Thứ sáu 21/02/2025 08:49 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Thời sự /

Quốc hội thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)

16:29 | 19/02/2025

(Xây dựng) - Sáng 19/2, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Theo kết quả biểu quyết, có 459/461 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) có mặt tham gia biểu quyết tán thành với việc thông qua, chiếm tỷ lệ 96,03%.

Quốc hội thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)
Theo kết quả biểu quyết, có 459/461 ĐBQH có mặt tham gia biểu quyết tán thành với việc thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), chiếm tỷ lệ 96,03%. (Ảnh: Quốc hội)

Luật được thông qua có bố cục gồm 9 Chương với 72 Điều quy định về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; nội dung cơ bản về tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Luật này không quy định về làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp.

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng cơ quan lập đề xuất chính sách có trách nhiệm tổ chức tham vấn chính sách; chủ thể được tham vấn là Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội và Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan lập đề xuất chính sách có trách nhiệm mời các chủ thể, như đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách, đại diện tổ chức xã hội nghề nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học… tham dự hội nghị tham vấn theo yêu cầu của cơ quan được tham vấn (điểm b khoản 1 Điều 30).

Quốc hội thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)
Toàn cảnh phiên họp ngày 19/2. (Ảnh: Quốc hội)

Về xây dựng, ban hành VBQPPL của Quốc hội, UBTVQH cho rằng, chính sách có vai trò rất quan trọng, quyết định nội dung của dự thảo VBQPPL; do đó, đối với các trường hợp không phải thực hiện quy trình xây dựng chính sách nhưng để soạn thảo VBQPPL thì cơ quan soạn thảo vẫn phải xác định các chính sách lớn của văn bản để quy phạm hóa, chuyển hóa thành ngôn ngữ pháp lý.

Bên cạnh đó, để vừa phúc đáp được yêu cầu rút ngắn thời gian xây dựng, ban hành văn bản, đồng thời vẫn bảo đảm làm rõ tác động chính sách để có cơ sở xem xét, quyết định về dự án, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng đối với dự án không thuộc trường hợp phải thực hiện quy trình xây dựng chính sách thì cơ quan trình vẫn phải đánh giá và nêu rõ tác động của chính sách trong bản thuyết minh dự kiến quy phạm hóa chính sách (khoản 2 Điều 27) và đây là tài liệu bắt buộc phải có trong hồ sơ dự án gửi phản biện xã hội, lấy ý kiến, thẩm định, thẩm tra, trình UBTVQH, Quốc hội (các điều 33, 34, 37, 39); đồng thời, bổ sung quy định trước khi biểu quyết thông qua, nếu bổ sung chính sách mới thì cơ quan trình có trách nhiệm đánh giá tác động của chính sách đó (khoản 3 Điều 29).

Về trách nhiệm xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền của Đảng trong xây dựng, ban hành VBQPPL (Điều 67), một số ý kiến đề nghị quy định giao cơ quan trình có trách nhiệm báo cáo, xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền của Đảng về các vấn đề lớn, quan trọng, còn có ý kiến khác nhau trong dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết để phù hợp với định hướng đổi mới là cơ quan trình chịu trách nhiệm đến cùng đối với dự án do mình trình. Các ý kiến khác đề nghị không quy định cụ thể trách nhiệm xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền của Đảng trong Luật mà thực hiện theo Quy định số 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

Việc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật là nguyên tắc xuyên suốt trong quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL. Tuy nhiên, đây là nội dung thuộc trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng nên thực hiện theo quy định của Đảng thì sẽ phù hợp hơn.

Do đó, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý nội dung này trong dự thảo Luật theo hướng chỉ quy định chung trách nhiệm xin ý kiến và dẫn chiếu đến văn bản của Đảng (Điều 67).

Về điều khoản chuyển tiếp (Điều 72), tiếp thu ý kiến ĐBQH, trên cơ sở thống nhất ý kiến với Chính phủ, để bảo đảm tính khả thi trong việc triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 đã được Quốc hội quyết định, UBTVQH đề nghị bổ sung quy định chuyển tiếp như sau: Đối với dự án luật, nghị quyết đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 trước ngày Luật này được thông qua thì việc soạn thảo, trình, xem xét, cho ý kiến và thông qua được thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 63/2020/QH14.

Đối với dự án luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (Chương trình lập pháp) năm 2025 kể từ ngày Luật này được thông qua thì việc xây dựng, ban hành được thực hiện theo quy định của Luật này…

Tâm Anh

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load