(Xây dựng) - Ngày 17/9, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức Hội thảo khoa học tư vấn phản biện dự thảo “Đồ án quy hoạch chung thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2045”.
Các đại biểu tham dự Hội thảo. |
Thành phố Phúc Yên được xác định là cửa ngõ phía Đông của tỉnh và Thủ đô Hà Nội; là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của tỉnh, với vai trò là đô thị trung tâm dịch vụ chất lượng cao, y tế, giáo dục đào tạo, du lịch, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời là đô thị sinh thái, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kiến trúc đô thị hài hòa với thiên nhiên; tôn tạo và bảo tồn các di tích văn hóa – lịch sử, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển bền vững.
Dân số của thành phố Phúc Yên đến hết năm 2023 là hơn 136.600 người. Tổng điểm đánh giá việc đáp ứng tiêu chí đô thị loại II thời điểm năm 2023 đạt 71,52/75 điểm.
Theo dự thảo đồ án quy hoạch thành phố Phúc Yên đến năm 2045 có diện tích 11.949ha. Quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 160.000 người; đến năm 2045 đạt khoảng 180.000 người.
Định hướng không gian phát triển gồm 4 phân vùng chính gắn với 4 hành lang sinh thái, bao gồm: Phân vùng đô thị trung tâm, phân vùng đô thị mới phía Nam hồ Đại Lải, phân vùng du lịch nghỉ dưỡng cao cấp hồ Đại Lải và nông nghiệp sinh thái, phân vùng du lịch sinh thái rừng Ngọc Thanh.
Với các hành lang sinh thái chính bao gồm hành lang dọc sông Ba Hanh và sông Cà Lồ cụt, hành lang núi Thằn Lằn, hành lang dọc suối Lập Đinh, sông Đồng Đò và hành lang dọc sông Cà Lồ.
Dự thảo đồ án cũng đưa ra các định hướng hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội; dự kiến ranh giới nội thị, ngoại thị; quy hoạch sử dụng đất; thiết kế đô thị; định hướng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị; các giải pháp bảo vệ môi trường…
Tại Hội thảo, 100% thành viên Hội đồng tư vấn phản biện nhất trí với tầm quan trọng của Đồ án quy hoạch chung thành phố Phúc Yên đến năm 2045. Đồng thời tập trung tư vấn, phản biện, góp ý một số nội dung như đánh giá sự cần thiết của đồ án, bổ sung các căn cứ quy định của pháp luật, căn cứ thực tiễn, quy hoạch tổng thể, hiệu quả tác động của đồ án; bổ sung nội dung về sự kết nối với các đô thị xung quanh, sự so sánh với các đô thị tương đồng; bổ sung đề xuất quỹ đất cho hạ tầng thương mại; tập trung vào các lợi thế của thành phố Phúc Yên; để thực hiện có hiệu quả đồ án cần phân theo giai đoạn; xác định rõ các giải pháp, các dự án ưu tiên theo từng giai đoạn…
Trên cơ sở ý kiến góp ý của các đại biểu, Hội đồng tư vấn, phản biện đề nghị thành phố Phúc Yên và đơn vị tư vấn tiếp thu, sớm bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện dự thảo đồ án trình cơ quan chức năng xem xét, phê duyệt.
Văn Nhất
Theo