(Xây dựng) - Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc được ban hành với các quy định về một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023 - 2030. Trong đó, quy định hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm du lịch cộng đồng, mô hình du lịch homestay, farmstay được kỳ vọng mở ra cơ hội phát triển loại hình du lịch cộng đồng tại các Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh.
Chính sách hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm du lịch cộng đồng, mô hình du lịch homestay, farmstay đã mở ra cơ hội để gia đình anh Nghênh đầu tư phát triển loại hình du lịch này. |
Với mong muốn phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình, anh Ngô Văn Nghênh, thôn Lập Đinh, xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên đã đăng ký xây dựng mô hình du lịch homestay. Theo dự kiến, mô hình có quy mô phục vụ trên 150 khách, với dịch vụ lưu trú và nhiều trải nghiệm thú vị. Theo anh Nghênh, kinh phí ban đầu dự kiến khoảng 20 tỷ đồng, gia đình anh sẽ đầu tư xây dựng 10 nhà lưu trú, quy hoạch ao, bể bơi, đường đi, sân vườn... và định hướng lâu dài sẽ phát triển cả mô hình du lịch farmstay. Với lợi thế cách hồ Lập Đinh khoảng 300m - nơi đã bắt đầu xuất hiện nhiều hoạt động du lịch trải nghiệm, anh Nghênh hy vọng, mô hình homstay sau khi hình thành sẽ thu hút lượng lớn du khách, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. “Với tổng diện tích đất sẵn có gần 20.000m2, tôi cùng một số người bạn đã ấp ủ xây dựng khu homstay từ rất lâu, nay có cơ chế hỗ trợ của tỉnh đã tiếp thêm sức mạnh, tạo động lực để chúng tôi có cơ hội hoàn thành dự định.”- anh Nghênh chia sẻ.
Mô hình du lịch homestay được xã Ngọc Thanh xác định là một trong những mô hình phát triển kinh tế mũi nhọn nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương. Vì vậy, cùng với việc tập trung thực hiện các tiêu chí xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu Lập Đinh, xã đã lựa chọn xây dựng 2 mô hình du lịch homestay và đề xuất hỗ trợ theo Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh. Bên cạnh đó, xã Ngọc Thanh cũng hỗ trợ các hộ gia đình tại thôn Lập Đinh triển khai một số mô hình kinh tế như: Phát triển dịch vụ du lịch ẩm thực, trồng cây dược liệu, trồng cây lâm nghiệp, phát triển chăn nuôi con đặc sản gắn với du lịch.
Với những chính sách hỗ trợ đặc thù xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, đặc biệt là hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm du lịch cộng đồng, mô hình du lịch homestay, farmstay sẽ tạo cơ hội để người dân có thêm một phần kinh phí thực hiện dự án đầu tư, thuận tiện trong phát triển mô hình; tạo đà thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn xã. Đồng thời, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc Sán Dìu; phát triển các mô hình kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân tại địa phương.
Theo Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh, mỗi mô hình du lịch homestay xây dựng mới tại các Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh sẽ được hỗ trợ 100 triệu đồng/cơ sở có quy mô phục vụ từ 15 khách trở lên; hỗ trợ không quá 3 mô hình/Làng văn hóa kiểu mẫu. Đối với loại hình farmstay xây mới có diện tích tối thiểu 0,5ha và có quy mô đầu tư đáp ứng phục vụ từ 30 khách trở lên sẽ được hỗ trợ 300 triệu đồng/cơ sở; hỗ trợ không quá 2 mô hình/Làng văn hóa kiểu mẫu.
Thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm du lịch cộng đồng, mô hình du lịch homestay, farmstay theo Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành khảo sát xây dựng mô hình du lịch cộng đồng và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tại các Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh; khảo sát và đề xuất định hướng quy hoạch các tour, tuyến du lịch gắn với di sản văn hóa và làng nghề truyền thống tại các Làng văn hóa kiểu mẫu có lợi thế, điều kiện triển khai thực hiện. Đồng thời, hướng dẫn các huyện, thành phố xây dựng hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận điểm du lịch cộng đồng cấp tỉnh; hướng dẫn các mô hình homestay, farmstay đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; hỗ trợ đào tạo thuyết minh viên du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng; thành lập và duy trì các điểm du lịch cộng đồng có đội văn nghệ quần chúng phục vụ khách du lịch. Đến nay, toàn tỉnh có 4 huyện, thành phố đăng ký xây dựng 14 mô hình phát triển du lịch homestay, farmstay và 1 điểm du lịch cộng đồng tại các Làng văn hóa kiểu mẫu.
Việc đưa vào hoạt động khu thiết chế thôn Đồng Bùa, xã Tam Quan cùng với thực hiện Nghị quyết 06 góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. |
Làng văn hóa kiểu mẫu Đồng Bùa có diện tích 125ha với 503 hộ, dân số là 1.556 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Sán Dìu chiếm 75%. Thôn có đền Đồng Bùa thờ Quốc Mẫu Tây Thiên, suối Đồng Bùa cung cấp nước phục vụ sản xuất, đời sống và có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, có thế mạnh phát triền kinh tế vườn hộ. Hệ thống chính trị nhiều năm đạt vững mạnh.
Sau gần 5 tháng triển khai, Khu thiết chế văn hóa - thể thao Làng văn hóa kiểu mẫu Đồng Bùa, với tổng diện tích 13.705m2 đã được hoàn thành với các khu chức năng đồng bộ có tính vượt trội về quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, công năng sử dụng so với các thiết chế văn hóa thể thao hiện có.
Với quan điểm xuyên suốt là: “Mọi người dân đều được hưởng thành quả từ sự phát triển” và xây dựng các Làng văn hóa kiểu mẫu là kiến tạo nên những làng quê có cơ sở hạ tầng hiện đại, cảnh quan kiến trúc khang trang. Người dân có đời sống văn hóa tinh thần phong phú; kinh tế các hộ gia đình phát triển, thu nhập được cải thiện, chất lượng cuộc sống được nâng cao. Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi các cấp chính quyền và nhân dân trong các thôn được chọn xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều.
Trong thời gian tới, xã Tam Quan và nhân dân thôn Đồng Bùa cần quyết tâm, huy động sức mạnh đoàn kết của các tầng lớp nhân dân, tổ chức thực hiện thành công 14 tiêu chí, gắn với các chính sách hỗ trợ một cách thực chất, phù hợp, hiệu quả, lấy người dân làm chủ thể theo phương châm: Dân biết, dân bàn, dân giám sát, dân làm, dân thụ hưởng.
Theo ông Đỗ Hoàng Dương, Trưởng Phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để triển khai chính sách hỗ trợ đến người dân, thông qua chính quyền địa phương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã cử cán bộ đến gặp trực tiếp từng hộ dân đăng ký mô hình, hướng dẫn các bước triển khai mô hình kịp thời, hiệu quả. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, chi tiêu của khách du lịch không được cao, nhu cầu du lịch hạn chế, lợi nhuận chưa đạt như mong muốn, nên các hộ gia đình đang tính toán lại phương án đầu tư; quy hoạch lại và đầu tư cầm chừng nhằm giãn tiến độ, để khoảng 2 năm nữa khi nền kinh tế phục hồi sẽ hoàn thiện các dự án, đẩy mạnh phát triển kinh doanh, thu lợi nhuận. Hiện trong 15 mô hình đăng ký, có 2 hộ gia đình tại thôn Lập Đinh, xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên và thôn Đồng Bùa, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo đang triển khai bước đầu mô hình du lịch homestay.
Việc phát triển du lịch cộng đồng, du lịch homestay, farmstay sẽ giúp các địa phương phát triển kinh tế, tạo thêm việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân; đồng thời, thúc đẩy phát triển du lịch, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm các nét đẹp văn hóa truyền thống của các địa phương.
Văn Nhất
Theo