(Xây dựng) – Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng cơ bản có đầy đủ các chế tài xử phạt những chủ thể tham gia nếu vi phạm. Hành vi vi phạm đều được nhận diện rõ để áp với mức phạt tương xứng và nhiều biện pháp buộc khắc phục hậu quả kịp thời mang tính răn đe, chống tái phạm trong lĩnh vực xây dựng.
Pháp luật về xây dựng quy định đầy đủ các chế tài xử phạt để xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. |
Hệ thống pháp luật cơ bản đầy đủ
Mới đây, trong báo cáo sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang có nội dung kiến nghị Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế ra văn bản có chế tài áp dụng để xử phạt các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án các công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước phải có trách nhiệm khi lập dự án; hồ sơ thiết kế phải được đưa vào dự toán công trình, được cơ quan quản lý Nhà nước thẩm tra, thẩm định phê duyệt để nhà thầu có cơ sở tham gia dự thầu, ký kết hợp đồng xây dựng, đảm bảo trách nhiệm và quyền lợi cũng như tránh rủi ro vi phạm pháp luật.
Trên cơ sở nội dung này, phóng viên Báo điện tử Xây dựng hệ thống lại các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng để thấy rõ chế tài về hành chính trong lĩnh vực này. Trước hết, chúng ta phải hiểu được chế tài là một trong ba bộ phận cấu thành một quy phạm pháp luật. Chế tài là bộ phận không thể thiếu trong một quy phạm pháp luật, đặc biệt là trong pháp luật về xây dựng, nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật; bảo đảm trật tự và an toàn xã hội.
Chế tài thể hiện rõ thái độ của Nhà nước đối với những hành vi vi phạm pháp luật và có tác dụng phòng ngừa, giáo dục để bảo đảm việc tuân thủ pháp luật, góp phần thực hiện mục đích của Nhà nước trong mọi lĩnh vực. Tóm lại, có thể hiểu chế tài là những hậu quả pháp lý bất lợi do Nhà nước quy định mà các chủ thể phải gánh chịu khi có hành vi vi phạm pháp luật.
Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về xây dựng, đã chủ động rà soát, tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đáp ứng yêu cầu quản lý công trình xây dựng.
Có thể kể đến như Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Kiến trúc, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và nhiều Nghị định của Chính phủ: Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng; Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình; Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết chi tiết về hợp đồng xây dựng (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 50/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ); Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Hệ thống pháp luật xây dựng đã quy định đầy đủ trách nhiệm, thẩm quyền của các chủ thể có liên quan trong công tác quản lý đầu tư xây dựng.
Ngoài ra, Luật Xây dựng năm 2014, Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 và các văn bản hướng dẫn cũng đã quy định cụ thể trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc lập và quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng; khởi công và thi công, giám sát xây dựng công trình... Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành cũng quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư xây dựng như Ban Quản lý dự án, nhà thầu khảo sát xây dựng, nhà thầu thiết kế xây dựng, nhà thầu thi công, giám sát...
Có đủ chế tài để xử lý
Trong năm 2022, Bộ Xây dựng đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng, trong đó đã quy định chế tài xử phạt đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong lĩnh vực xây dựng như: lập, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng; khảo sát; thiết kế, dự toán; khởi công, thi công; giám sát thi công xây dựng công trình…
Theo Thanh tra Bộ Xây dựng, các hành vi vi phạm trên ngoài việc bị xử phạt bằng tiền, còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng với hành vi vi phạm nhằm xử lý kịp thời, nghiêm minh, khắc phục được hậu quả do các hành vi vi phạm hành chính gây ra, cụ thể:
Đối với vi phạm quy định về lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng: tại Điều 12 quy định xử phạt 08 hành vi, chia thành 03 khung hình phạt với mức phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 120 triệu đồng.
Có thể ví dụ như thế này: Đối với hành vi không tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đối với công trình theo quy định phải lập dự án đầu tư xây dựng công trình (điểm a khoản 1 Điều 12), thì sẽ áp dụng biện pháp buộc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình.
Hành vi không trình cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng theo quy định (điểm b khoản 1 Điều 12), sẽ áp dụng biện pháp buộc trình cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng theo quy định...
Đối với vi phạm quy định về thiết kế xây dựng và dự toán xây dựng: Tại Điều 13 quy định xử phạt 14 hành vi, chia thành 03 khung hình phạt với mức phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 100 triệu đồng.
Như hành vi không phê duyệt thiết kế xây dựng theo quy định (điểm a khoản 1 Điều 13), sẽ áp dụng biện pháp buộc phê duyệt thiết kế theo quy định. Hành vi không gửi cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế xây dựng theo quy định (điểm b khoản 1 Điều 13), áp dụng biện pháp buộc gửi cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế xây dựng theo quy định...
Trong Nghị định số 16/2022/NĐ-CP còn xử phạt các hành vi vi phạm quy định về hợp đồng xây dựng (Điều 19); xử phạt vi phạm quy định về thẩm tra dự án đầu tư xây dựng, thiết kế, dự toán xây dựng (Điều 29)...
Ngoài ra, tại Điều 23 của Nghị định cũng quy định trường hợp nhà thầu tư vấn quản lý dự án, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư khu vực là chủ đầu tư thì tùy theo phạm vi nhiệm vụ được giao, nhà thầu tư vấn quản lý dự án, Ban quản lý dự án bị xử phạt vi phạm hành chính đối với những hành vi quy định từ Điều 7 đến Điều 22 của Nghị định số 16/2022/NĐ-CP.
Như vậy, từ phân tích, dẫn chứng trên cho thấy hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chế tài để áp dụng xử phạt đối với các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng đã cơ bản đầy đủ, chặt chẽ để xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.
Hà Khánh
Theo