Thứ tư 19/02/2025 04:51 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận: Đảm bảo an ninh năng lượng

18:26 | 17/02/2025

(Xây dựng) – Sáng 17/2, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về dự thảo Nghị quyết liên quan đến các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy việc đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Việc tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được xem là một bước đi chiến lược trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và thực hiện các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính.

Xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận: Đảm bảo an ninh năng lượng
Ảnh minh họa.

Dự thảo Nghị quyết nêu rõ, việc phát triển điện hạt nhân không chỉ giúp Việt Nam bảo đảm nguồn cung điện ổn định, mà còn là cú hích quan trọng để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động kỹ thuật cao và thu hút đầu tư nước ngoài. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp cận và làm chủ công nghệ hạt nhân tiên tiến, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển khoa học - công nghệ trong tương lai.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung làm rõ các khía cạnh về cơ sở pháp lý, tính khả thi và hiệu quả của các chính sách đặc thù được đề xuất. Các ý kiến đều nhấn mạnh sự cần thiết của điện hạt nhân trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, đồng thời đề xuất tiếp tục rà soát kỹ lưỡng để bảo đảm dự án được triển khai một cách hiệu quả, an toàn và minh bạch.

Trong đó, đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cho rằng, bên cạnh những lợi ích tiềm năng, tích cực, dự án điện hạt nhân đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức cần được xem xét cẩn trọng, cụ thể như tài chính, công nghệ, an toàn môi trường xã hội, địa chính trị.

Đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ, đánh giá toàn diện các rủi ro, có sự chuẩn bị thật kỹ lưỡng về mọi mặt, có chính sách quản lý và giải pháp trước mắt lẫn lâu dài đảm bảo chặt chẽ, minh bạch, hiệu quả và bền vững…

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết, điện hạt nhân Ninh Thuận là dự án điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam, với tiến độ đã được thông qua thì phải có chính sách đặc thù mới đảm bảo tiến độ.

Theo đại biểu Tú Anh, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, ủng hộ của người dân và các chính sách đặc thù được Quốc hội thông qua thì mục tiêu xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm là hoàn toàn khả thi…

Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, dự án điện hạt nhân có công nghệ phức tạp, chỉ một số ít quốc gia sở hữu và nhu cầu vốn đầu tư rất lớn… Thông thường, trên thế giới, để hoàn thành đầu tư một dự án điện hạt nhân có quy mô tương tự, thời gian từ khi phê duyệt đầu tư đến khi vận hành khoảng trên 10 năm, dự án có tiến độ nhanh nhất khoảng 7 – 8 năm.

Do tính chất phức tạp của dự án điện hạt nhân và lần đầu tiên được xây dựng tại nước ta nên để hoàn thành dự án trong năm 2030 – 2031, rất cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thực hiện…

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết, trong quá trình triển khai dự án, nếu phát sinh các vấn đề mới hoặc phải sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách này, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Linh Đan

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load