Thứ tư 08/05/2024 15:22 24h qua English RSS
Hotline: 094 540 6866

60 năm Bác Hồ về thăm Tuần Châu (23/11/1963 - 23/11/2023):

Về với biển Tuần Châu

12:00 | 06/12/2023

(Xây dựng) - Ngày 23/11/1963, Bác Hồ về thăm Tuần Châu lần thứ 2 và cũng là lần cuối cùng. Người đã căn dặn: “Phải biến Tuần Châu thành ngọc châu”. Suốt 60 năm qua, quân dân và những người yêu hòn đảo, đã nỗ lực hiện thực hóa mong ước đó của Bác. Từ một hòn đảo hoang dã, nghèo khó bậc nhất tỉnh Quảng Ninh, Tuần Châu nay đã thành viên ngọc sáng nhất của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.

Về với biển Tuần Châu
Lần thứ 2, ngày 23/11/1963, Bác Hồ về thăm Tuần Châu. Người căn dặn: "Phải biến Tuần Châu thành ngọc châu”.

Quảng Ninh - Vùng mỏ, trên nửa thế kỷ nay đã có nhiều ca khúc nổi tiếng: Đó là “Khi chúng tôi vào lò” - nhạc sỹ Trần Chung; “Đất mỏ anh hùng” - nhạc sỹ Xuân Giao; “Đường đi lên mỏ hôm nay” - nhạc sỹ Tân Huyền; “Tôi là người thợ lò” và “Tình ca người thợ mỏ” - nhạc sỹ Hoàng Vân; “Những ngôi sao ca đêm” - nhạc sỹ Phạm Tuyên; “Nhịp máy khoan” - nhạc sỹ Trọng Bằng…

Thế nhưng, với Tuần Châu - địa danh nổi tiếng đến mức giờ đây đã không còn của riêng Hạ Long - Quảng Ninh nữa, mà là chung cả nước, còn vươn ra thế giới; nhưng lại có rất ít tác phẩm âm nhạc dành riêng tôn vinh "viên ngọc" đang rực sáng này - đúng như mong ước Bác Hồ: “Phải biến Tuần Châu thành ngọc châu”. Tôi cố tìm hiểu trên Intenet, chỉ gặp một video duy nhất ca khúc có tên "Biển Tuần Châu". Rồi cũng cố tìm xem tác giả ca khúc, nhưng vô vọng.

Trong khung cảnh "giáp hạt" ấy, thật mừng là bài hát "Tuần Châu ơi!" của nhà báo Tào Khánh Hưng – Phó Tổng biên tập Báo Xây dựng, "ngẫu hứng" ra đời sau một chuyến "về với biển Tuần Châu" công tác.

Quảng Ninh rất vinh dự và tự hào được Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm 9 lần. Những lần về Vùng mỏ ấy, Bác Hồ đã đi thăm 4 đảo, trong đó Tuần Châu được Chủ tịch Hồ Chí Minh ưu ái hơn cả khi 2 lần về thăm (năm 1959 và 1963).

Chính ngày 23/11/1963, Bác Hồ về thăm Tuần Châu lần thứ 2 và cũng là lần cuối cùng này, Người đã căn dặn: “Phải biến Tuần Châu thành ngọc châu”.

Lời dặn đó của Lãnh tụ, suốt 60 năm nay đã được quân, dân và những người yêu hòn đảo nỗ lực hiện thực hóa. Từ một hòn đảo hoang dã, nghèo khó bậc nhất tỉnh Quảng Ninh, Tuần Châu nay đã bay lên như “Phù Đổng”, thành một trung tâm du lịch - dịch vụ hàng đầu đất nước, thành viên ngọc sáng nhất của khu vực Di sản thiên nhiên thế giới Hạ Long.

Trở lại bài hát "Tuần Châu ơi!". Đây là bài hát có khúc thức dành riêng cho song ca nam - nữ, nên nét nhạc vang lên dìu dặt, khoan thai như thể kể lại một chuyện tình của non của nước ("Sóng thì thầm chuyện tình Trinh nữ/ Hòn Trống Mái giữa mênh mông nước biếc").

Theo lời ca, điệu nhạc véo von - cảm hứng nghệ thuật của Tào Khánh Hưng, Tuần Châu hiện ra như nơi bồng lai, tiên cảnh:

"Em lại về với biển Tuần Châu

Trời nước trong xanh, dập dềnh con sóng

Sương mờ giăng xa xa đảo nhỏ

Gió mơn man, hải âu trong chiều tím chao nghiêng

Biển trăng lên dát bạc, dát vàng

Sóng thì thầm chuyện tình Trinh nữ

Hòn Trống Mái giữa mênh mông nước biếc

Núi Bài Thơ cờ đỏ tung bay ".

Về với biển Tuần Châu
Đoàn tàu không số quả cảm, anh hùng.

Nhưng đây là "bồng lai, tiên cảnh" có thực trên đời: "Hòn Trống Mái giữa mênh mông nước biếc/ Núi Bài Thơ cờ đỏ tung bay".

Lời ca là những hình ảnh siêu phàm mà thực 100%. Là ngọc ngà, lụa là vóc gấm Tuần Châu: "Trời nước trong xanh, dập dềnh con sóng/ Sương mờ giăng đảo nhỏ/ Gió mơn man, hải âu trong chiều tím chao nghiêng/ Biển trăng lên dát bạc, dát vàng".

Về với biển Tuần Châu
Phó Tổng biên tập Báo Xây dựng Tào Khánh Hưng (bên phải) tác giả ca khúc Tuần Châu ơi và nhà báo Lê Quang Vinh

Như tôi đã liên tưởng ở trên từ Tuần Châu hôm nay, về một mong ước dù có vô cùng hão huyền của người xưa nơi miền "đất hứa" - vì nó chỉ có thể "có" ở thế giới bên kia của đời người, nhưng đó lại là mong ước ngàn đời có thực trước đây và chắc chắn ngàn đời sau chúng ta nữa: Một cuộc sống - một thế giới, nơi "bồng lai, tiên cảnh". Tào Khánh Hưng - không, chính khúc ca này "Tuần Châu ơi!" và cả hòn đảo hôm nay nữa của chúa đảo Đào Hồng Tuyển, nó bay bổng và lãng mạn đến độ trác tuyệt đó (nghĩa là "cao vượt hẳn lên, không có gì sánh kịp").

(Theo lời chú của sách "Sơn Hải kinh": Núi Bồng Lai ở giữa bể, trên núi có tiên, cung thất toàn bằng vàng ngọc, chim muông đều trắng cả, ở xa trông như mây. Bồng Lai nằm trong bể Bột Hải. Từ xưa đã là biểu trưng cho “Cảnh đẹp và cuộc sống hạnh phúc” mà con người mơ ước. Nhà thơ Thế Lữ từng có câu thơ diễm tình về bồng lai: “Trời cao, xanh ngắt – Ô kìa/ Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai” trong bài thơ “Tiếng sáo Thiên Thai”).

Có thể nói là khúc tráng ca dành riêng cho "Người xây đảo mới", lớp con cháu sau chiến tranh trở về quyết tâm thực hiện lời giáo huấn của vị Cha già dân tộc trước lúc đi xa:

Nhớ năm xưa một thời hoa lửa

Đoàn tàu không số quả cảm, anh hùng

Vượt sóng lừng, mắt bão, đạn bom

Vì miền Nam mở tuyến đường trên biển

Sau năm tháng chiến chinh

Anh trở về với đảo Ngọc

Nối yêu thương đảo với đất liền

Nơi Bác Hồ lưu dấu năm xưa

Cuộc sống mới hòa trong biển lớn

Thênh thang Quảng Ninh đảo ngọc, biển vàng".

Ngày 23/10/1961, Bộ Tổng Tư lệnh ra Quyết định số 97/QP thành lập "Đoàn 759 - Vận tải thủy", đồng chí Trung tá Đoàn Hồng Phước làm Đoàn trưởng. Lực lượng của Đoàn ban đầu có 38 cán bộ, chiến sỹ, trong đó có 20 đồng chí thuộc các thuyền của Bến Tre, Trà Vinh và Liên khu V vừa điều ra. Cuối năm 1961, Đề án công tác của Đoàn đã được Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh thông qua.

Là người con đất biển, Đào Hồng Tuyển hơn ai hết, với tuổi 18 - đôi mươi, người thanh niên tràn đầy nhựa sống đã quăng thân gia nhập đội quân "Đoàn tàu không số" này. Nghĩa là anh đã dấn thân vào một cuộc chiến vô cùng khốc liệt, nguy hiển ngàn cân treo sợi tóc, có thể "vô danh" bất cứ thời khắc nào giữa trùng khơi gió to sóng lớn cùng bom đạn quân thù: "Nhớ năm xưa một thời hoa lửa/ Đoàn tàu không số quả cảm, anh hùng/ Vượt sóng lừng, mắt bão, đạn bom/ Vì miền Nam mở tuyến đường trên biển".

Thường khi mô tả chiến công, văn thơ hay âm nhạc, các tác giả thường sử dụng thủ pháp làm sao để tác phẩm mang đậm chất hùng tráng, ngôn từ lẫn âm nhạc cũng phải sao cho hào sảng. Thế nhưng ở đoạn cao trào này, tác giả đã chọn tả thực nhiều hơn là dồn nén, thúc bách như thể "trống dục, quân hồi". Lời thơ nét nhạc có đoạn ước lệ vẫn réo rắt, mượt mà, tuôn chảy như sóng như nước, như mây bay gió thổi...

Rồi từ khi ông Đào Hồng Tuyển rời "Đoàn tàu không số" trở về, để đến với Tuần Châu như một sự sắp xếp trời định ("thiên duyên"):

"Sau năm tháng chiến chinh/ Anh trở về với đảo Ngọc/ Nối yêu thương đảo với đất liền/ Nơi Bác Hồ lưu dấu năm xưa/ Cuộc sống mới hòa trong biển lớn/ Thênh thang Quảng Ninh đảo ngọc, biển vàng."

Ông đã làm một việc như "Nàng Nữ Oa xưa đội đá vá trời", nay thì ông đắp đường nối Tuần Châu với đất liền thành một dải. Con đường ông đắp không phải là con đường mà hơn 100 năm trước Lỗ Tấn đã nói: "Kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi". Nối liền một eo biển rộng 4-5 cây số mênh mông nước mà thành đường 2 làn ôtô chạy, chứ không phải như trăm vạn con đường mòn trên vỏ trái đất. Con đường đã đưa Tuần Châu vượt lên chính mình để bạn bè cả nước cũng như khắp năm châu bốn biển đến với Tuần Châu, làm giàu cho Tuần Châu, làm giàu cho Quảng Ninh.

"Tuần Châu hôm nay, đón bè bạn năm châu

Mong ước của Người đảo thành đảo ngọc

Để em về bên anh sóng nước

Ráng chiều nay nhuộm tím hoàng hôn..."

Đây là khúc hoan ca về sự thành công của con đường phát triển Tuần Châu. Cũng là khúc hoan ca dành riêng cho "Chúa đảo" - Người chiến binh trên các chuyến tàu "Không số" anh hùng.

Từ năm 1999 trở về trước, Tuần Châu không có điện lưới, không có nước sạch, đường sá chỉ là đường mòn và không có các phương tiện giao thông cơ giới. Nhân dân chủ yếu sống bằng nghề chài lưới sử dụng các phương tiện đánh bắt rất thô sơ và làm ruộng. Năm 2002, một khu du lịch mới được xây dựng trên đảo đã mang đến một diện mạo, dáng vẻ mới. Tuần Châu ngày nay là một trung tâm du lịch quốc tế. Cuộc thi hoa hậu Việt Nam 2004 được tổ chức tại đây.

Ông Đào Hồng Tuyển hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Tuần Châu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cựu chiến binh Đoàn tàu không số Việt Nam. Ông nổi tiếng bởi sự giàu có với vai trò "chúa đảo" Tuần Châu - Đảo ngọc như Bác Hồ hằng mong ước: "Mong ước của Người đảo thành đảo Ngọc/ Để em về bên anh sóng nước "...

Tuần Châu ơi !

Tào Khánh Hưng

Em lại về với biển Tuần Châu

Trời nước trong xanh, dập dềnh con sóng

Sương mờ giăng đảo nhỏ

Gió mơn man, hải âu trong chiều tím chao nghiêng

Biển trăng lên dát bạc, dát vàng

Sóng thì thầm chuyện tình Trinh nữ

Hòn Trống Mái giữa mênh mông nước biếc

Núi Bài Thơ cờ đỏ tung bay

Tuần Châu ơi, Tuần Châu hỡi !

Nhớ năm xưa một thời hoa lửa

Đoàn tàu không số quả cảm, anh hùng

Vượt sóng lừng, mắt bão, đạn bom

Vì miền Nam mở tuyến đường trên biển

Sau năm tháng chiến chinh

Tuần Châu ơi, Tuần Châu hỡi!

Anh trở về với đảo Ngọc

Nối yêu thương đảo với đất liền

Tuần Châu ơi… biết mấy yêu thương

Nơi Bác Hồ lưu dấu năm xưa

Cuộc sống mới hòa trong biển lớn

Thênh thang Quảng Ninh đảo ngọc, biển vàng.

Tuần Châu hôm nay, đón bè bạn năm châu

Mong ước của Người, đảo thành đảo ngọc

Để em về bên anh sóng nước

Ráng chiều nay nhuộm tím hoàng hôn...

Lê Quang Vinh

Theo

Cùng chuyên mục
  • Hải Phòng sẵn sàng cho Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2024

    (Xây dựng) – Thành phố Hải Phòng đang khẩn trương hoàn tất công tác chuẩn bị cho Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2024 sẽ diễn ra ngày 11/5 tới đây tại khu vực Quảng trường phía trước Trung tâm Chính trị - Hành chính, Khu đô thị Bắc sông Cấm, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.

  • Đặc sắc Chương trình nghệ thuật "Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử"

    Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với tỉnh Điện Biên tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt "Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử" với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

  • Về với Điện Biên

    (Xây dựng) - Những ngày này, cả nước đang cùng hoà chung không khí nô nức Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động năm châu, lừng lẫy địa cầu” của quân - dân ta (7/5/1954 - 7/5/2024). Nhạc sĩ - nhà báo Tào Khánh Hưng, Phó tổng biên tập Báo Xây dựng đã sáng tác ca khúc “Về với Điện Biên”. Đây là bài hát hưởng ứng cuộc vận động của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam “Ủng hộ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh Điện Biên” (lễ phát động ngày 14/5/2023); cùng “Tháng âm nhạc Bài ca Điện Biên - Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ” của Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp cùng Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam và UBND tỉnh Điện Biên phát động (19/3/2024).

  • Tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” đến với người dân Hà Nội bằng công nghệ 3D mapping

    (Xây dựng) - Từ tối 3/5 đến hết ngày 7/5/2024, người dân Hà Nội có thể chiêm ngưỡng bức tranh panorama 3D “Chiến dịch Điện Biên Phủ” tại khu vực tượng đài Cảm tử (41 Hàng Dầu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đây là bức tranh tròn quy mô lớn nhất Đông Nam Á và là một trong những bức tranh đề tài chiến tranh lớn nhất thế giới.

  • Khánh thành bức Phù điêu Bài ca chiến thắng ở Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ

    Bức Phù điêu “Bài ca Chiến thắng” của tác giả Nguyễn Đức Luận, cao 2,7m, rộng 3,7m, có điểm nhấn là hình ảnh đoàn quân chiến thắng, nhân dân các dân tộc Tây Bắc cầm cờ, hoa chào đón bộ đội Cụ Hồ.

  • Những Thủy tổ vùng đất thiêng Kinh Bắc

    (Xây dựng) – Vùng đất Bắc Ninh – Kinh Bắc, không chỉ được biết đến là cái nôi của Thủy tổ Quan họ (nơi có đền thờ Đức Vua Bà, người khai sinh ra làn điệu Dân ca Quan họ nổi danh năm Châu) mà ở vùng đất thiêng này, còn là nơi khởi nguồn của rất nhiều Thủy tổ khác.

Xem thêm
...

Tin bài cuối cùng

Không còn dữ liệu để load