Thứ ba 05/11/2024 07:20 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866
Trang chủ / Pháp luật /

Vi phạm trật tự xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh: Giảm gần 80% sau 4 năm có Chỉ thị 23

18:41 | 17/07/2023

(Xây dựng) – Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí minh vừa sơ kết 4 năm thực hiện Chỉ thị 23–CT/TU ngày 25/7/2019 của Thành ủy và Kế hoạch 3333/KH-UBND của UBND Thành phố.

Vi phạm trật tự xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh: Giảm gần 80% sau 4 năm có Chỉ thị 23
Những công trình xây dựng không phép tại huyện Bình Chánh.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, kể từ khi có Chỉ thị 23 công tác quản lý trật tự xây dựng có chuyển biến rõ rệt do có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, bình quân số vụ vi phạm trên 01 ngày giảm so với thời điểm trước khi ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU.

Cũng theo Sở Xây dựng, sau 04 năm thực hiện (15/7/2019 - 15/6/2023) tổng số công trình vi phạm gần 2.700 công trình, bình quân 1,8 vụ/ngày, giảm 6,7 vụ/ngày, tỷ lệ giảm là gần 80%. Riêng 06 tháng đầu năm 2023 (15/12/2022 - 15/6/2023) đã phát hiện 170 công trình vi phạm trật tự xây dựng, bình quân 0,9 vụ/ngày, giảm 7,6 vụ/ngày, tỷ lệ giảm là 89%, so với bình quân số vụ vi phạm trước thời điểm ban hành Chỉ thị số 23 là 8,5 vụ/ngày.

Ông Trần Hoàng Quân - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, cũng trong thời gian này có 184 cán bộ, viên chức thuộc Sở Xây dựng, các quận huyện bị xử lý kỷ luật dưới nhiều hình thức, như khiển trách, cảnh cáo, cách chức… đặc biệt buộc thôi việc 2 trường hợp.

Để thực hiện tốt hơn nữa trong công tác quản lý trật tự xây dựng trong thời gian tới, theo ông Quân cần công khai quy hoạch được duyệt để người dân biết thông tin, từ đó chấp hành nghiêm khi thực hiện xây dựng, xin phép xây dựng, phổ biến các kiến thức dưới nhiều hình thức về cấp phép xây dựng.

Cũng theo Giám đốc Sở Xây dựng, những kết quả đạt được trong 4 năm qua đã thể hiện Chỉ thị 23 là quyết sách hữu hiệu để lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố. Ông Quân đã chỉ ra ưu điểm của Chỉ thị 23 là giúp kiểm soát quản lý được tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn, kéo giảm số vụ vi phạm tỷ lệ phát hiện vi phạm và tạo sự đồng thuận, đồng lòng của các cơ quan phối hợp thực hiện Chỉ thị 23.

“Khi chưa có Chỉ thị 23 thì mỗi ngày phát hiện 9 - 10 vụ vi phạm, khi có Chỉ thị 23 thì số vụ vi phạm giảm. 6 tháng đầu năm nay thì vi phạm trật tự xây dựng chưa tới 1 vụ/ngày. Đến nay gần như phát hiện tất cả vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn”, ông Quân chia sẻ.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được về công tác quản lý trật tự xây dựng thì điều đáng tiếc nhất là mất cán bộ. Trong 184 trường hợp bị kỷ luật thì có tới 108 trường hợp là cán bộ ngành Xây dựng.

“Khi xử lý cán bộ thì ngoài cán bộ thanh tra địa bàn thì cán bộ địa chính, Phó Chủ tịch phụ trách đô thị, Chủ tịch… cũng bị xử lý. Giai đoạn 2020 khi tôi về làm Bí thư huyện Bình Chánh thì xử lý trên 250 trường hợp liên quan sai phạm đất đai, trật tự xây dựng. Điều này cho thấy nếu làm tốt ngay từ đầu thì hạn chế mất mát này, bởi đào tạo con người là cả quá trình khó nhưng xử lý kỷ luật thì rất đau xót”, ông cho biết thêm.

Vi phạm trật tự xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh: Giảm gần 80% sau 4 năm có Chỉ thị 23
Công trình xây dựng không phép được xây lên chỉ sau một đêm trước khi có Chỉ thị 23.

Tại báo cáo sơ kết, Sở Xây dựng nhận xét mặt đạt được trong thực hiện Chỉ thị số 23 và Kế hoạch số 3333 của UBND Thành phố là nhiều giải pháp, kế hoạch quản lý trật tự xây dựng được thực hiện và phát huy hiệu quả; góp phần làm trong sạch, vững mạnh đội ngũ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về xây dựng, đất đai, quy hoạch và quan trọng nhất là nhận được sự đồng lòng, ủng hộ của người dân Thành phố từ khi Chỉ thị số 23-CT/TU được ban hành và triển khai thực hiện đến nay; Tình hình quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, không phát sinh điểm nóng, phức tạp về vi phạm trật tự xây dựng gây bức xúc trong dư luận; Việc triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23 và Kế hoạch số 3333 đã góp phần chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng, tác động mạnh đến từng bộ phận người dân, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, kéo giảm tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố.

Bên cạnh đó, trách nhiệm người đứng đầu được nâng lên, ý thức chấp hành nhiệm vụ công vụ, tinh thần chủ động, sáng tạo của công chức thực hiện công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng được cải thiện, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng; đồng thời, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính; công tác xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; công tác phòng, chống tham nhũng; công tác phối hợp giữa các Sở, ngành Thành phố và UBND thành phố Thủ Đức, các quận, huyện trong thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước được giao.

Tuy nhiên, Sở Xây dựng nhận thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, giải pháp theo Chỉ thị số 23 và Kế hoạch số 3333 của UBND Thành phố. Đó là công tác tham mưu Quyết định thay thế quy định về diện tích tối thiếu được tách thửa trên địa bàn Thành phố và việc ngưng cung cấp điện, nước đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng. Việc xử lý các tổ chức, cá nhân tự ý đấu nối, cung cấp dịch vụ điện nước cho công trình vi phạm trật tự xây dựng.

Ngoài ra, nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến công tác tổ chức thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính và công tác rà soát quy hoạch xây dựng để điều chỉnh cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả cao. Do đó, Sở Xây dựng nhận định, nhiệm vụ tổ chức thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính và công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch (quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý kiến trúc...) là các nhiệm vụ quan trọng và cần phải tiếp tục tập trung thực hiện thường xuyên nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố.

Cao Cường

Theo

Cùng chuyên mục
Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load