- Vụ 8B Lê Trực: Quy hoạch hay giấy phép xây dựng có giá trị pháp lý cao hơn?
- ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nói về vụ 8B Lê Trực: “Hà Nội mắc bệnh hứa quá nhiều, hứa như “đinh đóng cột” nhưng không làm”
- Hà Nội: 5 năm không được vào nhà ở, người mua nhà tại 8B Lê Trực lại cầu cứu tứ phương
- Vụ 8B Lê Trực: “Cấp phép sai và hành vi gây thiệt hại lớn về tài sản cho người dân, doanh nghiệp có thể bị khởi tố hình sự”
- Vụ 8B Lê Trực: Người dân kỳ vọng gì ở phương án xử lý của các cấp chính quyền?
- Người mua nhà tại dự án 8B Lê Trực: Đội mưa “đòi nhà”
(Xây dựng) - Liên quan đến vụ công trình 8B Lê Trực, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cho rằng cần phải giải quyết một cách quyết liệt và dứt điểm vụ việc. Bởi, người chịu ảnh hưởng lớn nhất ở đây vẫn là người dân, nhiều năm nay họ không có nhà để ở.
ĐBQH Phạm Văn Hoà đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, đảm bảo ổn định cuộc sống người dân.
Như đã thông tin, công trình 8B Lê Trực có Quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 2452/QĐ-UBND ngày 05/12/2008 với quy mô 17 tầng chính và 2 tầng kỹ thuật, 1 tầng mái (tổng cộng là 20 tầng, bình quân 3,5m/tầng) và chiều cao công trình là 70m. Thế nhưng gần 5 năm sau, khi công trình 8B Lê Trực đã thi công xong 4 tầng hầm đến cos +0,00m thì Sở Xây dựng Hà Nội lại cấp Giấy phép xây dựng (GPXD) số 11/GPXD-SXD ngày 24/3/2014 cho công trình với quy mô chỉ còn 18 tầng, chiều cao là 53m (bình quân chỉ có 2,94m/tầng, chiều cao thông thủy sau khi trừ đi sàn bê tông, dầm, hệ thống cơ điện, phòng cháy chữa cháy (PCCC) chỉ còn 1,75m đến 2,09m – không đảm bảo chiều cao tối thiểu, công năng cho người dân sinh sông và làm việc trong tòa nhà sử dụng).
Theo quy định pháp luật, công trình được miễn cấp giấy phép xây dựng, tuy nhiên, sau khi đã thi công xong 4 tầng hầm đến cos +0,00m thì phía Sở Xây dựng lại cấp GPXD số 11 khiến cho công trình rơi vào tình cảnh “ép phải sai”, bị cưỡng chế phá dỡ. Hiện sau gần 5 năm từ tháng 9/2015, phía TP Hà Nội cũng chưa đưa ra được phương án xử lý cụ thể khiến câu chuyện 8B Lê Trực không được giải quyết dứt điểm và tiếp tục bị kéo dài.
Việc này cũng khiến cho công trình không được đưa vào hoạt động, rơi vào tình thế khó khăn cho các các hộ dân. Các chuyên gia chuyên ngành cũng đưa ra rất nhiều cảnh báo, nếu tiếp tục phá dỡ nguy cơ gây ảnh hưởng đến kết cấu tòa nhà là không tránh khỏi, thậm chí sẽ bị sập đổ, có nguy cơ gây mất an toàn cho tính mạng con người.
Trước vụ việc đã diễn ra nhiều năm mà vẫn chưa có hồi kết, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ĐBQH Phạm Văn Hoà - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết: “Nếu các chuyên gia cũng đưa ra nhiều cảnh báo về việc phá dỡ sẽ gây nguy cơ sụp đổ, nếu công tâm, khách quan, vô tư thì nên xem xét lại cảnh báo có hợp lý hay không. Tất nhiên, các chuyên gia cảnh báo thì các cơ quan chuyên môn cũng cần thẩm định thật kỹ, thật sự khách quan, để đưa ra kết luận, cũng như có kiến nghị hết sức cần thiết.
Bởi, đây là giai đoạn 2, là giai đoạn quyết định, sự việc đã xảy ra nhiều năm nay, nhiều ĐBQH đã lên tiếng, dư luận xã hội cũng đang trông chờ vào cách xử lý của chính quyền về vấn đề này”.
Theo ĐBQH Phạm Văn Hoà, nếu các chuyên gia đưa ra cảnh báo nguy cơ như nêu trên thì các cơ quan phải có sự thẩm định, phải khách quan. Thậm chí, có thể mời thẩm định của tư vấn nước ngoài để xem xét…
“Nếu đúng như chuyên gia nêu, thì cơ quan chức năng cần phải có giải pháp, khuyến nghị và đề xuất để có những hướng xử lý sao cho phù hợp, không thiệt thòi cho người dân, không ảnh hưởng đến cảnh quan, xung quanh khu nhà và người dân ở gần”, ĐBQH Phạm Văn Hoà nêu.
Về vụ việc này, phía chủ đầu tư cho rằng ở đây có việc cấp phép sai. Năm 2009, công trình được thẩm định với quy mô 20 tầng và chiều cao công trình là 69,1m, thế nhưng gần 5 năm sau (2014) khi công trình 8B Lê Trực đã thi công xong 4 tầng hầm đến cos+0,00m thì Sở Xây dựng Hà Nội mới cấp GPXD số 11 với quy mô 18 tầng, chiều cao là 53m. Như vậy, tính ra công trình được cấp phép đã bị thiếu 2 tầng, tương đương với chiều cao 16,1m. Phía chủ đầu tư cho rằng, nếu xây theo đúng GPXD thì con người không thể sinh sống trong tòa nhà.
Trước ý kiến trình bày của chủ đầu tư, ĐBQH Phạm Văn Hoà cho hay: “Về chuyên môn, quy chuẩn về thiết kế thi công, xây dựng thì tôi không nắm vững nên rất khó để phân tích, đánh giá”.
Tuy nhiên, ĐBQH Phạm Văn Hoà bày tỏ: “Nếu doanh nghiệp đặt vấn đề là cấp giấy phép sai, thì các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc làm rõ để đảm bảo xử lý trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân ra sao, để trả lời cho công luận:
Thứ nhất, đối với công trình miễn phép ở đây thì Quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 được UBND TP Hà Nội phê duyệt là 20 tầng với chiều cao công trình là 70m, nhưng GPXD lại cấp chỉ có 18 tầng với chiều cao công trình là 53m. Như vậy, phải xem xét huy bỏ GPXD để doanh nghiệp có căn cứ đúng để thực hiện, tránh nhầm lẫn đúng sai;
Thứ hai, đối với công trình phải cấp phép xây dựng mà cấp phép sai với Quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 được UBND TP Hà Nội phê duyệt thì phải điều chỉnh lại giấy phép cho phù hợp với quy hoạch xây dựng được cấp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện đúng”.
Cũng theo ĐBQH Phạm Văn Hoà, ở vụ việc này rõ ràng, dù đúng hay sai thì người mua nhà vẫn là những người phải gánh chịu những hậu quả nặng nề (họ đã được nhận nhà mà không được về nhà ở): “Người mua nhà đang bị thiệt hại mấy năm nay rồi, cho nên phải giải quyết sớm và dứt điểm để giải quyết cho người dân có chỗ ở”.
ĐBQH Phạm Văn Hoà đề nghị các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc nhằm giải quyết sớm và dứt điểm việc này. Làm sao hợp tình, hợp lý khách quan và không để người dân bị thiệt hại nhiều.
Trước nhiều khúc mắc chưa được làm rõ, mới đây, Cty CP May Lê Trực tiếp tục có đơn kiến nghị lên Thành uỷ TP Hà Nội. Nội dung kiến nghị nêu rõ 4 vấn đề, trong đó có việc cấp phép xây dựng sai và đề nghị được làm rõ. Đồng thời kiến nghị Thành uỷ xem xét cho dừng phá dỡ để đảm bảo an toàn công trình cũng như người dân sống xung quanh khu vực.
Theo tìm hiểu được biết, công trình 8B Lê Trực được xây dựng phù hợp với Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được UBND TP Hà Nội phê duyệt; thi công công trình theo thiết kế đã được Sở Xây dựng Hà Nội thẩm định. Theo Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 và Nghị định số 64/2012/NĐ-CP ngày 04/09/2012 của Chính phủ về cấp GPXD thì công trình này được miễn cấp GPXD. Tuy nhiên, do những điều kiện khách quan, công trình phải dừng thi công xây dựng, cho tới năm 2014 công trình mới được tiếp tục xây dựng.
Trao đổi về vấn đề này, TS. Phạm Gia Yên - nguyên Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng: “Nếu trong thời gian này, công trình thuộc diện phải cấp giấy phép thì Quy hoạch chi tiết 1/500 trước đây phải được UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh làm cơ sở để cấp GPXD; Việc Sở Xây dựng cấp GPXD số 11/GPXD-SXD ngày 24/03/2014 là không có cơ sở”.
Các chuyên gia cũng cho rằng, việc UBND quận Ba Đình căn cứ vào chiều cao 53m của GPXD số 11 để đình chỉ, cưỡng chế phá dỡ tầng 19 và 20 công trình 8B Lê Trực là không có cơ sở.
Cũng theo TS. Phạm Gia Yên, theo quy định pháp luật, nếu việc cấp giấy phép sai quy định thì các cơ quan Nhà nước làm sai phải chịu bồi thường thiệt hại. Điều này đã được quy định rõ tại Khoản 4, Điều 67, Luật Xây dựng 2003: “Người có thẩm quyền cấp GPXD phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường thiệt hại do việc cấp giấy phép sai hoặc cấp giấy phép chậm theo quy định”.
“Căn cứ tại Mục a, Khoản 1, Điều 101 Luật Xây dựng 2014 về thu hồi, hủy giấy phép xây dựng thì GPXD số 11 nêu trên phải bị thu hồi và hủy bỏ”, TS. Phạm Gia Yên cho biết.
Được biết, theo Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam XDVN số 323/2004 về thiết kế nhà ở cao tầng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành. Tại Điểm 6.2.4.12 quy định: “Chiều cao thông thuỷ các tầng nhà ở không được nhỏ hơn 3m” (Chiều cao thông thủy ở đây là chiều cao từ mặt sàn đến mặt dưới của trần). Tuy nhiên, GPXD số 11/GPXD-SXD của Sở Xây dựng Hà Nội chỉ cấp bình quân các tầng có 2,94m/tầng (53m tương đương18 tầng). Như vậy, qua tính toán, chiều cao thông thuỷ sau khi trừ đi độ dày sàn bê tông là 0,25m, trừ đi dầm và chiều cao hệ thống cơ điện, điều hoà, PCCC là 0,6m thì chỉ còn khoảng 2,09m (2,94m – 0,85m =2,09m). Cụ thể: Tầng 1 có chức năng thương mại theo quy định và quy hoạch chiều cao tầng phải là 4,5m nhưng cấp phép chỉ có 2,6m/tầng (cấp phép đã bị thiếu 1,9m/tầng, chiều cao thông thuỷ sau khi trừ độ dày sàn bê tông 0,25m và chiều cao hệ thống cơ điện, điều hoà, PCCC là 0,6m thì chỉ còn lại 1,75m/tầng). Chiều cao các tầng có chức năng văn phòng theo quy định và Quy hoạch chiều cao tầng phải là 3,9m nhưng cấp phép chỉ có 3,0m/tầng (cấp phép đã bị thiếu 0,9m/tầng); chiều cao các tầng có chức năng căn hộ theo quy định và Quy hoạch chiều cao tầng phải là 3,3m nhưng cấp phép chỉ có 3m/tầng (cấp phép đã bị thiếu 0,3m/tầng). Như vậy, cộng chiều cao các tầng bị thiếu nêu trên, công trình 8B Lê Trực bị cấp phép thiếu 16,1m, chứ không phải thừa 16,1m (tương đương 5 tầng) như một số thông tin đã nêu. Mặt khác, nếu chủ đầu tư thi công xây dựng theo giấy phép đã cấp sai này, thì toà nhà sẽ không đáp ứng được công năng sử dụng và sẽ trở thành phế tích lịch sử. Điều này cũng dễ dẫn đến tranh chấp với người dân mua nhà vì thiếu chiều cao tầng nghiệm trọng, con người không thể sinh sống và làm việc trong toà nhà. |
Minh Châu
Theo