(Xây dựng) – Tại kỳ họp bất thường (kỳ họp thứ 6 – khóa IX) của HĐND tỉnh Bình Dương diễn ra ngày 12/6 đã thống nhất điều chỉnh bổ sung quy hoạch thăm dò khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó có cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp rộng gần 45ha, được gia hạn khai thác sâu cốt tới -150m (trước đó là -120m); cụm mỏ đá Núi Nhỏ, diện tích hơn 27ha, đề xuất gia hạn khai thác sâu cốt tới -130m (cũ là -100m). Mặc dù 2 mỏ này đã hết hạn khai thác từ 31/12/2017.
Kỳ họp bất thường để ra hạn mỏ đá
Điều đáng nói là kỳ họp bất thường này chỉ cách kỳ họp thường kỳ đúng 1 tháng (kỳ họp thứ 7 khai mạc vào ngày 11/7), đã làm nghi ngờ trong dư luận vì sao HĐND tỉnh Bình Dương lại tổ chức họp bất thường chỉ để quyết định 3 vấn đề không đến mức nghiêm trọng cấp bách là: Điều chỉnh Nghị quyết số 30/NQ-HĐND ngày 15/12/2017 của HĐND tỉnh về Kế hoạch đầu tư công năm 2018; Điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030; Mức kinh phí từ các khoản thu hồi phát hiện qua công tác thanh tra đã thực nộp vào ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Thời hạn khai thác mỏ đá Tân Đông Hiệp và Mỏ đá Núi Nhỏ (thị xã Dĩ An) đã hết từ 31/12/2017 vậy tại sao kỳ họp cuối năm 2017 HĐND tỉnh Bình Dương không thông qua nội dung này mà phải tổ chức kỳ họp bất thường sau thời hạn 6 tháng?
Phía sau hàng tôn hoen rỉ là mỏ đá Tân Đông Hiệp vừa mới được ra hạn, nằm ngay sát đường Mỹ Phước - Tân Vạn.
Ngay sau kỳ họp bất thường đó, HĐND tỉnh Bình Dương đã ra Nghị quyết số 04/NQ-HĐND ngày 13/6/2018 của HĐND tỉnh Bình Dương về điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Đến ngày 27/6/2018, ông Trần Thanh Liêm – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã ký Quyết định 1718/QĐ-UBND, phê duyệt điều chỉnh bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Bình Dương giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Theo nội dung điều chỉnh tại phụ lục ban hành theo quyết định này thì điều chỉnh độ sâu khai thác tại cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp và mỏ đá Núi Nhỏ (thị xã Dĩ An) mỗi khu vực sâu cốt tới -150m và -130m, thay vì cốt -120m và -100m. Thời gian điều chỉnh từ 31/12/2017 sang 31/12/2019.
Lý giải cho việc khai thác xuống sâu là tận dụng được nguồn vật liệu đá xây dựng có chất lượng cao trong khi không mở rộng diện tích mỏ, phát huy được năng lực thiết bị và cơ sở hạ tầng hiện có, giảm suất đầu tư so với mở mỏ mới, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội. Nhưng điều này lại gây lo lắng về tác động môi trường cũng như cuộc sống của người dân xung quanh, dự luận không khỏi thắc mắc có phải vì phát triển kinh tế xã hội hay vì doanh nghiệp đang khai thác mỏ mà bất chấp?
Vì phát triển hay vì lợi nhuận doanh nghiệp?
Theo tìm hiểu của phóng viên, mỏ đá Tân Đông Hiệp (phườngTân Đông Hiệp – TX Dĩ An) nằm ngay sát đường Mỹ Phước Tân Vạn – tuyến đường có lưu lượng xe và phương tiện giao thông hàng ngày tương đối lớn ở Bình Dương, liệu có an toàn cho người dân mỗi khi lưu thông qua khu vực này? Việc nổ mìn, khai thác vận chuyển liệu có an toàn cho người dân sống xung quanh mỏ đá, hay các phương tiện lưu thông trên đường Mỹ Phước Tân Vạn.
Mỏ đá Tân Đông Hiệp đang được khai thác rầm rộ
Tại khu vực mỏ đá, ngoài Cty CP Đầu tư và Xây dựng 3 tháng 2, Cty CP Xây dựng Trung Thành và Cty CP Xây dựng Bình Dương đang khai thác thì chủ lực và nắm nhiều khu vực nhất vẫn là Cty CP Xây dựng và Khoáng sản Bình Dương (KSB).
Đây được xem là “mỏ vàng” của Cty CP xây dựng và Khoáng sản Bình Dương, trước khi mỏ đá tạm dừng khai thác cuối năm ngoái, mỏ Tân Đông Hiệp đóng góp khoảng 50% tổng doanh thu của KSB. Năm nay, KSB đặt mục tiêu 1.168 tỷ đồng và lợi nhuận 400 tỷ đồng trong năm 2018. Kế hoạch kinh doanh này chưa bao gồm các mỏ đá mà KSB sẽ đầu tư trong năm nay, bao gồm hai mỏ phía Bắc và mỏ ở Đông Nam Bộ.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2018, doanh thu ước đạt 252 tỷ đồng, lãi trước thuế 87,2 tỷ đồng và lãi sau thuế 69 tỷ đồng. Báo cáo tài chính hợp nhất quý II của KSB ghi nhận doanh thu thuần đạt 270,8 tỷ đồng, giảm 2,2% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá vốn giảm mạnh 14,4% khiến biên lãi gộp tăng từ 42,3% lên 49,5%. Lợi nhuận gộp trong kỳ đạt 133,9 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, KSB đạt doanh thu thuần 523,3 tỷ đồng, lãi ròng 6 tháng đạt 149,2 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,7%. Kế hoạch đề ra cả năm đạt 1.168,3 tỷ đồng doanh thu và 320 tỷ đồng lãi sau thuế. Do đó, KSB xác định mục tiêu chiếm 60% thị phần trong ngành khai thác, chế biến khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng trong 5 năm sắp tới bằng cách mua thêm mỏ mới.
Tại cuộc họp báo 6 tháng đầu năm 2018 do UBND tỉnh Bình Dương tổ chức, đại diện Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bình Dương cho biết, sau khi có kiến nghị từ phía doanh nghiệp xin khai thác thêm tại cum mỏ Tân Đông Hiệp và xem xét nhu cầu thực tế sử dụng nguyên liệu đá xây dựng. UBND tỉnh Bình Dương đã có thành lập đoàn công tác để đánh giá tác động ảnh hưởng môi trường (ĐTM), xác định việc cho khai thác thêm từ độ sâu -120m xuống -150m có phù hợp hay không. Các đoàn đã làm việc và thẩm định rất kỹ sau đó lập tờ trình đề xuất, thông qua các khâu, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và chờ kết quả từ phía Bộ.
Sau hàng tôn hoen rỉ bên đường Mỹ Phước Tân Vạn là mỏ đá Tân Đông Hiệp (phường Tân Đông Hiệp – TX Dĩ An – Bình Dương)
Việc người dân phản ánh vẫn có tiếng nổ bên trong khu vực mỏ đá, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương “phân bua” rằng việc có tiếng nổ là do cơ quan chức năng phối hợp cho nổ để khoan thử xuống độ sâu mới, đánh giá tác động môi trường, thu thập các thông số, số liệu để có biện pháp tiếp hành xử lý. Bên cạnh đó, việc hàng ngày xe ben vẫn chạy qua lại thường xuyên chở đá, vị này thông tin rằng các doanh nghiệp khai thác đá vẫn còn tồn dư sản phẩm nên vẫn tiếp tục được thực hiện công việc xây đập để tạo ra sản phẩm mang tiêu thụ trên thị trường.
Việc ra hạn hay cấp phép khai thác khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng cần có quy hoạch, kế hoạch và lộ trình cụ thể chứ không thể tùy tiện. Bởi đây là tài sản quốc gia cần sử dụng có hiệu quả, cũng như có trách nhiệm giữ gìn cho các thế hệ sau này. Mỏ đá Tân Đông Hiệp đã khai thác khá sâu và nằm ngay sát đường Mỹ Phước Tân Vạn, nên người dân lo lắng về an toàn cho người và xe đi qua khu vực này, cũng như cuộc sống xung quanh là có cơ sở cần xem xét.
Cao Cường
Theo