(Xây dựng) – Trong quá trình thi công các công trình dự án luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người lao động và tiến độ của dự án. Để đảm bảo an toàn lao động, các chủ đầu tư và các đơn vị thi công địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động và người tham gia giao thông.
Công tác đảm bảo an toàn lao động luôn được Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính và chủ đầu tư chú trọng. |
Dự án xây dựng cầu vượt đường sắt trên đường Nguyễn Tất Thành, thành phố Vĩnh Yên do Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính làm nhà thầu thi công. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Vĩnh Phúc. Dự án vừa triển khai thi công vừa khai thác sử dụng nên việc đảm bảo an toàn lao động và an toàn giao thông luôn được chủ đầu tư và nhà thầu thi công chú trọng. Theo quan sát của phóng viên, trên công trường từng tổ công nhân làm việc hăng say, công nhân được trang bị đầy đủ mũ bảo hộ và đồ dùng bảo hộ theo quy định.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng các công trình giao thông tỉnh Lê Ngọc Minh cho biết: “Công tác đảm bảo an toàn lao động trong quá trình thi công luôn được Ban quan tâm, chú trọng thực hiện. Ban thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, ban hành các văn bản hướng dẫn, yêu cầu các nhà thầu thi công thực hiện đầy đủ việc trang bị bảo hộ cho người lao động và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn trong thi công.
Tuy nhiên, ở một số công trường dự án do ý thức chưa cao của người chủ sử dụng lao động và chính bản thân người lao động nên vẫn còn có trường hợp vi phạm. Thời gian tới, Ban sẽ tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm theo quy định của pháp luật…”.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, thời gian qua, việc chấp hành pháp luật về chất lượng, an toàn, vệ sinh lao động của một số nhà thầu xây lắp trên địa bàn tỉnh chưa được thực hiện nghiêm túc, còn để xảy ra một số tai nạn lao động đáng tiếc. Một số nhà thầu chưa quan tâm đúng mức đến hệ thống quản lý an toàn lao động, tổ chức còn thiếu khoa học, chưa thường xuyên, một số thiết bị thi công chưa đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn khi thi công… tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnhVĩnh Phúc đã ban hành các văn bản chỉ đạo yêu cầu các Sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, an toàn lao động trong thi công các công trình xây dựng. Rà soát công tác tổ chức thi công, kịp thời chấn chỉnh và chỉ đạo các nhà thầu (tư vấn giám sát, thiết kế thi công) thực hiện đầy đủ các trách nhiệm về công tác đảm bảo an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình.
Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra công tác quản lý an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong công trình xây dựng theo quy định, đặc biệt đối với các công trình thi công xây dựng có đào hố móng sâu, đào taluy âm, taluy dương, sử dụng các trang thiết bị thi công dễ gây mất an toàn như máy khoan cọc nhồi, máy ép cọc bê tông, cần cẩu tháp, máy bơm bê tông, máy đào xúc...
Cương quyết dừng thi công xây dựng nếu phát hiện tại công trường xây dựng có nguy cơ mất an toàn; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm về quản lý chất lượng, an toàn lao động trong công trình xây dựng; thu hồi các chứng chỉ hành nghề của các cá nhân, chúng chỉ năng lực hoạt động xây dựng của tổ chức trong trường hợp vi phạm các quy định hiện hành.
Đặc biệt, đối với các nhà thầu thi công, yêu cầu thường xuyên rà soát, kiểm tra công tác thi công xây dựng để kịp thời phát hiện xử lý những sai sót, tránh tình trạng phải xử lý sau khi đã hoàn thành công trình; bố trí nhân lực, thiết bị thi công theo hợp đồng xây dựng, hồ sơ trúng thầu và các quy định của pháp luật có liên quan.
Tổ chức lập kế hoạch về an toàn lao động trước khi thi công xây dựng công trình; tổ chức lập biện pháp thi công riêng, chi tiết đối với các công việc đặc thù, có nguy cơ mất an toàn lao động cao được quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia an toàn trong xây dựng.
Yêu cầu người lao động sử dụng đúng và đủ dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc; trên công trường xây dựng bắt buộc phải có hệ thống biển cảnh báo, báo hiệu các khu vực thi công có điện, lối đường giao thông, khu vực tập kết, vận chuyển vật tư.
Đặc biệt, đối với các công trình xây dựng hệ thống điện, đường giao thông, hạ tầng thoát nước phải có rào chắn cứng, đèn tín hiệu báo hiệu chỉ dẫn... Chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư về chất lượng công trình, an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình.
Bích Huệ
Theo