(Xây dựng) - Có thể thấy đại dịch Covid - 19 như “cơn bão lớn” quét qua đời sống xã hội làm lộ ra nhiều khoảng trống đối với ngành Y tế. Hàng loạt cán bộ quản lý mắc sai phạm bị kỷ luật thậm chí trả giá đắt; Làn sóng y, bác sĩ nghỉ việc dấy lên trên khắp cả nước; Tất cả các bệnh viện đều đứng trước khó khăn thiếu thốn vật tư y tế thiết bị điều trị, thuốc men, cơ sở vật chất không bảo đảm... Nhưng rất mừng, hầu hết các cơ sở y tế đã và đang nỗ lực từng ngày để nâng cao chất lượng điều trị, cải tiến dịch vụ, nỗ lực vì sự hài lòng của người bệnh.
Đào tạo chuyên sâu điều trị tim mạch tại Bệnh viện Xây dựng. |
Hướng tới nền y tế chất lượng cao
Một tin vui lớn trong dịp chào đón kỷ niệm 68 năm tôn vinh ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/02/2023, tại TP.HCM đã đưa vào hoạt động các công trình y tế kỹ thuật cao phục vụ người dân. Đây được kỳ vọng là những trung tâm y tế chuyên sâu góp phần vào nền y tế kỹ thuật cao, y tế thông minh của thành phố phát triển bậc nhất cả nước. Đơn cử, ngày 21/02, Bệnh viện Nguyễn Trãi khánh thành khu điều trị kỹ thuật cao sau 130 năm lịch sử hình thành phát triển bệnh viện. Công trình được thi công trong gần 5 năm bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, kinh phí phê duyệt 279 tỷ đồng. Khu điều trị kỹ thuật cao gồm 9 tầng nổi, 1 tầng hầm, quy mô 300 giường bệnh nội trú, tổng diện tích sàn xây dựng 17.480 m2. Khu điều trị kỹ thuật cao thật sự trở thành điểm nhấn của Bệnh viện Nguyễn Trãi, không chỉ là một khối nhà mới thay thế cho cơ sở hạ tầng vốn đã xuống cấp, mà còn là điều kiện để các thầy thuốc của Bệnh viện có cơ hội phát triển hơn nữa các kỹ thuật điều trị chuyên sâu.
Thời gian tới, Bệnh viện Nguyễn Trãi sẽ phát triển các kỹ thuật chuyên sâu về tim mạch như đặt stent mạch vành và mạch máu ngoại biên; nội soi can thiệp xâm lấn tối thiểu giúp chẩn đoán chính xác các bệnh lý dạ dày, đại tràng; tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa bằng phương pháp nội soi không đau; áp dụng các thiết bị nội soi nhuộm màu điện tử, nội soi phóng đại để điều trị các tổn thương ung thư sớm.
Trước đó, Bệnh viện Nhân dân 115 cũng đưa vào hoạt động Khu chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao sau 6 năm xây dựng. Với diện tích sàn xây dựng trên 19.000m2, tổng vốn đầu tư hơn 332 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, Khu điều trị này là tòa nhà gồm 10 tầng, có 2 tầng hầm riêng và đường hầm kết nối với khu vực cấp cứu, điều trị ngoại trú.
Ở một quy mô nhỏ hơn, Bệnh viện Xây dựng lại xác định chủ trương xây dựng, đổi mới tác phong, lề lối làm việc, tinh thần thái độ phục vụ, nhằm không ngừng nâng cao y đức người thầy thuốc, thực hiện tốt văn hóa ứng xử giao tiếp, không gây phiền hà đối với người bệnh, nói không với phong bì, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh với phương châm cốt lõi lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động. Thực hiện theo lời dạy của cố giáo sư Phạm Ngọc Thạch “đến - tiếp đón niềm nở; ở - chăm sóc tận tình; về - dặn dò chu đáo” làm phương châm sống còn của bệnh viện.
Tòa nhà Khu chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao, Bệnh viện Nhân dân 115. |
Nói về thế mạnh của mình, bác sĩ Lê Hữu Nghị - Phó giám đốc Bệnh viện Xây dựng không giấu niềm tự hào cho biết: Bệnh viện Xây dựng đã có những khoa “cứng” trong ngành Y, đủ năng lực điều trị bệnh nhân như: Khoa Nội tim mạch lão khoa; Khoa Nội Cán bộ - Tự nguyện; Khoa Truyền nhiễm; Khoa Xét nghiệm; Khoa Khám bệnh; Khoa Hồi sức cấp cứu. Về nhân sự, Bệnh viện hiện có tổng số 305 lao động; trong đó trình độ tiến sĩ, bác sĩ CKII có 11 người; thạc sĩ bác sĩ CKI có 40 người; Đại học có 127 người…
Các khoa chức năng của Bệnh viện đang được quản lý điều hành của đội ngũ y bác sĩ trẻ giàu kinh nghiệm, đầy đam mê và nhiệt huyết như: Bác sĩ CK 2 Lê Thái Ninh - Trưởng khoa hồi sức cấp cứu đã nhiều phen đối diện với các ca bệnh thập tử nhất sinh. Trường hợp mới đây nhất là ca cấp cứu thành công cụ bà 83 tuổi vào viện lúc nửa đêm, trong tình trạng suy hô hấp, chỉ số SPO2 chỉ còn 91, loạn nhịp tim, suy thận cấp… Nếu vài năm trước, các ca bệnh này Bênh viện sẽ chuyển tuyến trên, thì nay đã tự tin đón nhận, cấp cứu thành công, được người nhà rất cảm kích.
Một trong những điểm mạnh mang tính đột phá trong công tác điều trị khám chữa bệnh của Bệnh viện Xây dựng là triển khai ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật chẩn đoán và điều trị công nghệ cao như: Nội soi can thiệp tim mạch, can thiệp tiêu hóa, X-quang kỹ thuật số, phát triển hoàn thiện một số kỹ thuật như: nội soi chẩn đoán và can thiệp tiêu hóa, tai mũi họng; chụp cắt lớp VCT64 dãy, siêu âm 3D, 4D tim mạch, tuyến giáp.
Sự hài lòng của người bệnh là thước đo của ngành Y tế
Bức tranh ngành Y cho thấy, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh được xác định là nhiệm vụ sống còn đối với sự phát triển của bệnh viện. PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, chia sẻ, khi thực hiện bộ tiêu chí liên quan tới sự hài lòng của bệnh nhân mà Bộ Y tế đưa ra, nhiều ý kiến góp ý đã được chuyển tới giám đốc của các bệnh viện để kịp thời bổ sung. Đích đến của việc cải tiến chất lượng là sự hài lòng của người bệnh, do vậy, các bệnh viện cần triển khai khảo sát về sự hài lòng của người bệnh với tinh thần thực sự cầu thị.
Đặc biệt, để khuyến khích cũng như thúc đẩy cải tiến chất lượng bệnh viện, năm 2023, Bộ Y tế sẽ triển khai Giải thưởng quốc gia về chất lượng bệnh viện, cùng với đó là các giải thưởng chuyên đề về an toàn người bệnh, an toàn phẫu thuật, chất lượng lâm sàng, chất lượng xét nghiệm, công tác dược bệnh viện, dinh dưỡng lâm sàng, kiểm soát nhiễm khuẩn, phát triển nguồn nhân lực y tế, cải tiến quy trình khám, chữa bệnh, ứng dụng công nghệ thông tin trong bệnh viện và giải thưởng về đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Hoạt động này được đánh giá là phù hợp với xu thế quốc tế. Nhiều tổ chức thẩm định chất lượng bệnh viện như JCI (Mỹ), ACHS (Australia)... đã xây dựng các bộ tiêu chuẩn, sau đó thẩm định, cấp chứng nhận cho những bệnh viện đạt yêu cầu về chất lượng.
Thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng việc giảm quá tải bệnh viện, tăng cường khám, chữa bệnh từ xa, thực hiện Bộ 83 tiêu chí chất lượng bệnh viện. Các cơ quan chức năng cần sớm có hướng dẫn nhằm triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi; sớm đưa luật này vào thực hiện trong cuộc sống bằng cách ban hành các hướng dẫn xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở cho việc xây dựng giá viện phí; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các phác đồ, quy trình, hướng dẫn điều trị thống nhất trong cả nước; xây dựng và hoàn thiện đề án đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công...; xây dựng các phong trào thi đua cải tiến chất lượng, thiết lập các diễn đàn về chất lượng để trao đổi, học tập kinh nghiệm...
Huệ Anh
Theo