Thứ tư 20/11/2024 12:29 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Quy hoạch - Kiến trúc /

Xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau gắn với sinh thái rừng ngập mặn

20:20 | 17/10/2024

(Xây dựng) – Ngày 17/10, Bộ Xây dựng tổ chức Hội đồng thẩm định Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc (Bộ Xây dựng) Trần Thu Hằng chủ trì Hội nghị.

Xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau gắn với sinh thái rừng ngập mặn
Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc Bộ Xây dựng Trần Thu Hằng phát biểu tại Hội nghị thẩm định.

Trung tâm sinh thái hàng đầu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Theo dự thảo Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia (KDLQG) Mũi Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phạm vi nghiên cứu bao gồm: KDLQG Mũi Cà Mau, nằm trên địa bàn huyện Ngọc Hiển và Năm Căn. Quy mô lập quy hoạch được xác định là 20.100ha, được lập cho giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, dài hạn đến năm 2050.

Quan điểm lập quy hoạch này là phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển KDLQG Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau đến năm 2030; Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; cùng với các quy định pháp luật liên quan khác.

Việc phát triển KDLQG Mũi Cà Mau sẽ được thực hiện dựa trên cơ sở khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, hình thành các sản phẩm và dịch vụ phù hợp với tiêu chí “xanh, bền vững”, đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa, sinh thái đặc trưng của khu vực…, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai, đảm bảo an ninh - quốc phòng.

Quy hoạch cần đảm bảo kết nối không gian, sản phẩm và dịch vụ với các điểm đến trong tỉnh Cà Mau, Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh, trên nguyên tắc tạo thành chuỗi sản phẩm, hạn chế sự cạnh tranh không cần thiết và trùng lặp về sản phẩm và dịch vụ; Tạo lập hệ thống tuyến du lịch liên hoàn kết nối KDLQG Mũi Cà Mau với các điểm du lịch khác của Đồng bằng sông Cửu Long.

Các định hướng quy hoạch đề ra cần đảm bảo tính khả thi, phù hợp với từng giai đoạn phát triển và điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương. Việc khai thác tài nguyên du lịch biển và rừng sẽ được tối ưu hóa, đồng thời phát triển hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật và hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tiết kiệm tối đa về chi phí thực hiện và diện tích sử dụng, hạn chế giải phóng mặt bằng.

Quá trình phát triển khu vực này sẽ được thúc đẩy bằng cách tăng cường huy động nguồn lực trong nước và nước ngoài để đầu tư vào KDLQG Mũi Cà Mau trong tương lai.

Mục tiêu chung của Nhiệm vụ là cụ thể hóa Quy hoạch tổng thể phát triển KDLQG Mũi Cà Mau đến năm 2030, nhằm phát triển khu vực lập quy hoạch trở thành KDLQG, một điểm đến hấp dẫn của tỉnh Cà Mau và vùng Tây Nam bộ.

Khu du lịch sẽ tập trung vào các sản phẩm đặc trưng liên quan đến du lịch sinh thái rừng ngập mặn, văn hóa vùng miền Tây sông nước, cũng như du lịch biển đảo và du lịch tham quan.

Các mục tiêu cụ thể bao gồm: Định hướng tổ chức không gian phát triển, quy hoạch sử dụng đất, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội, vệ sinh môi trường và dịch vụ đồng bộ; Kết nối với các điểm du lịch, khu du lịch khác trong tỉnh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long để phát triển KDLQG trở thành điểm đến quan trọng của vùng và cả nước. Nhiệm vụ quy hoạch cũng sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý xây dựng và thực hiện các quy hoạch, dự án tiếp theo.

Về tính chất, KDLQG Mũi Cà Mau được xác định là KDLQG của vùng Đồng bằng sông Cửu Long - một trong những trung tâm sinh thái, trải nghiệm rừng ngập mặn đặc sắc, điểm đến quan trọng trên các tuyến du lịch của khu vực.

Trung tâm KDLQG Mũi Cà Mau là khu vực tập trung phát triển, chuyên môn hóa cao nhất về du lịch của KDLQG Mũi Cà Mau; là trung tâm đón tiếp, dịch vụ, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, tập trung các tiềm năng phát triển du lịch như tài nguyên du lịch phong phú, các dự án đầu tư trọng điểm, có khả năng thu hút các nhà đầu tư; Đồng thời dễ dàng kết nối với các khu, điểm du lịch trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Dự thảo Nhiệm vụ dự báo quy mô dân số toàn khu vực lập quy hoạch sẽ là khoảng 29.300 người vào năm 2030 và 55.700 người vào năm 2050. Riêng Trung tâm KDLQG Mũi Cà Mau sẽ có dân số dự kiến khoảng 14.000 người vào năm 2030 và 30.300 người vào năm 2050.

Dự báo quy mô khách du lịch đến năm 2030 sẽ đạt khoảng 2,8 triệu lượt và đến năm 2050 đạt 5,5 triệu lượt. Tổng thu từ du lịch dự kiến đạt 7.500 tỷ đồng vào năm 2030 và 15.000 tỷ đồng vào năm 2050.

Nhu cầu về buồng lưu trú vào năm 2030 là khoảng 2.720 buồng và tăng lên 13.200 buồng vào năm 2050. Trong đó, khu vực Trung tâm KDLQG Mũi Cà Mau dự kiến chiếm khoảng 60 - 70% tổng nhu cầu lưu trú của toàn khu vực.

Xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau gắn với sinh thái rừng ngập mặn
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Trần Hiếu Hùng tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định.

Dự thảo nhiệm vụ quy hoạch nêu rõ: UBND tỉnh Cà Mau có trách nhiệm tổ chức lập quy hoạch; Bộ Xây dựng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thời gian thực hiện sau khi phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch không quá 12 kể từ khi ký kết hợp đồng tư vấn.

Đảm bảo phát huy hiệu quả, thế mạnh của khu du lịch quốc gia

Về cơ bản, các thành viên của Hội đồng thẩm định nhất trí thông qua Nhiệm vụ Quy hoạch chung xây dựng KDLQG Mũi Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đóng góp ý kiến cho Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng KDLQG Mũi Cà Mau, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị xem xét dự báo lượng khách du lịch và nguồn thu, chú trọng đến yếu tố lịch sử và văn hóa của tỉnh Cà Mau.

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, quy hoạch cần mang tính liên kết theo chuỗi, xác định khu vực động lực phát triển và ưu tiên cho các chương trình, dự án phù hợp với quy hoạch.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị nội dung quan điểm phát triển cần bổ sung sự phù hợp với các quy hoạch cấp trên. Quy hoạch cần đảm bảo yếu tố bảo tồn đa dạng sinh học khu vực biển Cà Mau, xem xét phát triển khu du lịch có tính chất quốc tế, phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch, phát triển hạ tầng kỹ thuật gắn với phòng chống thiên tai…

Đại diện Bộ Quốc phòng lưu ý việc rà soát quy hoạch đất quốc phòng, đảm bảo việc chấp hành Luật Biển Việt Nam, Luật Biên giới quốc gia... Đại diện Bộ Công an lưu ý việc đảm bảo quỹ đất dành an ninh và bổ sung nội dung về phòng chống cháy rừng.

Bộ Công Thương kiến nghị rà soát tất cả các quy hoạch liên quan, chú ý đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phát triển trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh sự cần thiết phải làm rõ số liệu về giáo dục đào tạo, xem xét phát triển nguồn nhân lực có trình độ cần thiết để triển khai quy hoạch này.

Đại diện Hội Kiến trúc sư Việt Nam kiến nghị cập nhật số liệu đến năm 2023 chứ không phải năm 2019; Rà soát số liệu đánh giá hiện trạng; Xem xét các yếu tố đặc sắc để phát triển du lịch, phát triển hạ tầng giao thông để kết nối vùng, rà soát dự báo tăng trường dân số, lưu ý các vấn đề biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau gắn với sinh thái rừng ngập mặn
Toàn cảnh Hội nghị thẩm định.

Đại diện Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, quy hoạch cần nhấn mạnh giá trị văn hóa, lịch sử và tâm linh của vùng đất Mũi Cà Mau; Làm rõ sự kết nối với quy hoạch du lịch quốc gia, quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, quy hoạch tỉnh; Phân tích rõ mối quan hệ vùng; Rà soát tính chất của khu du lịch.

Đại diện của Hiệp hội Đô thị Việt Nam đề xuất làm rõ định hướng khu du lịch sẽ phát triển đến tầm cỡ quốc tế, nghiên cứu cập nhật nội dung phát triển tuyến đường sắt cao tốc.

Thay mặt địa phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau Trần Hiếu Hùng đã tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định, làm rõ một số nội dung của dự thảo Nhiệm vụ quy hoạch...

Kết luận Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch – Kiến trúc Trần Thu Hằng đã tổng hợp ý kiến của Hội đồng thẩm định, đồng thời đề nghị chỉnh sửa thời hạn quy hoạch theo đúng Luật Quy hoạch là từ 20 - 25 năm. Do đó, Nhiệm vụ cần điều chỉnh phù hợp với các mốc thời gian năm 2045 và 2050.

Vụ trưởng Trần Thu Hằng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rà soát các cơ sở chính trị và căn cứ pháp lý liên quan, đồng thời lựa chọn nội dung tác động đến khu du lịch; Rà soát dự báo lượng khách du lịch; Làm rõ quan điểm và mục tiêu quy hoạch; Bổ sung các yếu tố liên quan đến lịch sử và văn hóa.

Ngoài ra, Nhiệm vụ quy hoạch cũng phải bổ sung nội dung nghiên cứu tính chất của rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và rừng ngập mặn, cùng với các yếu tố giao thông có ảnh hưởng đến khu du lịch; Đánh giá kỹ nguồn lực, sản phẩm du lịch, yếu tố biến đổi khí hậu, tiềm năng lợi thế và những hạn chế để xác định phương hướng phát triển khu du lịch.

Vụ trưởng Trần Thu Hằng đề nghị UBND tỉnh Cà Mau và đơn vị tư vấn đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thiện hồ sơ Nhiệm vụ, Tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.

Diệu Linh (Ảnh: Dịch Phong)

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load