Dự án Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo phải lùi thời hạn để có thêm thời gian thương thảo hợp đồng.
Trong số 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía đông, 3 dự án trên có khả năng đầu tư BOT. Nhà đầu tư đã tìm được từ cuối tháng 1 nhưng đến nay, các dự án này vẫn chưa chốt được ngày ký hợp đồng và khởi công.
Bộ GTVT dự kiến ký các hợp đồng BOT trong tháng 3, nhưng tiến độ phải lùi sang quý II để các bên rà soát kỹ từng điều khoản.
Cân nhắc kỹ lưỡng từng điều khoản
Trao đổi với Zing, đại diện Ban quản lý dự án 6 (PMU 6 thuộc Bộ GTVT), đơn vị phụ trách dự án Nghi Sơn - Diễn Châu, cho biết đã hoàn thiện dự thảo hợp đồng BOT với nhà đầu tư là liên danh Hòa Hiệp - CIENCO 4 - Núi Hồng - Trường Sơn - VINA2. Dự thảo đang được xin ý kiến một số bộ ngành để ký hợp đồng trong tháng 4.
"Đây là những dự án BOT đầu tiên được thực hiện theo hình thức trọn gói nên cần rà soát từng điều khoản để triển khai", đại diện PMU 6 giải thích lý do không thể ký hợp đồng trong tháng 3.
Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế kiểm tra mặt bằng dự án cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Ảnh: M.H. |
Sau khi ký hợp đồng, nhà đầu tư cao tốc nối Thanh Hóa - Nghệ An sẽ có thêm 2 tháng chuẩn bị để khởi công dự án. Theo luật PPP mới, nhà đầu tư được quyền lựa chọn các nhà thầu dưới sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền.
Trong vòng 6 tháng từ khi ký hợp đồng BOT, nhà đầu tư phải huy động được nguồn vốn tín dụng nếu không muốn bị hủy hợp đồng và mất khoản tiền cọc.
Đối với dự án Nha Trang - Cam Lâm, ông Nguyễn Vũ Quý, Phó giám đốc PMU 85, cho biết đơn vị đang đàm phán để ký hợp đồng BOT với nhà đầu tư là Tập đoàn Sơn Hải. Dự kiến tuyến cao tốc này sẽ được khởi công trong quý II.
Trong khi đó, ông Đỗ Quang Minh, Phó giám đốc PMU 85, cho biết đã đàm phán xong một vòng với nhà đầu tư dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo là liên danh Đèo Cả - Hải Thạch - 194.
"Hiện còn một số điều khoản hợp đồng đang cần xin ý kiến các cơ quan liên quan nên chưa khẳng định được ngày ký hợp đồng", ông này cho biết.
Nhà đầu tư BOT phải tự lo nguồn vật liệu
Lãnh đạo các ban quản lý dự án đều khẳng định nhà đầu tư BOT sẽ chịu trách nhiệm chính kể từ thời điểm ký hợp đồng dự án. Họ phải tự huy động nguồn vốn tín dụng, tự lựa chọn nhà thầu và tự lo nguồn nguyên vật liệu để thi công.
"Có thể nhà đầu tư sẽ phối hợp với mình trong quá trình thực hiện, vướng mắc cùng nhau tháo gỡ, nhưng trách nhiệm thuộc về họ chứ không thuộc về Bộ GTVT như các dự án đầu tư công", đại diện PMU 6 chia sẻ.
Tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu đang diễn ra tại nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam. Ảnh minh họa: VGP. |
Qua khảo sát của PMU 85, các mỏ nguyên vật liệu phục vụ cho tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo đang "tạm ổn". Lãnh đạo PMU 85 khẳng định ngay cả khi có phát sinh về nguyên vật liệu, nhà đầu tư cũng phải tự xoay sở để đảm bảo tiến độ hợp đồng.
"Ban quản lý dự án sẽ hỗ trợ, nhưng không chịu trách nhiệm chính trong trường hợp khan hiếm nguyên vật liệu hoặc các mỏ vật liệu tăng giá. Nhà đầu tư phải tính toán hết các vấn đề này trước khi ký hợp đồng", đại diện Ban quản lý dự án 85 cho biết.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, cả 3 dự án cao tốc Bắc - Nam được khởi công từ tháng 9/2020 (Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây) đều đang gặp vướng mắc về nguyên vật liệu thi công.
Thông tin từ PMU Thăng Long cho hay dự án Mai Sơn - QL45 đang cần 7 triệu m3 đất và Phan Thiết - Dầu Giây cần 5 triệu m3 vật liệu. Tuy nhiên, quá trình triển khai, vật liệu đội giá lên nhiều so với thời điểm khảo sát.
PMU 7 cũng cho biết đơn vị đang quản lý dự án Phan Thiết - Vĩnh Hảo, hiện nhu cầu toàn dự án cần 8 triệu m3 vật liệu. Các mỏ đã được cấp phép khai thác chỉ được khoảng hơn 1 triệu m3. Theo tính toán, thời gian hoàn thiện cấp phép một mỏ khoảng 6-8 tháng. Vì thế, khả năng bị chậm tiến độ rất lớn nếu không có giải pháp căn cơ.
“Nếu các địa phương không nhanh chóng cấp phép lại cho mỏ vật liệu đã hết hạn, nguy cơ thiếu vật liệu cho cao tốc Bắc - Nam là điều hiện hữu. Nước ta nhiều đồi núi mà thiếu vật liệu đất đắp thì quả là vấn đề đáng bàn”, ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), cảnh báo.
Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 có 11 dự án thành phần. Ban đầu, Bộ GTVT quyết định đầu tư công 3 dự án và 8 dự án thực hiện theo hình thức PPP. Tuy nhiên, do những khó khăn về vốn, trong 5/8 dự án PPP đã được chuyển sang đầu tư công. Ba dự án còn lại tìm được nhà đầu tư BOT và đang chuẩn bị ký hợp đồng. |
Theo Ngọc Tân/Zing.vn
Link gốc: https://zingnews.vn/vi-sao-3-du-an-bot-cao-toc-bac-nam-chua-ky-duoc-hop-dong-post1204001.html