(Xây dựng) – Đây là phát biểu của ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, người phát ngôn của Chính phủ tại buổi họp báo thường kỳ tháng 1 năm 2020 diễn ra vào chiều nay (5/2).
Toàn cảnh buổi họp báo. |
Tại phiên họp, ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã nêu cao tinh thần quyết liệt, bình tĩnh chống bệnh dịch viêm đường hô hấp cấp trên phạm vi cả nước. Cụ thể, Chính phủ đã triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới, đánh giá toàn diện tác động của dịch bệnh ảnh hưởng đến Việt Nam…
Về công tác phòng chống dịch nCoV (viêm đường hô hấp cấp do virus Corona gây ra), các bộ, ngành địa phương đã gấp rút triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn dịch. Có thể nói, các biện pháp mà Việt Nam đang áp dụng còn mạnh hơn dịch SARS năm 2003 và so với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị. Chính phủ khẳng định, có thể chấp nhận thiệt hại về lợi ích kinh tế để đảm bảo sức khỏe, tính mạng và cuộc sống của người dân Việt Nam.
Theo đánh giá lạc quan, hiện có 10 trường hợp dương tính với nCoV tại nước ta và có 3 người được chữa khỏi, trong đó có công dân Trung Quốc, chưa có người nào tử vong.
Tuy nhiên, diễn biến dịch nCoV đến thời điểm này rất phức tạp, được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến khó lường, ảnh hưởng lớn tới đời sống của nhân dân, cũng như tác động mạnh đến mọi mặt như tốc độ tăng trưởng kinh tế, đầu tư, thương mại và du lịch…
Do đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương không được chủ quan, lơ là nhưng tuyệt đối không hoang mang, dao động. Với quyết tâm không để dịch bệnh lây lan, phải coi việc phòng, chống dịch như “chống giặc”, Ban Bí thư yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để phòng, chống dịch. Các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành nhận diện đúng các khó khăn, thách thức, dự báo các tình huống có thể xảy ra. Đề xuất và kiến nghị các giải pháp vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế với mục tiêu phấn đấu hoàn thành toàn diện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Chỉ trong thời gian ngắn, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã liên tiếp chỉ đạo nhiều công văn, chỉ thị, công điện để các bộ, ngành, địa phương cũng như cơ sở y tế, tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện.
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo trước Chính phủ, dự kiến nếu dịch Corona được khống chế kịp thời trong quý I/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,27% so với năm trước (thấp hơn 0,53 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra). Tuy nhiên, nếu dịch Corona kéo dài sang quý II/2020 thì tăng trưởng quý II là 5,81% (thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết 01/NQ-CP là 0,89 điểm phần trăm, dẫn tới ước tính GDP năm 2020 tăng 6,09% so với năm trước và thấp hơn 0,71 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra). Như vậy, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2020 được đánh giá là một thách thức rất lớn.
Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 năm 2020 tiếp tục ổn định, mặc dù có nhiều chỉ số giảm vì tháng 1/2020 trùng với Tết Nguyên đán Canh Tý (chỉ có 18 ngày làm việc trong tháng 1/2020). Các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, chỉ đạo quyết liệt và thực tế chúng ta đã có Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đầm ấm, vui tươi, an toàn, tiết kiệm.
Một số kết quả nổi bật phải kể đến như: Nông nghiệp phát triển ổn định; chăn nuôi gia cầm phát triển tốt; thủy sản tiếp tục giữ đà tăng trưởng (gia cầm tăng 15%, đàn bò tăng 2,4%; diện tích rừng bị cháy, bị chặt phá giảm 20,6%; thủy sản tăng 1,7%, riêng tôm tăng 6,1%); Vốn đăng ký thành lập mới doanh nghiệp tăng 76,8%, cao nhất trong 4 năm qua. Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng 179,5%. Vốn FDI thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đáng chú ý, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,2%, hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ diễn ra sôi động, nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đa dạng phục vụ nhu cầu của người dân dịp Tết Nguyên đán.
Đặc biệt, hoạt động vận tải tăng cao so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu đi lại của người dân và vận chuyển hàng hóa trong dịp Tết tăng mạnh (vận tải hành khách tăng 15,1%; hàng hóa tăng 10,7%). Khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 2 triệu lượt người, cao nhất từ trước đến nay.
An sinh xã hội được đảm bảo với phương châm “không để người dân nào bị đói, không có Tết”, xuất cấp 6.500 tấn gạo hỗ trợ dịp Tết Nguyên đán và hỗ trợ gạo cho các hộ thiếu đói các tỉnh vùng núi phía bắc. Tai nạn giao thông giảm mạnh (cả 3 tiêu chí).
Bên cạnh đó, một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội giảm so với cùng kỳ, hoặc so với tháng trước như IIP tháng 1/2020 giảm 11,8% so với tháng trước và giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước; số lượng doanh nghiệp đăng ký mới giảm 17,9%; nhiều khoản thu nội địa đạt mức thấp do mới bước vào đầu năm và chưa đến kỳ hạn kê khai nộp thuế; kim ngạch xuất nhập khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ, xuất hiện nhập siêu. Đặc biệt, CPI tăng 1,23% so với tháng 12/2019 và tăng 6,43% so với tháng 1/2019, mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây.
Trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục xác định việc chống dịch nCoV là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay nhưng tuyệt đối không được lơ là việc thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra. Đồng thời, sau khi kiểm soát, dập dịch thành công phải tập trung để khôi phục sản xuất, bảo đảm cung cầu, giá cả hàng hóa, đời sống nhân dân và thực hiện linh hoạt các chính sách, giải pháp để kích thích sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Ánh Dương – Việt Khoa
Theo