Thứ sáu 08/11/2024 12:34 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Bất động sản /

VNREA tiếp tục kiến nghị Thủ tướng tháo gỡ nút rối về pháp lý bất động sản

08:28 | 19/02/2020

(Xây dựng) - Siết chặt tín dụng cho vay bất động sản, sự chồng chéo giữa các luật đã khiến việc triển khai dự án bất động sản gặp khó… là những vướng mắc được cộng đồng các doanh nghiệp lên tiếng trong Hội nghị do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức.

2 điểm sáng trong bức tranh khó khăn

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Trần Nam – Nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch VNREA nhấn mạnh: “Trong bối cảnh thời tiết u ám, bệnh dịch và kinh tế chưa có các tín hiệu sáng, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng khảo sát, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp bất động sản, tiến tới buổi gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp bất động sản, để lắng nghe chia sẻ, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Đồng hành cùng Bộ Xây dựng, VNREA tổ chức nhiều Hội nghị, Hội thảo lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp nhằm kiến nghị những khó khăn và giải pháp tháo gỡ, giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững”.

vnrea tiep tuc kien nghi thu tuong thao go nut roi ve phap ly bat dong san
Ông Nguyễn Trần Nam – Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch VNREA phát biểu tại Hội nghị.

Thời gian qua, việc thị trường phải chịu tác động từ các thông tin siết chặt tín dụng vào bất động sản cộng với việc siết chặt thủ tục hành chính từ thành lập dự án đến khi hoàn thiện khiến thị trường có dấu hiệu trì trệ. VNREA đang tổng hợp lại toàn bộ tình hình giao dịch bất động sản 2019 và các số liệu cấp phép phê duyệt các dự án và tập hợp các kiến nghị trong Hội nghị hôm nay để gửi lên Thủ tướng.

Điểm sáng của thị trường bất động sản đầu năm 2020 được Chủ tịch VNREA nhắc đến đó là Bộ Tài chính đã có phản hồi về Nghị định số 20/2017/NĐ-CP (Nghị định 20) về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, đặc biệt là câu chuyện pháp lý cho Condotel, Offitel cũng đã được giải quyết.

Tiếp tục tháo gỡ nút rối về pháp lý

Tuy nhiên những khó khăn hiện hữu của thị trường như các vấn đề pháp lý, về vốn… cần tiếp tục được kiến nghị và tháo gỡ nhằm giúp thị trường phát triển lành mạnh và bền vững.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch GP.Invest chia sẻ: "Trong các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam thì doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn nhất bởi họ đang bị chi phối bởi 10 loại Luật và thủ tục hành chính như một ma trận vây doanh nghiệp. Tôi cho rằng, giải pháp tốt nhất là sửa Luật. Với câu chuyện tắc nghẽn dự án hiện nay, điển hình như tại thành phố Hồ Chí Minh thì nguyên nhân là vướng mắc tại Luật Đất đai. Nếu như được kiến nghị thì tôi cũng kiến nghị sửa Luật Đất đai. Bản thân GP.Invest cũng đã rất khổ sở khi phải trải qua những thủ tục pháp lý về đất đai, có dự án phải trải qua 5 sở và nhiều bộ, ngành. Có dự án phải trải qua 5 "đời" Chủ tịch của địa phương tại Phú Thọ mà đến nay vẫn chưa triển khai được… Những nỗi khổ này ai thấu cho doanh nghiệp bất động sản?”.

vnrea tiep tuc kien nghi thu tuong thao go nut roi ve phap ly bat dong san
Khó khăn và các giải pháp được doanh nghiệp kiến nghị nhằm cởi nút cho thị trường bất động sản.

Đồng quan điểm cần tháo gỡ những vướng mắc pháp lý bà Hương Trần Kiều Dung - Tổng Giám đốc FLC nhấn mạnh: “Về pháp lý, có Luật chồng chéo, thiếu đồng bộ liên quan đến 4 Luật khác, ảnh hưởng rất nhiều đến các dự án bất động sản, nếu khơi thông được Luật thì sẽ khơi thông được dự án bất động sản. Trong 2 năm trở lại đây, các địa phương rất ngại vấn đề về phê duyệt dự án. Theo đó, các tỉnh giao đất cho doanh nghiệp không nhiều, nếu tình trạng này không được khắc phục thì năm sau số dự án được phê duyệt xây dựng sẽ rất ít, làm giảm cơ hội đầu tư kinh tế địa phương… Bên cạnh đó còn những vấn đề mâu thuẫn giữa đấu thầu với đấu giá cũng khiến doanh nghiệp gặp không ít trở ngại”.

“Có thể nói, làm hết thủ tục bài bản để xây dựng dự án, ít nhất doanh nghiệp phải mất 2 năm, điều đó gây khó khăn và bỏ lỡ các cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp. Đồng thời việc xử lý các thủ tục nội bộ nếu không cải tổ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường bất động sản trong tương lai và doanh nghiệp tiếp tục gặp khó, trễ tiến độ thực hiện dự án. Hiện nay, Nhà nước quan tâm đến thủ tục hành chính nhưng thủ tục nội bộ lại chưa được thông. Vì làm từ Trung ương đến địa phương phải qua rất nhiều cửa, đợi chờ phê duyệt, xin ý kiến của các cấp mất nhiều thời gian. Một văn bản nhanh phải trải qua 2 tháng, bình quân là 6 tháng”, Tổng giám đốc FLC nhấn mạnh.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Phúc - Nguyên Phó Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho hay: “Trong quá trình ban hành Luật, Nghị định văn bản không thể tránh khỏi những xung đột cần phải giải quyết. Do đó, trong quá trình thực tiễn triển khai dự án doanh nghiệp sẽ gặp những vướng mắc cần tháo gỡ. Trong bối cảnh hiện nay, Thủ tướng đã có chỉ đạo và lắng nghe khó khăn, tháo gỡ cho doanh nghiệp. Việc của VNREA và các doanh nghiệp hiện nay là thống nhất xem cần kiến nghị điều gì ngay và gấp để thị trường được thông thoáng, doanh nghiệp an tâm”.

Khó khăn về vốn,thiếu gói vay cho nhà ở xã hội

Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi - Tổng Giám đốc Eurowindow Holding: “Siết chặt tín dụng đã ảnh hưởng đến thị trường và một trong những chính sách chính là giải tỏa về vốn cho doanh nghiệp bất động sản. Thứ nữa là chúng tôi rất quan tâm đến Nghị định 20. Mong rằng, VNREA sẽ tiếp tục có những kiến nghị để sửa đổi các quy định này”.

Cũng chia sẻ tại Hội nghị, đại diện Tập đoàn CEO cho hay: “Tập đoàn CEO cũng gặp những vướng mắc như các doanh nghiệp bạn, đặc biệt là vướng mắc về Nghị định 20. Các quy định tại Nghị định này đang làm khó cho doanh nghiệp trong nước”.

Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, sau khi gói vay 30.000 tỷ kết thúc, từ năm 2016 đến nay chưa có gói vay nào ưu đãi dành cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội và người có thu nhập thấp. Mặc dù Chính phủ giao ngân hàng chính sách thực hiện gói vay 1.200 tỷ hàng năm ưu đãi vay dành cho nhà ở xã hội nhưng theo các doanh nghiệp là chủ đầu tư và người mua nhà đều không tiếp cận được gói vay này.

Tham gia phát triển 4 tòa nhà ở xã hội, ông Bùi Viết Sơn - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long kiến nghị: “Phân khúc nhà ở xã hội còn nhiều gặp khó khăn vì chủ đầu tư và khách hàng đều không được vay. Theo đó, cần được Chính phủ đưa ý kiến để các ngân hàng thương mại có cơ chế miễn lãi và hỗ trợ lãi suất thì doanh nghiệp sẽ tự tìm đến ngân hàng vay vốn để tiếp tục phát triển các dự án phục vụ những người nghèo”.

Theo ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng): “Hiện nay, Luật Đầu tư đang được sửa, nếu những vấn đề sáng nay doanh nghiệp nêu ý kiến về khó khăn trong chấp thuận đầu tư có thể sửa đổi thì sẽ thông thoáng cho thị trường. Với vấn đề nhà ở xã hội, đúng là việc cấp vốn, chính sách hỗ trợ vốn cho phân khúc này còn nhiều khó khăn nên cần phải đưa thêm nhiều các kiến nghị lên Chính phủ”.

Huyền Nhi

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load