Thứ sáu 29/03/2024 15:06 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

Vĩnh Phúc: Phấn đấu trở thành đô thị thông minh

14:10 | 13/08/2022

(Xây dựng) - Những năm qua, Vĩnh Phúc đang tập trung khai thác tiềm năng, phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý để phát triển kinh tế, phấn đấu đưa tỉnh trở thành đô thị thông minh, phát triển xứng tầm đô thị quan trọng của cả nước.

vinh phuc phan dau tro thanh do thi thong minh
Việc xây dựng đô thị thông minh là hướng đi có tính đột phá của Vĩnh Phúc.

Những năm qua, Vĩnh Phúc luôn là một trong những tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng về công nghiệp, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Để khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế của Vùng Thủ đô, Vĩnh Phúc đang tập trung phát triển ngành dịch vụ logistics với trọng tâm là Trung tâm logistics ICD Vĩnh Phúc có quy mô lớn nhất khu vực phía Bắc; đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ thương mại và hạ tầng đô thị.

Theo thông tin từ Ban Quản lý các khu công nghiệp Vĩnh Phúc: 7 tháng đầu năm 2022, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc thu hút được 14 dự án FDI mới và 20 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 235,11 triệu USD (cấp mới: 134,04 triệu USD; tăng vốn: 101,06 triệu USD), bằng77% so với cùng kỳ năm 2021 và 78% kế hoạch năm 2022; thu hút 08 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 432,61 tỷ đồng, bằng 9% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 62% so với kế hoạch năm 2022. Đến nay, số dự án đầu tư còn hiệu lực trong các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc là 432 dự án, gồm 90 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 22.446,09 tỷ đồng và 342 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 5.624,89 triệu USD.

Dự kiến trong tháng 8/2022, Ban Quản lý sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2-3 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 15-20 triệu USD và 3-4 dự án DDI với số vốn đầu tư đăng ký khoảng 1.000 tỷ đồng; tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp triển khai dự án. Đồng thời dự kiến có thêm 3-4 dự án đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, vốn thực hiện của các dự án FDI đạt khoảng 30-35 triệu USD và các dự án DDI đạt khoảng 50 tỷ đồng.

Ban Quản lý cho biết, tiếp tục chỉ đạo các công ty phát triển hạ tầng đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng và thực hiện các thủ tục xây dựng tại các khu công nghiệp: Sơn Lôi, Sông Lô I, Sông Lô II, Tam Dương I-khu vực 2; Nam Bình Xuyên để thực hiện khởi công xây dựng dự án như tiến độ nhà đầu tư đã cam kết; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao đối với các khu công nghiệp: Phúc Yên, Đồng Sóc và Chấn Hưng theo chỉ đạo của UBND tỉnh; đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại của các khu công nghiệp: Khai Quang, Bình Xuyên, Bá Thiện II, Tam Dương II - khu A để tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư trong thời gian tới.

Cùng với đó, Ban Quản lý tăng cường đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư để nhanh chóng triển khai dự án đầu tư hạ tầng và thứ cấp, đồng thời thu hút nhà đầu tư mới. Hơn nữa, UBND tỉnh luôn lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, trao đổi để tìm cách tháo gỡ những vướng mắc một cách tốt nhất.

Chia sẻ về những nỗ lực cải tiện môi trường đầu tư, lãnh đạo UBND huyện Yên Lạc cho biết: huyện Yên Lạc đã xây dựng Đề án tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, trong đó đã thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ những cơ chế, chính sách cản trở phát triển các nguồn lực, trọng tâm là các cơ chế, chính sách cản trở trong lĩnh vực đất đai, thủ tục thu hút đầu tư và cơ chế chính sách xã hội hoá. Theo đó, huyện rà soát và cắt giảm một số hồ sơ thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời, đẩy mạnh hoạt động kiểm tra trách nhiệm thực thi công vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc UBND huyện và các xã, thị trấn.

vinh phuc phan dau tro thanh do thi thong minh
Vĩnh Phúc điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Để phát huy tối đa tiềm năng sẵn có, kết nối hiệu quả trong Vùng Thủ đô, Vĩnh Phúc đang xây dựng Đề án Đô thị thông minh, giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030 với mục tiêu phát triển hệ thống đô thị Vĩnh Phúc theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh và bền vững. Theo đó, Vĩnh Phúc đang tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm, huyết mạch về giao thông để thu hút đầu tư và lưu thông hàng hóa. Hiện nay, tỉnh đang hoàn thiện hệ thống quy hoạch, trong đó tập trung hoàn thành Quy hoạch tỉnh đến năm 2030 theo hướng kết nối liên thông với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng, Vùng Thủ đô Hà Nội.

Đầu tư, nâng cấp các tuyến đường sẵn có kết nối với thủ đô Hà Nội như: Cao tốc Hà Nội – Lào Cai, Quốc lộ 2 và Quốc lộ 2C; cầu Vân Phúc qua sông Hồng; đường từ Phúc Yên đi Sóc Sơn, kết nối cảng hàng không quốc tế Nội Bài; đường Vành đai 5, Vùng Thủ đô; triển khai dự án mở rộng đường trục trung tâm Khu đô thị mới Mê Linh. Khung hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc hiện nay đang được định hình trên cơ sở kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, phù hợp quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc, quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội và quy hoạch các phân khu. Tập trung khai thác tiềm năng về du lịch nghỉ dưỡng, phát triển các khu đô thị sinh thái, dịch vụ giáo dục, y tế chất lượng cao để thu hút du khách trong và ngoài nước đến làm việc, sinh sống và nghỉ dưỡng.

Cùng với đó là phát triển hạ tầng dịch vụ, hình thành các loại hình dịch vụ thông minh (công nghiệp, giáo dục, y tế, văn hóa, thương mại…) dựa trên nền kinh tế tri thức. Đầu tư, tạo điều kiện hỗ trợ, nâng cao hiệu suất quản lý phát triển đô thị thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu, phân tích dữ liệu, cảm biến, kết nối, tự động hóa, tương tác trên nền tảng hạ tầng ICT. Xây dựng đô thị thông minh không chỉ đơn thuần là ứng dụng công nghệ tiên tiến để giải quyết một số vấn đề như quản lý giao thông, an ninh trật tự, cấp điện nước... mà còn được hiểu ở tầm cao hơn.

Quá trình xây dựng đô thị thông minh Vĩnh Phúc sẽ được triển khai trên phạm vi toàn tỉnh, trong đó mỗi khu vực đều có giải pháp đặc thù để phát triển riêng biệt…

Việc xây dựng đô thị thông minh là hướng đi có tính đột phá của Vĩnh Phúc, góp phần nâng cao tính cạnh tranh, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và đặc biệt là cung cấp ngày càng nhiều dịch vụ tiện ích cho đời sống xã hội, hình thành những đô thị đáng sống, đem lại hạnh phúc cho chính người dân.

Bích Huệ

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load