Thứ năm 20/02/2025 09:52 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Dự án điện hạt nhân: Cần có cơ chế, chính sách đặc thù để "về đích" đúng hẹn

14:14 | 17/02/2025

Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng nhằm đảm bảo tiến độ cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Dự án điện hạt nhân: Cần có cơ chế, chính sách đặc thù để
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh - ông Trần Quốc Nam nhấn mạnh Ninh Thuận đã sẵn sàng phát triển thành một "trung tâm năng lượng sạch." (Ảnh: TTXVN)

Sáng 17/2, Quốc hội khóa XV đã tiến hành thảo luận tại hội trường về "Các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận," trong khuôn khổ Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9.

Việc tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được xem là một bước đi chiến lược trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và thực hiện các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính.

Cơ chế đặc thù: "Chìa khóa" để đạt tiến độ

Tại phiên thảo luận, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh, bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và các ban, Bộ, ngành Trung ương đã luôn quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ tỉnh trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội. Ông nhấn mạnh từ một tỉnh thuộc nhóm khó khăn nhất cả nước, Ninh Thuận đã có những bước tiến vượt bậc, với thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ 4.000 USD/năm và GDP tăng trung bình 9%/năm trong giai đoạn 2021-2024.

"Trong đó, năng lượng tái tạo với công suất trên 3.700 MW của Ninh Thuận đang đứng đầu cả nước, tạo ra một động lực mới, niềm tin mới để tỉnh tiếp tục phát triển nhanh và bền vững. Thành quả này tiếp thêm một năng lực mới, tạo đột phá không chỉ cho tỉnh Ninh Thuận mà cho cả nước. Đó là Trung ương và Quốc hội đã quyết định tiếp tục tái khởi động nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận," ông Nam khẳng định.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cũng nhấn mạnh đây là một vinh dự lớn lao để Ninh Thuận trở thành một trung tâm năng lượng, năng lượng sạch của cả nước. Ông cho biết Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Thuận luôn sẵn sàng tâm thế để triển khai dự án, sau hơn 15 năm kể từ khi có nghị quyết 41 của Quốc hội khóa 12 năm 2009 về đầu tư hai nhà máy điện hạt nhân.

Ông Nam chia sẻ: "15 năm qua, nhân dân vùng lõi của dự án với hơn 1.300 hộ và trên 5.000 nhân khẩu đang chờ đợi sẵn sàng bàn giao mặt bằng nhà ở, đất sản xuất, sinh kế cho nhà nước để triển khai thực hiện dự án. Hai xã Vĩnh Hải và xã Phước Dinh, nơi có thực hiện nhà máy điện hạt nhân đều là xã Anh hùng qua hai cuộc kháng chiến. Nhân dân đặt trọn niềm tin theo Đảng, theo Bác Hồ, thì ngày nay tiếp tục đóng góp di dời nơi ở, sinh kế lâu đời cho Nhà nước với một mong muốn dự án sẽ được triển khai nhanh hơn và mang lại nguồn năng lượng mới cho đất nước phát triển phồn vinh."

Ông Nam cũng nhấn mạnh nguyện vọng của người dân vùng dự án về một nơi ở mới tốt hơn, đời sống ổn định, ấm no và hạnh phúc, như lời căn dặn của Tổng Bí thư Tô Lâm khi về thăm và làm việc với bà con nhân dân vùng dự án vào đầu tháng 12/2024 sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 174.

Dự án điện hạt nhân: Cần có cơ chế, chính sách đặc thù để
Sáng 17/2, Quốc hội khóa XV đã tiến hành thảo luận tại hội trường về "Các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận." (Ảnh: TTXVN)

Trên cơ sở đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho biết theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng của hai nhà máy phải hoàn thành trong năm 2025 để bàn giao đất sạch cho chủ đầu tư. Tỉnh đã và đang tiến hành các công việc với tinh thần "việc gì làm được thì làm ngay, không chờ đợi," quyết tâm hoàn thành các nhà máy theo chỉ đạo của Trung ương và Thủ tướng Chính phủ.

Để đạt các mục tiêu đề ra, ông Trần Quốc Nam kiến nghị cần có cơ chế chính sách đặc thù và ưu tiên. Điều này là hết sức cần thiết và cấp bách phải được ban hành, đặc biệt là những nội dung liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, vì Luật đất đai 2024 nếu thực hiện theo những quy định hiện hành sẽ khó có thể hoàn thành trong một năm.

"Chúng ta đều tin tưởng rằng việc đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ thật sự an toàn và thành công. Nhân dân tin tưởng tuyệt đối, nhất là bà con vùng dự án, di dời có cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc, tiếp thêm niềm tin, sự lan tỏa để đất nước chúng ta triển khai các dự án tiếp theo. Và,dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cũng là một trong những điển hình để chúng ta thực hiện nghị quyết 57 của Bộ chính trị về đột phá khoa học công nghệ, chuyển đổi đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia," ông Nam nhấn mạnh.

Đồng tình với đề nghị trên, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (đoàn Lâm Đồng) nhấn mạnh công nghệ nhà máy điện hạt nhân công suất lớn, thế hệ 3+ với những tính năng ưu việt và vượt trội về an toàn đã được nhiều quốc gia trên thế giới như Liên bang Nga, Mỹ, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và Canada áp dụng thành công. Tuy nhiên, nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là dự án đầu tiên của Việt Nam và để đảm bảo tiến độ đã được Ban chỉ đạo nhà nước thông qua cần có cơ chế chính sách đặc thù.

Mặt khác, đại biểu Tú Anh cũng đề xuất ba vấn đề về hoàn thiện luật năng lượng nguyên tử; Phát triển nguồn nhân lực và đào tạo; Truyền thông và hỗ trợ người dân vùng dự án

Cụ thể, đại biểu Tú Anh đề nghị khẩn trương xây dựng hoàn thiện Luật năng lượng nguyên tử là một luật chuyên ngành với mục đích tạo hành lang pháp lý nhằm đảm bảo an toàn an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử của quốc gia dựa trên các khuyến cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế-IAEA. Đây là một căn cứ vô cùng quan trọng để ban hành các văn bản quy phạm và hướng dẫn bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân.

Thêm vào đó, đại biểu Tú Anh đề cập số lượng nhân lực cho hai tổ máy với công suất khoảng 1200 MW theo hướng dẫn của IAEA là 1.200 người với chuyên môn (bao gồm từ công nghệ hạt nhân, hệ thống điều khiển thiết bị, kỹ thuật điện, cơ khí, bảo vệ phóng xạ, hóa học, ứng phó sự cố, thủy nhiệt, quản lý thải phóng xạ, quản lý chất lượng, quản lý bảo dưỡng và quản lý phụ tùng thay thế). Do đó, đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển đội ngũ các nhà nghiên cứu, kỹ sư, kỹ thuật viên để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo phát triển bền vững ngành công nghệ điện hạt nhân.

Đặc biệt, bà Tú Anh cũng nhấn mạnh cần làm tốt công tác truyền thông và hỗ trợ tốt nhất cho người dân vùng có dự án để tạo sự đồng thuận trong xã hội, đảm bảo người dân có đời sống tốt hơn khi nhường đất để xây dựng dự án nhà máy điện hạt nhân.

"Tôi tin tưởng rằng với quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng ủng hộ của người dân và với những cơ chế chính sách đặc thù, nếu được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, mục tiêu xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận trong 5 năm là hoàn toàn khả thi," đại biểu Tú Anh khẳng định.

Năm cơ chế "gỡ khó" cho Ninh Thuận

Trước đó tại phiên họp tổ, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (đoàn Ninh Thuận) cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để sớm thực hiện thành công dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Song, đại biểu Mỹ Hương cho rằng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội chưa có cơ chế, chính sách để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, di dời, bồi thường, hỗ trợ thực hiện công tác tái định cư cho người dân ở vùng dự án và thực hiện công tác xây dựng hạ tầng kinh tế xã hội, tổ chức sản xuất, ổn định đời sống cho nhân dân vùng chịu dự án của việc xây dựng nhà máy.

Do đó, đại biểu Hương đề nghị bổ sung năm cơ chế, chính sách tại Khoản 9 Điều 3 của dự thảo Nghị quyết phần giao cho tỉnh Ninh Thuận. Thứ nhất là áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất để xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận ở mức cao theo quy định.

"Nếu không thực hiện ở mức độ cao thì rất khó trong công tác di dời, đền bù cho người dân," bà Hương nói.

Dự án điện hạt nhân: Cần có cơ chế, chính sách đặc thù để
Việc di dời, giải phóng tái định cư cho người dân được Chính phủ giao Ninh Thuận phải tổ chức thực hiện rất gấp rút và phải hoàn thành nhiệm vụ này trong năm 2025. (Ảnh: TTXVN)

Thứ hai là áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi để thực hiện dự án đối với người sử dụng đất chưa có giấy chứng nhận mà đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận như đối tượng người được sử dụng có giấy chứng nhận. Bởi, thực trạng đang tồn tại các đối tượng này và nếu không có chính sách để tháo gỡ thì cũng sẽ rất là khó khăn.

Thứ ba là hỗ trợ đến mức 100% ngân sách đào tạo chuyển đổi nghề và các chính sách an sinh xã hội và tìm kiếm việc làm cho tất cả các hộ gia đình, cá nhân có thu hồi đất triển khai thực hiện dự án điện hạt nhân. Thứ tư là được phép triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư song song với việc điều chỉnh dự án đầu tư dự án di dời, tái định cư của điện hạt nhân tại Ninh Thuận.

Cuối cùng là không phải thực hiện thủ tục, điều chỉnh khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia và thời gian dự trữ khoáng sản quốc gia khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt ban hành trong trường hợp diện tích thực hiện dự án chồng lấn lên khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản.

“Việc di dời, giải phóng tái định cư cho người dân được Chính phủ giao Ninh Thuận phải tổ chức thực hiện rất gấp rút và phải hoàn thành nhiệm vụ này trong năm 2025. Tính từ thời điểm này chỉ còn 10 tháng, do đó cần phải khẩn ban hành chính sách,” bà Hương nói.

Làm rõ phương án xử lý chất thải

Cũng tại phiên thảo luận ở tổ, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) đã nêu vấn đề về xử lý chất thải hạt nhân. Đây là một vấn đề nan giải mà nhiều quốc gia trên thế giới đang đối mặt. Ông đã dẫn chứng thông tin từ Báo Hà Nội mới về việc 58 lò phản ứng của Pháp đã phát thải hơn 1 triệu m3 chất thải trong vòng 40 năm và con số này tăng lên 2 triệu m3 vào năm 2020.

"Các chất thải này tồn tại rất lâu dưới dạng phóng xạ trong ít nhất 30 năm nhưng cũng có thể kéo dài hàng trăm năm. Việt Nam cũng đã có nghiên cứu về phương án xử lý, song tôi cũng đề nghị phải cân nhắc bởi có sự cố thì riêng việc xử lý chất thải này là mấy chục năm và có thể lên đến 100 năm và nếu chôn lấp thì thời gian là bao lâu," đại biểu Nghĩa đặt câu hỏi.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị Chính phủ cần quan tâm thêm đến vấn đề này khi chọn nhà đầu tư và ký kết hợp đồng.

"Vấn đề chất thải nguy hại của điện hạt nhân là một nỗi lo chung của các nước có hạt nhân chứ không phải chỉ riêng Việt Nam và vấn đề này cần nêu ra khi chọn nhà đầu tư và khi ký kết hợp đồng," đại biểu Hoàng nói.

Mặc dù còn nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề an toàn và xử lý chất thải, nhưng các đại biểu Quốc hội đều thống nhất rằng việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới và nhu cầu năng lượng của Việt Nam. Để dự án thành công, theo các đại biểu việc ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp với đặc thù của ngành năng lượng hạt nhân là rất quan trọng./.

Theo Quảng-Hạnh/(Vietnam+)

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load