường Trần Hưng Đạo; Đường 20/8; Đường 19/5; Đường Hữu Nghị (Đường đôi Cầu Mè – Công viên nước Hà Phương).
Các tuyến đi bộ: đường dọc 2 bờ kè Sông Lô, Sông Miện: Các trục đường có tính chất đặc biệt quan trọng về hành chính, thương mại, du lịch: Đường Nguyễn Trãi; Đường Nguyễn Văn Linh; Đường Lý Thường Kiệt; Đường Trần Hưng Đạo; Đường Nguyễn Thái Học; Đường Trần Phú; Đường Hữu Nghị (Đường đôi Cầu Mè – Công viên nước Hà Phương).
Các khu vực di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo tồn như: Quảng trường 26/3, đầu đường Hạnh Phúc, Đền Mẫu, Khu di chỉ Đồi Thông; Các làng đã được phê duyệt Đề án Xây dựng làng văn hóa du lịch tiêu biểu.
Quy định cụ thể cho các khu đặc thù
Ngoài những quy định chung phải tuân thủ, một số khu vực đã thưc hiện quy hoạch phân khu có những đặc điểm, sắc thái kiến trúc cần được quy định quản lý riêng về các vấn đề sau: Phạm vi khu vực và đặc điểm khu vực; Quy định về sử dụng đất, quy định về kích thức lô đất; Định hướng kiến trúc khu vực: hình thái kiến trúc, xu hướng kiến trúc, công trình điểm nhấn, các thông số kiên trúc quy hoạch liên quan; Quy định quản lý kiến trúc trên các tuyến phố chính và trục cảnh quan; Quy định cho các công trình tiêu biểu trong khu vực: màu sắc, vật liệu, chiều cao tầng, yêu cầu về mặt đứng, mái, tầng 1 công trình.
Quy định với các công trình kiến trúc có giá trị
Đối với các công trình kiến trúc có giá trị, cần quy định về việc gìn giữ, sửa chữa, cải tạo, việc xây mới các hạng mục công trình trong khuôn viên; Quy định về thiết kế cây xanh, cảnh quan trong khuôn viên.
Một số kiến nghị
Luật Kiến trúc được ban hành năm 2019, Nghị định 85 ban hành năm 2020 và Thông tư 08/2021/TT-BXD Hướng dẫn phương pháp xác định chi phí lập và tổ chức thực hiện quy chế quản lý kiến trúc do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành cuối năm 2021. Do vậy, khoảng đầu năm 2022, các địa phương chuẩn bị các thủ tục cần thiết cho việc lập quy chế, nên không tránh khỏi những bất cập. Quy chế này, ảnh hưởng trực tiếp đế công tác quản lý kiên trúc đô thị và nông thôn, đặc biệt trong việc cấp phép xây dựng. Thông qua việc lập Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hà Giang, tác giả đưa ra một số kiến nghị để quy chế này sát với thực tiễn địa phương.
Thực hiện nghiên cứu khoa học về thực trạng, đặc điểm không gian cảnh quan, kiến trúc, văn hóa và quản lý đô thị, nông thôn tại địa phương đó. Thực hiên nghiên cứu này từ nguồn khoa học công nghệ địa phương. Điều này giúp cho tư vấn và cán bộ địa phương tìm được những điểm chung trong quan điểm xây dựng QCQLKT, đồng thời cũng giúp cho tư vấn hiểu được địa bàn một cách bài bản, thấu đáo.
Thực hiện khảo sát, lập hồ sơ và phê duyệt danh sách các công trình kiến trúc có giá trị (bao gồm những công trình di sản, di tích đã được công nhận và những công trình kiến trúc mới có giá trị). Đây là một nội dung quan trọng mà khung quy chế do Bộ Xây dựng hướng dẫn đã dành một chương (Chương III) cho các điều khoản. Tuy nhiên, hiện nay rất hiếm địa phương thực hiện nội dung này.
Trong quá trình lập Quy chế quản lý kiến trúc, đơn vị có trách nhiệm quản lý kiến trúc, không gian cảnh quan của địa phương cần bám sát và đưa ra nhiệm vụ cụ thể với tư vấn, không nên phụ thuộc hoàn toàn vào tư vấn. Vì vướng mắt và nhu cầu của địa phương thì những đơn vị chuyên trách sẽ là người hiểu rõ nhất, cần đưa ra những yêu cầu cụ thể phù hợp với thực trạng địa bàn mình quản lý.
ThS.KTS Lê Thị Lan Phương
Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng)
Theo