Thứ bảy 14/09/2024 22:38 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

Xây dựng cụm, tuyến dân cư vùng lũ tiền giang: An cư cho người nghèo

10:24 | 07/11/2007
 
Dân sẽ an cư...
 
Tỉnh Tiền Giang có bốn huyện phía tây: Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Châu Thành với diện tích hơn 92 nghìn ha, nằm trong vùng ngập nông, thời gian ngâm lũ muộn, nhưng kéo dài từ hai đến ba tháng. Qua nghiên cứu tập quán định cư, sinh sống của người dân vùng lũ, tỉnh đã triển khai Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư (CDC,TDC) sát hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương nhằm mục đích an toàn, ổn định đời sống, phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
 
Theo đánh giá của Sở Xây dựng Tiền Giang, đến nay, Chương trình đã cơ bản đạt được mục tiêu lớn của Chính phủ là  bảo đảm cho các hộ dân sống an toàn, từng bước ổn định và tiến tới phát triển bền vững trong điều kiện có lũ. Ðồng thời nâng cao khả năng phòng, chống thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân khi có lũ về.
 
Ðến nay, tỉnh đã triển khai tổng số 80 dự án, gồm: 68 dự án tuyến đê bao CDC có sẵn và 12 CDC. Trong đó, đã hoàn thành 64 tuyến đê bao CDC có sẵn, với tổng diện tích 15.606 ha, tạo điều kiện cho 27.686 hộ dân được sống an toàn và ổn định khi có lũ lớn. Hiện còn bốn tuyến chưa hoàn thành do mới bổ sung thực hiện nhưng tỉnh sẽ hoàn thành trong năm 2007.
 
Ðối với CDC đến nay đã cơ bản hoàn thành 12 cụm, tổng diện tích 80 ha, số nền bố trí 3.265 nền, trong đó nền thuộc diện chính sách (hộ nghèo, cận nghèo, hộ không có nơi nương tựa, hộ ở ngoài đồng trống...) là 2.289 nền, nền bán giá cao theo quy định 976 nền.
 
Ðến thời điểm cuối tháng 8 vừa qua đã có 1.813 hộ thuộc diện chính sách xây dựng nhà và vào ở, đạt 79,2%.
 
Tuy nhiên, theo đánh giá tiến độ thi công hoàn thành CDC vùng lũ ở Tiền Giang còn chậm. Lý giải lý do này, theo Sở Xây dựng thì, do một số cụm khó khăn trong công tác bồi thường giải tỏa; kinh phí đầu tư cho hạ tầng gặp khó khăn, không đủ để kịp triển khai. Thu hút hộ thuộc diện chính sách xây dựng nhà vào ở chỉ đạt 79,2% là do những năm qua chưa có lũ lớn, nên một số hộ dân chưa thật sự bức xúc xây dựng nhà; một số hộ dân đi làm ăn xa chưa có điều kiện thuận lợi để xây nhà...
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phòng cho biết: Mặc dù còn một số hộ khó khăn nhưng tỉnh sẽ quyết tâm thực hiện hoàn thành các CDC vào tháng 12 năm nay và vận động tạo điều kiện thu hút dân vào ở các CDC đạt 90%.
 
Nhưng làm sao để lạc nghiệp?
 
Những ngày cuối tháng 8, thời điểm mà con lũ hằng năm đã đổ về Tiền Giang, chúng tôi đến các CDC của các địa phương thuộc vùng "rốn" lũ như Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước cho thấy, hầu hết cơ sở hạ tầng các CDC đều cơ bản hoàn thành tạo một cảm giác thật an tâm và an toàn, sẵn sàng trước lũ lớn. Ðó là, hơn 50% số ngôi nhà trong các CDC dân đã vào xây dựng tươm tất, hoàn chỉnh nằm san sát nhau như những dãy phố. Các hoạt động dịch vụ theo đó được mọc lên tạo nên một quang cảnh nhộn nhịp. Niềm vui và sự phấn khởi của người dân vùng lũ lộ rõ trên nét mặt. Họ thật sự cảm ơn Ðảng, Nhà nước đã tạo điều kiện có một chỗ ở ổn định an toàn trong mùa lũ.
 
Chị Huỳnh Thị Mỹ Nương (CDC Mỹ Trung, Cái Bè) tâm sự: "Là người đầu tiên vào cụm dân cư, tôi rất lo vì không biết thế nào nhưng bây giờ thì thật đông, thật vui rồi, mừng lắm. Người dân vào đây rất an tâm, đường sá đi lại thuận tiện hơn, lại được tránh lũ an toàn, đồng thời được Nhà nước hỗ trợ tiền tôn nền, xây dựng nhà, không vui, không phấn khởi sao được".
 
Bên cạnh đó, cũng vẫn còn không ít vướng mắc khó khăn, cần được tháo gỡ để người dân nghèo có điều kiện xây dựng nhà và vào ở ổn định trong các CDC.
 
Qua tìm hiểu của chúng tôi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các CDC chưa thu hút được người  dân vào ở một cách tập trung, dứt điểm. Ðó là, công tác vận động đưa dân vào xây nhà CDC thời gian qua còn gặp không ít khó khăn do người dân còn nhiều điều quan ngại. Trong đó, nhiều CDC chưa hoàn thành cơ sở hạ tầng.
 
Khó khăn lớn nhất  là thiếu vốn, vì theo quy định Nhà nước chỉ giúp  cho vay chín triệu đồng/hộ để dựng nhà. Những hộ dân quá nghèo không thể nào dựng nổi một căn nhà hoàn chỉnh, làm cho các CDC không đồng bộ, gây nên tình trạng kém thẩm mỹ...
 
 
Còn nhiều hộ dân đang xây dựng nhà.
 
Trước căn nhà xây dựng còn dở dang, trống trước trống sau, nền nhà đầy cát nằm tuột xa so với nền bên cạnh, bà Trần Thị Bông (CDC Hậu Mỹ Bắc B) tâm tư: "Mặc dù tôi là một trong những hộ vào đây rất sớm nhưng do không đủ tiền nên nhà ở đến nay vẫn chưa dựng xong. Nhà nghèo, không có công ruộng nào, sống từ nghề làm mướn thì lấy đâu ra tiền để bù vào thêm với khoản được vay chín triệu đồng. Với những gia đình đã vào sinh sống tại các CDC cũng phát sinh lắm vấn đề.
 
Anh Võ Văn Minh (CDC Mỹ Phước Tây, Cai Lậy) cho biết: "Quê tôi ở Thạnh Lộc, chuyển vào CDC được gần một năm. Ở đây việc đi lại thuận lợi hơn trước nhưng cuộc sống có phần khó khăn hơn, bởi gia đình tôi rất nghèo, đông lao động nhưng tất cả đều đi làm thuê mướn kiếm sống, trong khi đó chi phí phát sinh  ở CDC cao hơn ở trong đồng vì mọi thứ từ cá, tôm, rau... đều phải mua".
 
Còn hộ anh Trần Văn Minh, trước đây không có "cục đất chọi chim", phải sống nương nhờ nhà hàng xóm, đi làm thuê kiếm sống, nay đã được bình xét và đã xây nhà định cư tại CDC Hậu Mỹ Bắc B,  thì rất vui mừng: "Hộ tôi gồm 16 khẩu, mấy chục năm nay mới có một căn nhà tương đối đàng hoàng, rộng 80 m2 để ở. Vậy là mừng lắm rồi. Tuy chật nhưng rất vui. Ðiều mà tôi cũng như tất cả bà con nghèo được bình xét vào đây đều mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ để có một việc làm ổn định, hoặc tạo cơ hội học nghề thủ công, tạo thêm thu nhập, ổn định cuộc sống trong thời gian tới".
 
Mục tiêu kế tiếp của Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vùng ngập lũ là từng bước nâng cao điều kiện về vật chất, văn hóa tinh thần cho nhân dân, đưa cuộc sống người dân trong vùng phát triển theo hướng văn minh, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Do vậy,  giải quyết việc làm cho người dân nghèo trong các CDC đang là vấn đề  còn trăn trở đối với các huyện là làm thế nào để tiếp tục tạo điều kiện cho người dân thoát nghèo sau khi đã định cư ổn định.
 
Quan tâm đến vấn đề này, thời gian qua một số huyện, điển hình như huyện Cái Bè đã đưa nghề đan hàng thủ công mỹ nghệ vào CDC Mỹ Lợi B nhằm tạo việc làm lúc nông nhàn cho người dân có thêm thu nhập, gắn bó lâu dài với CDC. Mô hình này hiện nay vẫn chưa được nhân rộng, chưa mang lại hiệu quả thiết thực tạo thêm thu nhập cho người dân trong các CDC.
 
Thực tế, việc đưa người dân vào định cư ở các CDC chỉ là bước đầu để người dân có điều kiện sống an toàn mỗi khi lũ về. Ðể phát huy hiệu quả của Chương trình, vấn đề đặt ra hiện nay là cần có sự quan tâm của các ngành, các cấp trong việc tạo điều kiện cho người dân nghèo có việc làm để nhanh chóng thoát nghèo và ổn định cuộc sống một cách bền vững tại các CDC.

TẤN VŨ (ND)

Theo baoxaydung.com.vn

Từ khóa:
Cùng chuyên mục
  • Lâm Đồng: Kiểm soát tình hình biến động giá bất động sản

    (Xây dựng) - UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tình hình biến động giá bất động sản trên toàn tỉnh.

  • Giá trung bình của chung cư Hà Nội tăng mạnh nhất từ năm 2021 đến nay

    (Xây dựng) - Việc các dự án thuộc phân khúc trung cấp tại Hà Nội được thay thế dần bằng các dự án cao cấp, hạng sang đã kéo mặt bằng giá trung bình của chung cư tăng mạnh nhất từ năm 2021 đến nay.

  • Hà Nội: Sắp có thêm chung cư cao tầng quy mô gần 18.000 người tại quận Ba Đình

    (Xây dựng) - UBND phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội) vừa tổ chức Hội nghị lấy ý kiến cộng đồng dân cư về nhiệm vụ và quy hoạch chi tiết khu vực cải tạo, tái thiết, xây dựng lại khu chung cư Ngọc Khánh và phụ cận, tỷ lệ 1/500.

  • Đà Nẵng: Khởi công tháp đôi căn hộ cao cấp gần 1.600 tỷ đồng

    (Xây dựng) - Ngay sau khi được cấp phép xây dựng, sáng 14/9, Công ty Cổ phần Cosmos Housing chính thức khởi công dự án tòa chung cư tháp đôi DaNang Landmark.

  • Thuế bất động sản sẽ kiềm chế tăng giá nhà đất

    (Xây dựng) - Đến lúc cần cải cách thuế bất động sản để giải bài toán giá nhà đất tăng quá cao. Giá nhà đất tăng quá cao dẫn đến một thực trạng là người dân chật vật, làm cả đời cũng chưa chắc mua nổi một mảnh đất, căn nhà, trong khi mà phần lớn nguồn cung nhà đất đang ngày một khan hiếm, vẫn tiếp tục "rơi" vào tay những người dư dả tài chính.

  • Vì sao nên đầu tư vào đất nền Phú Quốc ngay bây giờ?

    (Xây dựng) - Phú Quốc - thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam không chỉ là thiên đường nghỉ dưỡng mà còn là một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư bất động sản. Với sự phát triển vượt bậc về cơ sở hạ tầng, hạ tầng xã hội trong những năm gần đây và sớm hay muộn Phú Quốc cũng sẽ trở thành đặc khu hoặc hưởng chính sách phát triển đặc thù giúp kinh tế Phú Quốc tăng trưởng mạnh mẽ. Dưới đây là những lý do thuyết phục khiến bạn cần phải hành động ngay, trước khi cơ hội vàng này trôi qua.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load