(Xây dựng) – Quan tâm đến công tác an sinh xã hội, tỉnh Vĩnh Phúc đã dành sự quan tâm đặc biệt đến đầu tư xây dựng các công trình nước sạch tập trung nhằm từng bước cải thiện, nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống dân cư nông thôn, giảm nghèo bền vững và đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Công ty Cổ phần Cấp thoát nước số 1 Vĩnh Phúc đảm bảo chất lượng nguồn nước sạch phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. |
Mở rộng khách hàng sử dụng nước vùng nông thôn
Thực hiện theo chủ trương của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về cung cấp nước sạch cho người dân, trong những năm qua Công ty Cổ phần Cấp thoát nước số 1 Vĩnh Phúc luôn đảm bảo cấp nước cho các khách hàng là nhân dân, các khu công nghiệp đang sử dụng. Đồng thời, hàng năm Công ty luôn cân đối nguồn vốn để đầu tư xây dựng phát triển, mở rộng mạng lưới đường ống cấp nước cho khách hàng sử dụng nước sinh hoạt ở các vùng lân cận.
Là doanh nghiệp đi đầu trong triển khai các dự án cấp nước sạch nông thôn, những năm qua, Công ty Cổ phần Cấp thoát nước số 1 đã tập trung đầu tư máy móc, công nghệ, trang thiết bị, mở rộng phạm vi cấp nước đến khách hàng, nhất là khách hàng khu vực nông thôn. Ông Trần Duy Thập, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp thoát nước số 1 cho biết: Theo Quyết định số 1409 của UBND tỉnh về phê duyệt điều chỉnh cục bộ đồ án Quy hoạch cấp nước đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì vùng cấp nước của công ty gồm: Thành phố Vĩnh Yên và các huyện Tam Dương, Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên, Yên Lạc. Đến nay, ngoài hệ thống cấp nước bao phủ 100% các khu vực của thành phố Vĩnh Yên thì tại huyện Tam Dương, công ty đã lắp đặt hệ thống đường ống cấp nước đến 6/9 xã, thị trấn; huyện Tam Đảo 2/3 xã, thị trấn; huyện Lập Thạch 1/3 xã, thị trấn; huyện Bình Xuyên 3/4 xã, thị trấn và huyện Yên Lạc có hệ thống cấp nước bao phủ toàn thị trấn Yên Lạc.
Từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng khách hàng sử dụng nước sạch, trong tháng 9/2024, công ty đã khởi công dự án tuyến ống chính dẫn nước cho thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo; hoàn thành xây dựng dự án hệ thống nước sạch xã Duy Phiên, huyện Tam Dương và đã lắp đặt, đấu nối hệ thống dẫn nước cho hơn 1.300 hộ, đạt khoảng 62% tổng khách hàng có nhu cầu. Đồng thời đang tập trung lắp đặt, phấn đấu hoàn thành mạng lưới đường ống dẫn nước tại thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên trước tháng 6/2025; tiến hành khảo sát, thiết kế dự án cấp nước thị trấn Hợp Hòa, xã An Hòa, huyện Tam Dương; bổ sung tuyến ống cấp nước cho thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo...
Khó khăn từ nhiều phía
Việc triển khai các dự án nước sạch tập trung khu vực nông thôn gặp rất nhiều khó khăn do thời gian giải quyết thủ tục đầu tư dự án còn kéo dài và phải qua nhiều bước; chi phí đầu tư lớn, trong khi đó việc tiếp cận nguồn vốn vay tại các tổ chức tín dụng khó khăn, bị từ chối với lý do hiệu quả đầu tư thấp, thời gian thu hồi vốn dài và không có tài sản thế chấp vì các tuyến ống là công trình ngầm không hiện hữu. Bên cạnh đó, người dân có thói quen sử dụng nước sinh hoạt từ các giếng khoan, giếng khơi. Tại một khu vực dự án cấp nước đã hoàn thành, đưa vào sử dụng nhưng có không ít hộ dân không có nhu cầu sử dụng, gây lãng phí nguồn lực và ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Cụ thể như tại thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, năm 2012 có 600 hộ dân sử dụng nước sạch nhưng đến tháng 10/2024 giảm còn 223 hộ sử dụng nước sạch; tại xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên, trong quá trình khảo sát, lập dự án có 2.625 hộ đăng ký sử dụng nhưng từ khi dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng đến nay chỉ có hơn 1.500 hộ sử dụng; Dự án cấp nước xã Duy Phiên, huyện Tam Dương có 2.254 hộ đăng ký nhưng nay chỉ có gần 1.400 hộ sử dụng. Đặc biệt, tỷ lệ hộ tham gia họp dân, có nhu cầu dùng nước còn thấp, như tại thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo có 13/14 tổ dân phố tổ chức họp dân nhưng tỷ lệ người dân tham gia họp chỉ đạt hơn 14% và tỷ lệ hộ đăng ký dùng nước đạt 54%; tại thị trấn Gia Khánh, huyện Bình Xuyên có 14,2% hộ dân tham gia họp và tỷ lệ hộ có nhu cầu sử dụng nước đạt 41%; thị trấn Kim Long, thị trấn Hợp Hòa và các xã An Hòa, Hoàng Lâu, huyện Tam Dương, tỷ lệ hộ dân tham gia họp chỉ từ 13,1% - 20% và tỷ lệ hộ có nhu cầu dùng nước sạch đều dưới 63%.
Công nhân lắp đặt đường ống nước cho các hộ dân trên địa bàn xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch. |
Với Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng cấp nước Vĩnh Phúc, việc xây dựng công trình cấp nước tập trung cho khu vực nông thôn các huyện Sông Lô, Lập Thạch, Tam Dương cũng nhiều gian nan. Bà Lê Thị Kim Thanh, Giám đốc Công ty cho biết: Công ty triển khai xây dựng và đưa dự án Nhà máy cấp nước huyện Sông Lô vào hoạt động từ năm 2022, với công suất 16.000m3/ngày đêm và đã lắp đặt, đấu nối cấp nước cho trên 2.900 hộ. Đối với dự án Nhà máy cấp nước huyện Tam Dương, công suất 20.000 m3/ngày đêm, đơn vị hoàn thành việc xây dựng mạng lưới đường ống cấp nước cho Khu công nghiệp Tam Dương, các xã lân cận và một phần cho thành phố Vĩnh Yên. Riêng Dự án cấp nước cho 3 xã Xuân Lôi, Tiên Lữ, Đồng Ích, huyện Lập Thạch, công suất trạm bơm tăng áp 4.000 m3/ngày đêm do chưa xây dựng được trạm bơm tăng áp nên việc cấp nước cho Nhân dân không bảo đảm áp lực. Nhiều khu vực dân cư đã có đường ống nhưng chưa thể đấu nối cấp nước cho dân, nhất là vào mùa khô tại các xã Tiên Lữ, Đồng Ích. Bên cạnh đó, một số thôn có đường ngõ nhỏ hẹp, mật độ đường ống nước thải của các hộ dân dày đặc khiến việc thi công khó khăn. Số hộ đã đấu nối nhưng không sử dụng nước sạch còn nhiều như xã Xuân Lôi có 148 hộ đăng ký nhưng không sử dụng nước; xã Tiên Lữ có 137 hộ đăng ký không sử dụng.
Để gỡ vướng cho doanh nghiệp, các địa phương và nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung, tại cuộc họp nghe các đơn vị liên quan báo cáo về nội dung này cuối tháng 10/2024, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vũ Việt Văn đã yêu cầu các Sở, ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt hơn để nâng tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch, bảo đảm tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, đô thị văn minh. Cùng với đó, chủ động rà soát, xử lý các công việc thuộc thẩm quyền; tăng cường tuyên truyền việc sử dụng nước sạch trong nhân dân, các đoàn thể thành lập các tổ, nhóm tuyên truyền đến từng hội viên. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng báo cáo tổng hợp về tình hình sử dụng nước từ các công trình nước sạch tập trung trên địa bàn tỉnh; có văn bản báo cáo cụ thể Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, đánh giá các khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư nước sạch. Các huyện, thành phố, nhất là huyện Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô tiếp tục làm tốt công tác giải phóng mặt bằng triển khai các dự án cấp nước sạch cho Nhân dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Văn Nhất
Theo