(Xây dựng) – Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam sẵn sàng cho mở cửa du lịch toàn diện chính thức từ 15/3/2022.
Ông Nguyễn Trùng Khánh – Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam. |
Đây là nội dung được ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết tại Diễn đàn “Luồng xanh” cho du lịch cất cánh – Mở cửa du lịch linh hoạt, an toàn, hiệu quả do Báo Diễn đàn doanh nghiệp thuộc VCCI và Tổng cục Du lịch Việt Nam tổ chức sáng ngày 11/3 tại Hà Nội.
Ngành Du lịch sẵn sàng cho mở cửa du lịch toàn diện
Phát biểu tại Diễn đàn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, toàn ngành đã sẵn sàng và đang chuẩn bị hoàn tất các điều kiện để đảm bảo tốt nhất cho việc mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3. Để mở cửa lại an toàn, hiệu quả với lĩnh vực du lịch, rất cần sự hỗ trợ, đồng hành của tất cả các bộ, ngành và địa phương liên quan, đặc biệt là sự tham gia của các doanh nghiệp.
“Chúng tôi cho rằng, với những biện pháp và lộ trình đón khách nội địa và thí điểm đón khách quốc tế theo chương trình hộ chiếu vaccine đã có những thử nghiệm, trải nghiệm sẽ là căn cứ quan trọng cho du lịch Việt Nam trong quá trình mở cửa lại hoạt động du lịch trong bối cảnh bình thường mới đạt hiệu quả đề ra. Đồng thời, đáp ứng định hướng, mong muốn của Đảng, Chính phủ về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước” – ông Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh.
Toàn cảnh Diễn đàn “Luồng xanh” cho du lịch cất cánh. |
Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trung Khánh: Cần tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm để mở cửa du lịch, cụ thể gồm:
Thứ nhất, mở cửa phi đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Đây là điều kiện tiên quyết cho sự thành - bại của việc mở cửa; Thứ hai, khôi phục các chuyến bay thương mại thường lệ; Thứ ba, cho phép áp dụng lại chính sách thị thực với khách nhập cảnh như thời điểm năm 2019, để nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến; Thứ tư, hiện Việt Nam đã công nhận “hộ chiếu vaccine”, giấy chứng nhận tiêm chủng của 79 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, mới chỉ có 14 quốc gia công nhận hộ chiếu vaccine Việt Nam. Đây là một trong những nguyên nhân gây khó trong việc đưa khách đi du lịch nước ngoài, chỉ khi cân bằng được cung - cầu của khách Inbound và Outbound thì mới giảm chi phí các chuyến bay, giảm giá tour của các công ty du lịch; Thứ năm, chuẩn bị các điều kiện về năng lực phục vụ, cơ sở vật chất của ngành; Thứ sáu, chuẩn bị kỹ về sản phẩm, các điều kiện khác để nâng cao năng lực cạnh tranh; Thứ bảy, tiếp tục quảng bá chiến dịch "Live Fully In Vietnam" (Sống trọn vẹn tại Việt Nam) và tham gia các hội chợ du lịch quốc tế lớn, đồng thời tập trung quảng bá du lịch Việt Nam tới các thị trường mục tiêu; Thứ tám, về vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, sau hai năm chịu tác động nặng nề do đại dịch COVID-19, doanh nghiệp cần có thời gian để phục hồi. Vì vậy, các chính sách hỗ trợ đang có cần tiếp tục kéo dài ít nhất đến hết năm 2023 như chính sách giảm giá điện, giảm thuế VAT, giảm tiền thuê đất, giảm phí cấp phép lữ hành, cấp thẻ hướng dẫn viên…
Định vị thương hiệu quốc gia là điểm đến di sản
Doanh nhân Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT, CEO Lux Group cho rằng di sản là “mỏ kim cương” vô tận cho du lịch Việt Nam cần cất cánh an toàn.
Doanh nhân Phạm Hà - Chủ tịch HĐQT, CEO Lux Group. |
Ông Phạm Hà thống kê, ở Việt Nam, bất cứ vùng miền, địa phương nào cũng có nhiều di sản vật thể hoặc phi vật thể, không lớn thì nhỏ. Việt Nam hiện có hơn 40.000 thắng cảnh. Trong đó có hơn 3.000 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 5.000 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Ngoài ra, cả nước có 117 bảo tàng. Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới có tới 39 di sản được UNESCO công nhận. Trong đó có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 12 di sản văn hóa phi vật thể, 7 di sản tư liệu, 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới và 3 công viên địa chất toàn cầu.
“Đây là tài nguyên du lịch vô cùng quý giá, có sức hấp dẫn mạnh mẽ với du khách trong và ngoài nước. Minh chứng là 2 năm liên tiếp 2019 và 2020, Tổ chức giải thưởng du lịch thế giới (World Travel Awards - WTA) vinh danh Việt Nam là “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới. Hiếm có quốc gia nào sở hữu số lượng di sản khổng lồ như vậy và chính những di sản vật thể và phi vật đó đã giúp Việt Nam trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách quốc tế” - Ông Phạm Hà khẳng định.
Nếu như trước đây, thế giới biết đến Việt Nam là quốc gia anh hùng trong chiến tranh thì nay các di sản như: Vịnh Hạ Long, Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, đô thị cổ Hội An, cố đô Huế… chính là những “thỏi nam châm” thu hút du khách quốc tế, đưa Việt Nam trở thành điểm đến du lịch di sản hấp dẫn hàng đầu thế giới.
Di sản là “mỏ kim cương” để phát triển du lịch. |
“Có thể khẳng định, di sản là “mỏ kim cương” vô tận, đáng để chúng ta trân quý, gìn giữ, nâng tầm, lan tỏa, tôn vinh và thể hiện trách nhiệm với di sản của đất nước. Mặt khác, từ du lịch di sản, có thể dễ dàng kết nối, khai thác các loại hình du lịch golf, nghỉ dưỡng cao cấp, chăm sóc sắc đẹp, sức khỏe; đăng cai các sự kiện lớn du lịch thể thao như đua xe công thức 1, đạp xe, marathon...” – Doanh nhân Phạm Hà hiến kế.
Tác động mạnh đến doanh thu tất cả các ngành kinh tế khác
Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định: Cần nhìn nhận quan điểm không nên coi du lịch mở cửa như một chính sách được ưu tiên mà nên hiểu du lịch là ngành kinh tế ảnh hưởng đến ngành kinh tế khác. Du lịch là phải có khách, có khách là có tất cả các hoạt động, kích hoạt mọi nguồn thu và việc làm cho toàn bộ dây chuyền sản xuất kinh doanh và tạo ra doanh thu lợi nhuận chung của nền kinh tế.
Du lịch tác động đến các ngành kinh tế khác. Các hãng hàng không chuẩn bị mọi điều kiện để cất cánh an toàn (Ảnh: Goku). |
Để mở cửa du lịch, trước hết là cần khôi phục những thứ chúng ta đã có từ năm 2020 là miễn visa “có đi có lại” với danh sách các quốc gia có lượng khách truyền thống lớn để tận dụng thời cơ cạnh tranh với thị trường du lịch của châu Á và Đông Nam Á. Bên cạnh đó, cần phối hợp với các quốc gia có sử dụng hộ chiếu vắc xin và cách ly theo lộ trình nhưng hạn chế ở mức thấp nhất và phạm vi hợp lý nhất.
Ninh Nhi
Theo