Chủ nhật 03/11/2024 04:17 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Xã hội /

Vĩnh Phúc: Chủ động đảm bảo an toàn hạ du khi vận hành hồ thủy điện Tuyên Quang, Thác Bà

16:05 | 09/09/2024

(Xây dựng) – Để đảm bảo an toàn về người và tài sản khi hồ Tuyên Quang vận hành xả lũ, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn một số huyện tổ chức thông báo ngay đến các cấp chính quyền, người dân…

Vĩnh Phúc: Chủ động đảm bảo an toàn hạ du khi vận hành hồ thủy điện Tuyên Quang, Thác Bà
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra công tác phòng chống, khắc phục hậu quả bão số 3

Ngày 9/9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Công điện số 6616 lệnh Giám đốc Công ty Thuỷ điện Tuyên Quang mở cửa xả đáy thứ 5 vào hồi 11h00 ngày 9/9; Văn bản số 6619 về việc đảm bảo an toàn hạ du khi vận hành hồ thủy điện Tuyên Quang (từ 11h00 ngày 9/9: Hồ Hoà Bình có 2 cửa xả đáy, hồ Tuyên Quang có 5 cửa xả đáy, hồ Thác Bà có 3 cửa xả mặt).

Để đảm bảo an toàn về người và tài sản khi hồ Tuyên Quang vận hành xả lũ, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện: Sông Lô, Lập Thạch, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Dương tổ chức thông báo ngay đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản trên sông, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang; rà soát, đảm bảo an toàn các công trình đang thi công; các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tập kết cát, sỏi biết thông tin xả lũ của hồ thủy điện Tuyên Quang để chủ động các biện pháp phòng tránh, đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Trước đó, ngày 26/8/2024, Chủ tịch UBND huyện Sông Lô có văn bản báo cáo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, đề nghị xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở bờ sông Lô tại khu vực xã Đức Bác, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc.

Vĩnh Phúc: Chủ động đảm bảo an toàn hạ du khi vận hành hồ thủy điện Tuyên Quang, Thác Bà
Vị trí sạt lở ngay gần cầu Vĩnh Phú.

Báo cáo nêu rõ, do ảnh hưởng của mưa, lũ trên địa bàn huyện Sông Lô đã xảy ra nhiều điểm sạt lở ảnh hưởng trực tiếp đến công trình đê điều, bãi sông, cơ sở hạ tầng, giao thông, thủy lợi và cuộc sống của các hộ dân trong khu vực sạt lở. Khu vực bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi thiên tai là khu vực bãi sông Lô, đặc biệt là khu vực qua địa phận xã Đức Bác có mặt cắt hẹp, hiện trạng mái bờ sông dốc đứng tại nhiều vị trí, dòng chủ lưu áp sát bờ gây sạt lở mạnh.

Hiện tượng sạt lở bắt đầu từ năm 2021 và sạt lở mạnh trong mùa mưa lũ các năm 2022, 2023. Sau mùa mưa lũ năm 2023, phạm vi sạt lở lan rộng với chiều dài đoạn bờ sông sạt lở khoảng 700m, ăn sâu về phía chân đê từ 20-30m, ước tính diện tích đất nông nghiệp bị sạt lở mất khoảng 2ha.

Trong khi chưa được gia cố, từ ngày 11 đến 15/8, trên địa bàn huyện Sông Lô có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa phổ biến từ 60-120mm, có nơi hơn 200mm như tại các xã Bạch Lưu, Hải Lựu, Lãng Công; đồng thời, các hồ thủy điện: Tuyên Quang, Hòa Bình, Thác Bà xả lũ, tác động trực tiếp đến chế độ dòng chảy sông Lô làm hiện trạng sạt lở lan rộng đặc biệt nguy hiểm, khó kiểm soát, cung sạt tiếp tục ăn sâu về phía đê tả Lô từ 10-15m, có nguy cơ uy hiếp đến tính mạng người dân đang sinh sống ngoài bãi sông và tuyến đê tả sông Lô.

Trên sông Phó Đáy, thôn Tân Lập, xã Đồng Ích có tổng số 271 hộ dân, trong đó, 31 hộ dân có nguy cơ cao bị ngập úng do mực nước sông dâng cao sau hoàn lưu bão cần phải sơ tán.

Trực tiếp đến kiểm tra tình hình thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả sau bão số 3 tại một số địa phương trên địa bàn huyện và xã Đông Ích, Chủ tịch UBND huyện Lập Thạch Hoàng Long Biên yêu cầu khẩn trương khắc phục thiệt hại sau bão số 3 gây ra. Các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra tại các tuyến giao thông, triển khai lực lượng, máy móc khắc phục nhanh các tuyến đường có cây đổ gãy, đảm bảo giao thông được thông suốt. Hơn 30 hộ dân thôn Tân Lập, xã Đông Ích có nguy cơ cao bị ngập do nước sông dâng cao sau hoàn lưu bão cần phải sơ tán.

Bên cạnh đó, để chủ động ứng phó với hoàn lưu bão số 3, cần tiếp tục thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ", tổ chức triển khai theo các phương án, kế hoạch đã được phê duyệt, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động sơ tán ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhất là các hộ dân sinh sống ven sông. Đồng thời, sẵn sàng phương án tổ chức sơ tán 31 hộ dân của thôn Tân Lập có nguy cơ cao bị ngập do mực nước sông dâng cao sau hoàn lưu bão, đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng và tài sản của nhân dân.

Văn Nhất

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load