Chủ nhật 22/12/2024 13:15 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Vĩnh Phúc: Ước thiệt hại hơn 20,6 tỷ đồng sau bão số 3

10:49 | 08/09/2024

(Xây dựng) - Tính đến 5 giờ sáng 8/9, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, bão số 3 tuy không gây thiệt hại về người nhưng làm 100 nhà dân bị thiệt hại; 10 điểm trường bị tốc mái, hư hại; khoảng 6.500ha lúa, hoa màu bị thiệt hại, ảnh hưởng; 72 cột điện hạ thế gãy đổ, 16 trạm hạ thế bị hư hỏng; nhiều cây cối, biển quảng cáo, cột điện bị đổ, gãy, chắn ngang các tỉnh lộ. Bão số 3 ước gây thiệt hại khoảng 20,6 tỷ đồng.

Vĩnh Phúc: Ước thiệt hại hơn 20,6 tỷ đồng sau bão số 3
Ban Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Phúc triển khai công tác ứng phó cơn bão số 3.

Công tác khắc phục hậu quả của bão số 3 đã và đang được các ngành, địa phương triển khai tích cực. UBND các huyện, thành phố đã chủ động, thực hiện nghiêm "4 tại chỗ"; chỉ đạo dọn dẹp cây đổ, biển quảng cáo, các công trình bị sập, hư hỏng; vệ sinh môi trường; thu hoạch lúa... Cử các lực lượng thường xuyên tuần tra, canh gác tại các vị trí xung yếu, trọng điểm về thiên tai có nguy cơ thiệt hại...

Tại huyện Vĩnh Tường đã xảy ra mưa lớn kèm theo dông, lốc và gió giật mạnh. Tính đến 5h ngày 8/9, bão số 3 đã làm tốc 40 mái ngói nhà bán kiên cố, tốc mái tôn tại 2 điểm trường THCS xã Phú Đa và THCS An Tường; gãy, đổ 15 đèn cao áp, 3 cột điện hạ thế, 250m dây điện bị đứt; cột đèn tháp trang trí tại sân quảng trường huyện bị gãy, đổ; biển quảng cáo bị cuốn bay, nhiều thiết bị thể dục tại các nhà văn hóa, trường học bị hư hỏng…

Hơn 1.130ha lúa, 226ha rau màu, hơn 100ha cây ăn quả bị gãy đổ, dập nát; ước khoảng 1.000 cây xanh, cây bóng mát bị gãy đổ. Tổng giá trị thiệt hại ước khoảng 2 tỷ đồng, chưa tính thiệt hại cây xanh đô thị. Tại các tuyến đường trục chính trên địa bàn huyện không xảy ra hiện tượng ngập úng cục bộ, các phương tiện vẫn tham gia giao thông bình thường.

Trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, có 7 căn nhà kiên cố bị tốc mái, gần 600 cây xanh bị gãy, đổ, 13 trạm biến thế và nhiều cột điện bị hư hỏng, nhiều mét tường rào của nhà dân bị đổ sập…

Thành phố cũng kịp thời tổ chức di dời 29 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm đảm bảo an toàn tuyệt đối. Không có người chết và bị thương do mưa bão gây ra. Ước thiệt hại sơ bộ khoảng 3,1 tỷ đồng.

Quá trình mưa bão có xảy ra ngập úng cục bộ tại một số tuyến đường nhưng về cơ bản các phương tiện vẫn có thể qua lại được và sau khi mưa tạnh khoảng 10-30 phút nước đã rút hết.

Trước diễn biến bất thường của bão số 3 (Yagi), chiều tối 7/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai các phương án ứng phó với bão số 3 với các địa phương trong tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông yêu cầu các Sở, ngành, địa phương quán triệt thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan Trung ương và chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy về công tác phòng chống, ứng phó với bão số 3, tập trung ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân và Nhà nước.

Vĩnh Phúc: Ước thiệt hại hơn 20,6 tỷ đồng sau bão số 3
Lực lượng chức năng huyện Vĩnh Tường xử lý cây bị gãy, đổ do mưa bão.

Chỉ đạo các đơn vị trong ngành, các huyện, thành phố chuẩn bị bố trí máy móc, phương tiện, vật liệu theo phương châm "4 tại chỗ" tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ sạt lở, sẵn sàng khắc phục khi có sự cố. Tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão, lũ, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ; phân công lãnh đạo, triển khai lực lượng xuống các địa bàn trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở.

Sẵn sàng phương án sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ ảnh hưởng của ngập sâu, sạt lở, khu dân cư có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét; có phương án kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông, tuyệt đối không cho nhân dân lưu thông qua các điểm ngập úng, các ngầm tràn…

Rà soát, cập nhật các kịch bản phòng, chống thiên tai ở mức độ cao nhất. Chủ động chuẩn bị vật tư, phương tiện phòng, chống lụt bão, phương tiện cứu hộ...

Tăng cường kiểm tra hệ thống công trình thủy lợi theo phân cấp quản lý, đặc biệt là các hồ chứa nước nhỏ hiện đang xuống cấp, chịu trách nhiệm nếu ngập úng, mất an toàn công trình, vỡ đập và thiệt hại do chủ quan gây ra.

Tổ chức lắp đặt rào chắn, biển báo và tổ chức trực ban 24/24h tại các ngầm, tràn và các công trình có nguy cơ mất an toàn, tuyệt đối không để các phương tiện và người dân đi qua.

Khẩn trương thu dọn cây xanh bị đổ gãy, biển quảng cáo ngay sau khi bão qua để đảm bảo giao thông thông tuyến. Chuẩn bị sẵn sàng phương án đảm bảo chỗ ở cho người dân do ảnh hưởng bão bị mất nhà ở; phối hợp Công ty Điện lực đảm bảo an toàn điện cung ứng điện.

Đối với các kiến nghị, đề xuất của các huyện, thành phố, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh….

Văn Nhất

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load